Theo đó, kiểm toán viên phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, đạo đức tốt, có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành tài chính, ngân hàng, kế toán, kiểm toán và phải có chứng chỉ kiểm toán viên. Kiểm toán viên phải có thời gian thực tế làm công tác kiểm toán 36 tháng trở lên và phải tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức mới được đăng ký hành nghề.
Điều này giúp nâng cao chất lượng và mở rộng đội ngũ kiểm toán viên, giúp hội nhập dịch vụ kiểm toán độc lập của Việt Nam với khu vực và quốc tế, đồng thời dẫn đến việc các nhà quản trị doanh nghiệp chạy đua để thu hút nhân sự cao cấo, vô tình đẩy cán cân cung - cầu về nguồn nhân sự cao cấp lệch hẳn về một phía. Giải pháp nào cho thị trường nhân sự cao cấp riêng cho ngành kiểm toán Việt Nam để đáp ứng cơn “khát” nhân sự này?
Ưu tiên phát triển nội lực
Bà Nguyễn Phi Lan - Phó Tổng giám đốc của PricewaterhouseCoopers cho biết: “Hiện tại, việc tìm kiếm nhân tài bên ngoài không phải là biện pháp bền vững. Định hướng lâu dài cho bài toán nhân sự cao cấp là vẫn nên ưu tiên phát triển nội lực và đào tạo chuyên gia từ chính đội ngũ cán bộ của mình”.
Thực vậy, tại các Big 4 chính sách đào tạo nhân sự rất được coi trọng. Họ chú trọng đào tạo nhân sự theo từng cấp độ từ thấp đến cao, theo từng yêu cầu, liên tục và thường xuyên. Những nỗ lực này giúp tạo ra một đội ngũ nhân sự cao cấp chuyên nghiệp, có chuyên môn cao…
Đây cũng là tiêu chuẩn để sau một quá trình đánh giá nghiêm ngặt, CPA Australia - một trong những Hiệp hội nghề kiểm toán lớn nhất thế giới với hơn 120 năm kinh nghiệm, quyết định công nhận 4 công ty kiểm toán và tư vấn hàng đầu (Big 4) tại Việt Nam đạt chuẩn đào tạo và phát triển chuyên môn được công bố trong buổi họp báo ngày 2/11/2011 vừa qua tại Hà Nội.
Góp phần cân đối cung-cầu nhân sự cao cấp
Chương trình Công nhận đối tác đạt chuẩn đào tạo và phát triển chuyên môn của CPA Australia hiện được triển khai từ đầu năm 2011 và đến nay, CPA Australia đã công nhận hơn 100 công ty trên toàn cầu nhằm mục đích giúp các nhà sử dụng lao động thu hút, phát triển và giữ chân nhân tài trong lĩnh vực tài chính kế toán.
Việc CPA Australia lần đầu tiên công nhận chuẩn này cho các Big 4 đánh dấu bước ngoặt quan trọng cho sự hiện diện của CPA Australia tại Việt Nam kể từ năm 2008 và thể hiện cam kết trong việc hỗ trợ đào tạo cho các kiểm toán viên có tay nghề cao theo chuẩn quốc tế tại Việt Nam.
Với sự công nhận này, công ty Big 4 có thêm lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút, phát triển và giữ chân nhân tài trong lĩnh vực tài chính kế toán. Thông qua chương này, CPA Australia:
- Đơn giản hóa Quy trình tích luỹ kinh nghiệm thực tế-một phần bắt buộc trong chương trình CPA-cho các Hội viên dự bị đang làm việc tại các công ty big 4 để họ, sau khi học xong chương trình CPA, hội đủ điều kiện trở thành hội viên chính thức
- Đơn giản hóa Quy trình phát triển kiến thức chuyên môn thường xuyên (CPD) cho các Hội viên đang công tác tại big 4 để duy trì hiệu lực của chứng chỉ hội viên (CPA).
Việc công nhận những đối tác đạt chuẩn đào tạo và phát triển chuyên môn cũng như các đơn vị đào tạo, luyện thi chứng chỉ CPA lần này, CPA Australia muốn thể hiện cam kết của mình trong việc hỗ trợ các tổ chức giáo dục và đào tạo cho các kiểm/kế toán viên có tay nghề theo chuẩn quốc tế tại Việt Nam và hy vọng trong tương lai Việt Nam tiếp tục tạo thế mạnh trong lĩnh vực kế toán công chứng với đầy đủ sự chuyên nghiệp, tuân thủ chuẩn mực đạo đức hành nghề, góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế nước nhà”.
Hy vọng trong tương lai không xa, với sự cam kết hỗ trợ đào tạo của CPA Australia, sẽ đóng góp một phần vào việc cân đối cán cân cung - cầu của nguồn nhân sự cao cấp cho ngành kiểm toán kế toán Việt Nam và Việt Nam sẽ mạnh dạn hơn trong “sân chơi” quốc tế, tạo niềm tin, đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư, cũng như cho nhà nước và các tổ chức liên quan.
(Theo VietnamNet)