Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Những sáng tạo thiết thực........!!

Cập nhật 12/10/2011 - 09:45:23 AM (GMT+7)
Dù còn rất trẻ, người trên ghế giảng đường, người đang công tác nhưng điểm chung của tất cả thanh niên được tuyên dương tại festival Tuổi trẻ sáng tạo, bảo vệ môi trường toàn quốc (do T.Ư Đoàn tổ chức) là sự đam mê, dấn thân cho những sáng tạo phục vụ cộng đồng với giá thành hợp lý. Sau đây sẽ là một số sáng tạo đặc biệt được tuyên dương tại festival lần này…

Nhà nổi cho khu vực ĐBSCL

Vừa tốt nghiệp ra trường, nhưng nhóm bạn: Nguyễn Lê Trí, Nguyễn Thị Thanh Trúc, Nguyễn Bảo Trân, Nguyễn Hồng Hạnh, Hồ Thị Minh Hà (Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM) vẫn đang ấp ủ giấc mơ có thể thực nghiệm sáng kiến của mình cho bà con vùng lũ Đồng bằng sông Cửu Long.

Sáng kiến trên đã đoạt không ít giải thưởng như: Giải ba giải thưởng nghiên cứu cấp Bộ, Giải nhất lĩnh vực kiến trúc - xây dựng, hội thi sinh viên nghiên cứu khoa học Eureka năm 2010 và Giải ba giải thưởng sáng tạo kỹ thuật Việt Nam Vifotec năm 2010. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên sáng kiến hiện chỉ nằm trên mô hình cũng như những cuộc tuyên dương. 

Ý tưởng nhà nổi vùng lũ đến với các bạn không quá khó khăn khi những công trình kiến trúc nổi tiếng từ vùng đất thấp Hà Lan nhan nhản trên mạng.  Tuy nhiên, để áp dụng vào thực tế Việt Nam, thì mỗi bạn một nhóm việc. Từ nghiên cứu, tính toán... đến tìm kiếm vật liệu sáng chế thích hợp. Ròng rã hơn năm trời, mô hình nhà nổi trên mới chính thức được hoàn thiện.

Cũng tương tự như những nhà lồng nổi trên sông nuôi thủy hải sản nhưng phát minh của các bạn có thể giúp xây nhà cho bà con trên cạn. Với những thanh trụ nhôm (vật liệu dễ lắp ghép, bền vững) nâng đỡ căn nhà, phía dưới ngôi nhà là một lớp xốp dày, giúp cả căn nhà có thể nổi theo con nước. Từ đó, mỗi khi lũ về, căn nhà sẽ được bảo đảm an toàn, không gây hư hỏng.

Nếu lũ lớn, căn nhà vẫn có thể nổi trên mặt nước và được lai dắt về vùng an toàn. Khi lũ rút, bà con chỉ cần lắp ráp trở lại vào những trụ cố định là có thể yên tâm dọn vào ở.

Điểm hạn chế lớn nhất của ý tưởng này là các vật liệu xây dựng bằng nhôm nên giá thành hơi cao so với khả năng của bà con (khoảng 40 triệu đồng). “Do vậy, chúng mình rất muốn có kinh phí để xây dựng thử, từ đó hoàn chỉnh thêm mô hình. Có thể tùy vùng, tùy nơi chọn những vật liệu gần gũi với bà con như tre, gỗ để có thể giảm mạnh chi phí” - Nguyễn Hồng Hạnh cho biết.

“Khó nhất vẫn là kinh phí, vì tụi em học kiến trúc cũng chỉ có thể lên mô hình, ý tưởng. Còn xây dựng, hoàn thiện nó thì phải có doanh nghiệp, bộ phận xây dựng triển khai. Cái này thì thật sự ngoài tầm tay của mình” - Bảo Trân chia sẻ. Chính vì vậy, sắp tới các bạn sẽ chủ động đặt vấn đế này trong festival với hi vọng có thể hoàn chỉnh sáng kiến của mình. (Thành Trung)

Trồng rau vượt lũ

Với việc thực hiện thành công mô hình “Trồng rau trên giàn thích ứng với biến đổi khí hậu”, anh Đinh Thanh Kiên (Viện Tài nguyên Môi trường và Công nghệ sinh học, Đại học Huế) đã giúp bà con nông dân các vùng thấp trũng không còn phải lo lắng do đất đai bị bỏ hoang vì ngập lụt.

Mô hình này không chỉ làm phong phú hơn các sản phẩm rau xanh vào mùa mưa lũ, mà qua đó còn hướng dẫn cách sống chung (thích ứng) với biến đổi khí hậu (BĐKH) cho người nông dân.

Mô hình được triển khai thí điểm tại nơi có địa hình thấp và thường xuyên bị ngập úng ở Huế là xã Quảng Thành (H.Quảng Điền) và Hương Phong (H.Hương Trà).

Rau xanh là một loại thực phẩm không thể thiếu, có nhu cầu thường xuyên và đều đặn quanh năm, trong khi đó sản xuất rau lại có tính thời vụ. Đặc biệt vào mùa mưa, do điều kiện thời tiết và địa hình thấp trũng nên đa phần người nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc sản xuất rau để cung cấp cho thị trường.

“Mùa mưa, chủng loại, năng suất và chất lượng rau thường thấp hơn các tháng mùa khô. Giá rau trong mùa mưa cũng thường cao gấp 2 - 3 lần so với mùa khô, lợi nhuận cao nhưng người nông dân lại không thể tăng thu nhập do đất đai thường xuyên bị ngập lụt. Vì thế mô hình trồng rau trên giàn sẽ giúp người nông dân sản xuất tốt các loại rau ngay trong điều kiện thời tiết mưa lũ”, anh Đinh Thanh Kiên cho biết.

 

Đinh Thanh Kiên bên giàn trồng rau thích ứng với biến đổi khí hậu

Theo thiết kế, giàn được xây dựng bằng các trụ bê-tông cốt thép (hoặc có thể thay bằng tre, gỗ), tôn, thép, ống nước, lưới, ni lông. Tùy vào diện tích đất cần sản xuất của mỗi hộ gia đình mà giàn được thiết kế rộng, hẹp, cao thấp khác nhau (thường có chiều dài 20m, rộng 1,2m, khoảng cách từ mặt đất đến đáy luống 0,95m).

Máng luống của giàn được làm bằng tôn lạnh gợn sóng chống gỉ, có đục lỗ để thoát nước, trên có mái lợp bằng túi ni-lon hoặc lưới lan. Giá thành đầu tư một giàn khoảng 6 triệu đồng (có thể sử dụng nguyên liệu sẵn có như cây gỗ, tre để làm giàn thì giá thành sẽ thấp nhưng thời gian 2 - 3 năm phải thay thế dần). Sau khi xây dựng xong giàn, đất được đưa lên giàn và tiến hành làm đất, gieo trồng. Các giàn đều được xây dựng trong vườn của hộ dân để tiện chăm sóc, bảo vệ rau.

"Về cơ bản, cách trồng rau trên giàn hay trồng rau trên mặt đất là giống nhau. Tuy nhiên, về mùa mưa lũ, đất đai thường bị ngập úng thì mô hình trồng rau trên giàn sẽ giúp người nông dân vẫn có điều kiện để gieo trồng, không phải bỏ hoang đất”, anh Kiên cho hay.

Qua 5 tháng thực hiện, mô hình tại địa bàn xảy ra ngập úng (mức nước từ 0,2 - 0,6m) nhưng vẫn không làm ngập giàn. Rau vẫn phát triển bình thường, tươi tốt, cho thu nhập cao hơn gấp 3 - 4 lần so với những vụ khác trong năm.

“Ở cái vùng thấp trũng này, cứ đến mùa mưa lũ là ngập nước nên đất đai thường phải bỏ hoang. Chừ có mô hình trồng rau trên giàn này, chúng tôi đã có thêm điều kiện để sản xuất và tăng thu nhập vào mùa mưa lũ”, ông Đào Lý (ở thôn Thành Trung, xã Quảng Thành, H.Quảng Điền) cho biết.

Ngoài mục tiêu như trên, mô hình còn có tác dụng điều tiết ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, ngăn mưa lớn trực tiếp, hạn chế sâu bệnh... nên việc canh tác không còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khách quan như thời tiết khí hậu và chất lượng rau được nâng lên, ít mất thời gian chăm sóc, giàn được sử dụng liên tục trong nhiều năm. Đặc biệt mô hình này không chỉ thực hiện vào mùa mưa lũ, mà trong điều kiện thời tiết bình thường, rau vẫn có thể được trồng trên giàn. Ngoài ra, phía dưới giàn có thể tận dụng để chăn nuôi, trồng trọt các loại cây ưa bóng, chịu bóng như diếp cá, mồng tơi, càng cua... hay rào lưới để chăn nuôi gà, vịt. (Minh Phương)

Đem niềm vui đến người bệnh

Một sản phẩm cho ngành y tế do người Việt sáng chế có giá thành chỉ bằng 1/200 so với sản phẩm cùng chức năng nhập của nước ngoài nhưng lại có hiệu quả điều trị không kém đã được tuyên dương lần này.

Đó là chiếc giá tập vận động khớp gối dành cho những bệnh nhân bị chấn thương khớp do hai bác sĩ trẻ Nguyễn Tiến Thành và Đỗ Đức Bình, khoa chấn thương chỉnh hình, viện 103 (Hà Nội) chế tạo.

Cả hai đều còn rất trẻ nhưng đã dày công nghiên cứu và chế tạo ra chiếc giá tập giúp cho bệnh nhân bị đau xương khớp tránh được các dị tật sau này. Chia sẻ với Thanh Niên Online, hai bác sĩ cho hay ý tưởng về sản phẩm hỗ trợ luyện tập phục hồi sau phẫu thuật được nhóm tác giả nung nấu thực hiện từ năm 2009 khi chứng kiến nhiều bệnh nhân phải hứng chịu di chứng do hạn chế vận động sau thời gian phẫu thuật.

Bác sĩ Thành (SN 1983) kể, trước khi cho ra đời giá tập vận động khớp gối, tại bệnh viện 103 cũng có hàng chục thiết bị nhập từ nước ngoài có chức năng gần tương tự. Giá thành những loại thiết bị này khá đắt, dao động trên dưới 10.000 USD/chiếc nên tác động đến chi phí điều trị của bệnh nhân.

Hai “nhà sáng chế cây nhà lá vườn” Nguyễn Tiến Thành và Đỗ Đức Bình giới thiệu sản phẩm của mình

Không phải ai cũng có đủ điều kiện để sử dụng, nhất là những bệnh nhân nghèo, vì chi phí điều trị bằng máy nhập ngoại nên rất cao”, bác sĩ Thành cho biết. Không những vậy, số lượng người bệnh khá lớn, hết đợt điều trị lại phải xuất viện ngay nên thời gian sử dụng thiết bị hỗ trợ rất ngắn, không đủ để duy trì, phục hồi hệ vận động.

Bác sĩ Đỗ Đức Bình kể thêm, có không ít trường hợp, tổn thương của người bệnh ngày một nặng nề hơn do tự tập ở nhà, dưới sự giúp đỡ của người thân nhưng lại không đúng kỹ năng và kỹ thuật. Từ đó, hai bác sĩ trẻ yêu nghề, ấp ủ ý tưởng sáng chế một sản phẩm “Made in Việt Nam” để giúp cho người bệnh có thể dễ dàng sử dụng hơn.

Thành quả sau một năm ròng nghiên cứu, “mổ xẻ” quy trình hoạt động của từng thiết bị nhập ngoại là sự ra đời của giá đỡ vận động khớp gối tự tạo. Dụng cụ vận hành dựa trên hệ thống ròng rọc, một đầu có treo quả tạ với khối lượng khác nhau phù hợp với sức chịu đựng của mỗi bệnh nhân. Theo đó, giá tập vận động khớp gối có thể đẩy từ từ, tăng dần và duy trì góc gấp khớp gối nhiều giờ tùy mức chịu đựng của bệnh nhân nên ít gây đau đớn.

Sau một thời gian áp dụng cho bệnh nhân tại khoa Chấn thương chỉnh hình, hai “nhà sáng chế” cho hay, kết quả nằm ngoài mong đợi. “Bệnh nhân sử dụng giá tập vận động khớp gối tự tạo cho kết quả bình phục vượt trội so với phương pháp luyện tập cưỡng bức khác”, bác sĩ Bình chia sẻ.

Ngoài tác dụng nhìn thấy được đối với bệnh nhân, sản phẩm giúp bệnh nhân xương khớp có thể phục hồi chấn thương có giá thành khá hợp lý. Tính toàn bộ chi phí, mức giá cho mỗi chiếc máy chỉ 1,5 - 2 triệu đồng. “Tôi nghĩ đây là mức chi phí hợp lý, phù hợp với túi tiền của nhiều đối tượng người bệnh. Tôi đã tập được bằng máy này một thời gian, thấy đỡ hơn so với trước”, một bệnh nhân điều trị tại khoa Chấn thương chỉnh hình viện 103 cho biết.

Thành công còn được nhân lên khi không chỉ dùng điều trị tại khoa, bệnh viện còn có cơ chế cho bệnh nhân mượn giá tập về nhà để sử dụng lâu dài.

“Nhiều bệnh viện tại Hà Nội và các tỉnh lân cận cũng đang ứng dụng rộng rãi loại giá tập này để bệnh nhân tự tập vận động khớp gối trong quá trình điều trị”, bác sĩ Thành vui vẻ chia sẻ. (Lê Quân - Phan Hậu)

 

SV chế robot vệ sinh đường phố

 

Đó là hai chàng sinh viên Lê Văn Nhật và Trần Đình Hồng (Trường Cao đẳng nghề Công nghệ Hà Tĩnh). Họ đã chế tạo thành công robot vệ sinh đường phố đa năng.

Nhật và Hồng chia sẻ, ý tưởng không đâu khác là bắt đầu từ trận lũ lịch sử năm 2010 tại Hà Tĩnh, sau lũ lụt thiệt hại về người, tài sản đã đành, bao nhiêu đất cát dấy bẩn lên từng khối dày đặc trên những cung đường.

Từ ý tưởng ban đầu nhưng trong quá trình soạn thảo, chế tạo thì hai bạn trẻ này lại tự hỏi “chiếc máy với công nghệ cao tại sao chúng ta không lắp ghép, chế tạo thêm những chức năng khác trên cùng một hệ thống?”.

Từ đó, robot ra đời nhằm thay thế con người làm những việc nặng như: nạo vét đất cát, rác thải trên đường phố, kênh mương sau những ngày lũ lụt; hút bụi và lọc túi bụi; hút đinh và phế phẩm cơ khí trên đường bằng hệ thống nam châm dưới gầm…

Thầy Trường (giữa) và hai sinh viên Nhật, Hồng và mô hình robot vệ sinh đường phố đa năng (ảnh nhỏ)

Hai bạn cũng cho biết: “Sản phẩm hoàn thiện hơn nhờ việc gắn nam châm dưới gầm để có thể hút đinh và các phế liệu nhỏ trên đường. Nhờ vậy tính năng của chiếc máy cũng theo đó mà nâng cao lên và được các thầy trong trường đồng tình, ủng hộ”.

Ý tưởng thì có vẻ táo bạo nhưng do không có nguồn kinh phí tài trợ khiến cả hai đều trăn trở. Để tiết kiệm, Nhật và Hồng đi gom các phế liệu tại các phân xưởng, mua lại mô-tơ và các bộ phận điều khiển của máy, mang về cắt nối, sửa chữa.

Với nhiều tính năng có ý nghĩa thực tiễn, sản phẩm đã đoạt Giải nhất cuộc thi Sáng tạo khoa học công nghệ của thanh thiếu nhi tỉnh Hà Tĩnh và Giải ba Sáng tạo khoa học công nghệ thanh thiếu nhi toàn quốc lần VII (năm 2010 - 2011) tổ chức tại Hà Nội.

Bản thân thầy giáo Nguyễn Đức Trường, người hướng dẫn cho Nhật và Hồng hoàn thiện mô hình robot trên chia sẻ: “Chiếc máy mới dừng lại ở tính năng mô phỏng ý tưởng, nếu được ứng dụng cho thực tế phải có đầu tư và chỉnh sửa phù hợp”.

“Hiện cái cần nhất của thầy và trò chúng tôi là mong muốn được nhà trường và Sở khoa học Công nghệ tỉnh, các doanh nghiệp trong cả nước có chương trình hay hỗ trợ nào đó để có thể ứng dụng đề tài này trong thực tế. Nhưng cho đến thời điểm này chúng tôi trình đơn, báo cáo nhưng vẫn chưa có ý kiến từ ban lãnh đạo trong tỉnh”, thầy Trường cho biết thêm.

(Theo Báo Thanh Niên)

 


Tin Nổi Bật