Từ du học sinh đến công dân
Xã hội của người nhập cư Một trong 6 người Canada là người nhập cư mới. Có trên 200 sắc dân sống trên đất nước này. 1/3 người Canada sống ở TP Toronto dùng ngôn ngữ khác tiếng Anh trong gia đình. Tính trong năm 2010, Canada có 218.000 sinh viên quốc tế. |
Một trong những vấn đề quan tâm của du học sinh là việc làm thêm bên ngoài nhà trường vì đây là cơ hội vừa kiếm tiền vừa trải nghiệm cuộc sống ở xứ người.
Theo quy định hiện hành tại Canada, sau 6 tháng học tập, SV sẽ được làm thêm tối đa 20 giờ/tuần trong thời gian học, vào mùa hè hoặc nghỉ đông có thể làm toàn thời gian. Tuy nhiên, SV bắt buộc phải có giấy phép lao động mới có thể bắt đầu công việc.
Với nhiều ngành, kinh nghiệm làm việc là một trong những phần bắt buộc của chương trình học. Ở các trường học của Canada, chương trình này được gọi là Co-op and internship programs (tạm dịch: chương trình thực tập). Thông thường, SV sẽ được nhà trường giới thiệu đến các công ty phù hợp với ngành đang học. Thời gian thực tập chiếm không quá 50% chương trình học.
Đây là chương trình vô cùng quan trọng đối với SV, nhất là những người có nhu cầu muốn tìm việc làm sau khi tốt nghiệp.
Phan Nguyễn Đông Nhã, cựu SV trường CĐ Langara, hiện làm việc 2 năm tại một công ty chuyên về công nghệ thông tin cho biết: “Nếu trong thời gian đi học mà có thực tập thì SV sẽ nhiều cơ hội kiếm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Thậm chí, công ty nơi SV thực tập sẽ nhận SV làm việc”.
Điều đặc biệt trong chính sách giáo dục của Canada là tất cả SV nước ngoài, sau khi tốt nghiệp đều được cấp giấy phép làm việc từ 8 tháng đến 3 năm tùy chương trình học. Vì đất nước Canada rộng lớn, nhân lực đang thiếu hụt nên họ luôn cần lao động.
Ông David Whibley - Giám đốc của chương trình hỗ trợ việc làm của tỉnh bang British Columbia (PNP), cho biết: “Dự kiến có 1,1 triệu việc làm tại tỉnh bang trong giai đoạn 2009-2019. Trong đó cần 1/3 lực lượng lao động là những người nhập cư”.
Để SV nước ngoài ở lại làm việc là cơ hội bổ sung nguồn nhân lực đồng thời giúp SV có điều kiện lập nghiệp và trở thành công dân của Canada.
Theo chương trình việc làm cho SV sau khi tốt nghiệp (Post-graduation work permit program), sau 3 năm làm việc, lao động nước ngoài có thể làm hồ sơ để xin trở thành công dân Canada theo chính sách nhập cư của nước này.
Tập trung hướng nghiệp
Ngoài những chương trình mang tính học thuật cao ở các trường ĐH lớn; hệ thống các trường ĐH-CĐ ở Canada tập trung vào hướng nghiệp rất mạnh mẽ.
Trường ĐH Ryerson (nằm tại trung tâm TP Toronto) nổi tiếng về các ngành học liên quan đến khoa Thiết kế và truyền thông, có cả trường quay, phòng thiết kế ảnh, phòng thu âm... với những trang thiết bị hiện đại ngay trong trường để SV thực tập. Trường thiết kế cả một kênh truyền hình riêng để phục vụ công tác giảng dạy.
Trong khi đó, trường CĐ George Brown có một nhà hàng gần trường để SV các ngành nấu ăn, quản lý nhà hàng... thực tập và làm việc kiếm thêm thu nhập. Khu dạy nấu ăn của trường CĐ Niagara chẳng khác gì hệ thống bếp của các nhà hàng, cũng đầy đủ trang thiết bị và tràn đầy không khí bận rộn của các nhà hàng lớn. Trường còn có cả nơi nghiên cứu và sản xuất rượu vang, một xưởng sửa chữa ô tô để SV có thể thực tập và làm việc.
Do ngành nghề ở bậc CĐ mang tính ứng dụng nên khả năng SV có việc làm sau khi tốt nghiệp khá cao. Theo ông Rudy Sabas - Giám đốc tiếp thị quốc tế của Tổ chức hiệp hội các trường ĐH-CĐ Canada, có 90% SV tốt nghiệp từ các trường CĐ kiếm được việc làm trong vòng 6 tháng sau khi ra trường. Trong khi đó, khoảng 22% SV có bằng ĐH không kiếm được việc làm trong năm đầu tiên.
Ngoài ra, sự liên thông đào tạo giữa các trường ĐH và CĐ rất dễ dàng và thuận tiện nên nếu du học sinh chưa có điều kiện tài chính nên bắt đầu bằng chương trình ở CĐ. Sau khi tốt nghiệp, kiếm được việc làm và đã có thu nhập, du học sinh có thể quay trở lại trường tiếp tục bổ sung các chứng chỉ để lấy bằng ĐH trong 2 năm.
(Theo Thanh Niên)