Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Công nghệ cắt dán... đồ án

Cập nhật 12/05/2011 - 09:38:07 AM (GMT+7)
Chỉ cần mượn đồ án các năm trước, sau đó đem về cắt ghép, xào xáo để biến thành... đồ án hoàn chỉnh. Thời điểm này đang là mùa làm đồ án tại các trường ĐH, CĐ. M.K, SV khoa Môi trường và Bảo hộ lao động, trường ĐH Tôn Đức Thắng thật thà cho biết: “Đang làm đồ án bộ môn Xử lý nước thải công nghiệp, nhưng nói là làm vậy thôi chứ toàn sao chép từ các đồ án năm trước”. M.K kể chi tiết: “Mình lấy bài đánh máy sẵn và bản vẽ Autocad, chỉnh sửa lại. Lớp mình có hơn nửa lớp làm kiểu tương tự như vậy".

"Mặc dù biết hầu hết SV luôn sao chép như vậy nhưng một số giảng viên vẫn nương tay và chấm đồ án dựa vào thái độ của SV có thường xuyên liên lạc với giảng viên hướng dẫn" - Tiến sĩ Trương Thị Tố Oanh - giảng viên trường ĐH Tôn Đức Thắng

Với Q.H, SV trường ĐH Bách khoa TP.HCM thì “chịu khó” hơn. Q.H nhờ bạn bè của mình học ở các trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho mượn các đồ án. Sau đó đem về cắt ghép, xào xáo từng phần của mỗi đồ án rồi thêm thắt để biến thành đồ án hoàn chỉnh. “Làm thế này giảng viên chẳng thể phát hiện được”, Q.H chắc mẩm.

 

Nạn SV sao chép đồ án như vậy không là ngoại lệ ở một trường nào. Hầu hết các trường đều có thực trạng đáng lo ngại này. Có SV bê nguyên đồ án của trường khác đem về trường mình nộp. Có trường hợp chỉnh sửa lại bằng cách thay đổi đáp số tính toán vì cho rằng: “Phải làm sai sai mới qua mặt giảng viên được, chứ làm đúng quá họ (giảng viên - NV) sẽ nghi ngờ”.

V.L, SV trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM, vừa sao chép xong đồ án của một môn chuyên ngành, khoe: “SV nghe làm đồ án thì mệt, nhưng với bọn mình thì chỉ cần nửa ngày là hoàn thành”.

 

Các

Các "chợ luận văn" trên mạng .
 

Hầu hết các SV này khi trò chuyện đều có lý do để biện minh cho việc sao chép của mình. Như trường hợp của M.K. cho rằng: “Đồ án chỉ chiếm một đơn vị học trình. Để hoàn thành phải mất khá nhiều thời gian, trong khi phải lo học nhiều môn khác”. Còn Q.H. thì đổ thừa: “Giảng viên hướng dẫn chỉ gặp SV một buổi, dặn dò qua loa nên chẳng biết làm như thế nào. Thôi đành chép đại”.

Tiến sĩ Trương Thị Tố Oanh, giảng viên trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng cho biết: “Năm nào cũng có trường hợp SV sao chép đồ án. Chỉ cần đọc sơ bài và hỏi một vấn đề nào đó là có thể phát hiện ra ngay vì nếu SV tự làm sẽ trả lời được”.

 

Chống sao chép bằng phần mềm

Th.s Lâm Thành Hiển - Phó hiệu trưởng trường ĐH Lạc Hồng, cho biết những năm gần đây trường chống sao chép luận văn, đồ án tốt nghiệp, đề tài nghiên cứu khoa học... bằng phần mềm.

Theo đó, trường đưa vào phần mềm rất nhiều cơ sở dữ liệu về các đề tài đủ mọi lĩnh vực từ trường và nhiều trường khác.

Khi SV làm một đề tài mới, phần mềm này sẽ tự động chỉ ra đề tài mới có bao nhiêu từ, câu giống với một đề tài đã có trước đó trong phần cơ sở dữ liệu. Từ đó, sẽ dễ dàng phát hiện ra đề tài SV làm có sao chép từ nguồn nào hay không.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Oanh, “Mặc dù biết hầu hết SV luôn sao chép như vậy nhưng giảng viên vẫn nương tay và chấm đồ án dựa vào nhiều yếu tố như thái độ của SV có thường xuyên liên lạc với giảng viên hướng dẫn; tính chuyên cần của SV trong quá trình thực hiện đồ án”...

 

Thực trạng sao chép đồ án xuất phát từ nhiều lý do, mà chủ yếu do “SV không học vì nhu cầu kiến thức của mình mà học vì điểm số, sao chép để đồ án hoàn thiện hơn, đạt điểm cao hơn”.

Ngoài ra, việc SV lười biếng, không nghiêm túc trong chuyện học, dẫn đến mất căn bản kiến thức cũng là lý do dẫn đến việc sao chép này.

Cô Q,- giảng viên trường ĐH Hoa Sen, cho biết: "Mình trực tiếp giảng dạy nên biết rất nhiều. Làm tiểu luận đa số các SV chép trên mạng về, lắp ghép, cắt dán. Những tiểu luận này thiếu hẳn sự đầu tư nghiêm túc và thiếu tính sáng tạo. Vì vậy, cách hành văn và lỗi font be bét. Chỉ cần đọc sơ sơ một chút, thấy có đoạn nào là lạ thì chỉ cần copy đoạn đó bỏ vào Google là ra nguyên xi bài của người khác. Đây là tình trạng chung và hầu hết SV đều làm như vậy để đối phó lại với giảng viên”.

Sôi động chợ luận văn

Nhiều ý kiến cho rằng, việc tồn tại chợ luận văn như khu vực Tôn Thất Tùng - Bùi Thị Xuân (TP.HCM), những tiệm photocopy xung quanh các trường ĐH... là điều tốt, giúp cho người có nhu cầu có thêm điều kiện tham khảo.

Thế nhưng, thực tế cho thấy chợ luận văn giúp SV sưu tầm tài liệu tham khảo thì ít, mà giúp cho SV xấu copy, cắt dán, xào nấu thì nhiều.

Tại tiệm H. trên đường Tôn Thất Tùng, khi chúng tôi hỏi về tài liệu ngành kinh tế - tài chính, nhân viên của tiệm đưa ra sổ danh sách các phần mềm liên quan. Chúng tôi cho biết mình không mua những phần mềm này và hỏi thẳng về đĩa tập hợp các luận văn và đồ án tốt nghiệp.

Chủ tiệm cũng đưa ra cuốn sổ có chứa danh sách các đĩa này được dán nhãn là e-book và có rất nhiều đĩa cho chúng tôi lựa chọn. Nhiều nhất vẫn là những luận văn, đồ án tốt nghiệp liên quan đến quản trị kinh doanh, kế toán, thương mại… Mỗi đĩa chỉ có giá 8.000 đồng nhưng dung lượng rất lớn.

Người mua chỉ cần lấy phần này một ít, phần kia một ít chắp nối vào là đã thành một luận văn hoàn chỉnh. Các luận văn này đã cũ, thật sự rất khó phát hiện nếu sử dụng bất kỳ phần nào trong đó.

 

Tại các tiệm photocopy tại khu vực xung quanh nhiều trường ĐH như: ĐH Bách khoa, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Sư phạm TP.HCM… cũng có bán các CD luận văn. Theo N. - SV trường ĐH Tài chính - Marketing, chỉ cần quen biết, những nơi này có nhiều luận văn để lựa chọn.

 

Các tiệm in ấn, photocopy sao chép lại khi SV có nhu cầu in luận văn và sau đó bán lại cho những người có nhu cầu. Với một thao tác hết sức đơn giản, những luận văn của SV dễ dàng được lưu lại ngay trên máy tính mà thậm chí người đi in cũng không hề biết. Chủ một tiệm photocopy trước cổng trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM cho biết máy photocopy có thể điều chỉnh thao tác tự động lưu lại tất cả các mẫu đã photo.

 

Theo trưởng phòng đào tạo một số trường ĐH ở TP.HCM, việc quản lý luận văn, đồ án tốt nghiệp của SV hiện nay chưa thể làm chặt chẽ được, khiến việc sao chép của SV vẫn còn rất phổ biến. Các trường cũng thành lập ban thanh tra chuyên môn, phòng kiểm định chất lượng và thanh tra giáo dục... để rà soát đề tài nhưng hiệu quả vẫn chưa cao.

Một nguyên nhân khác, thầy cô hướng dẫn không quan tâm đúng mức, khiến SV đuối sức và phải tìm luận văn để sao chép. Đề tài hướng dẫn giảng viên đưa ra thì hay lặp đi lặp lại, SV cứ sao chép về để xài và nhiều khi thầy cũng không nhớ hoặc không có thời gian để nhớ.

  (Theo Tiền Phong)


Tin Nổi Bật