Các hãng sản xuất TV đang hy vọng công nghệ 3D sẽ làm sống lại lĩnh vực truyền hình, vốn đang phải chịu nhiều áp lực trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. TV 3D được xem là hệ thống giải trí gia đình cao cấp với các model 55 inch có giá lên tới 4000 USD/chiếc.
Mặc dù cho đến nay, doanh số bán ra của TV 3D rất đáng thất vọng vì giá quá cao và thiếu nội dung nhưng nhà nghiên cứu thị trường DisplaySearch vẫn lạc quan dự đoán TV 3D sẽ chiếm tới hơn 40% doanh số TV màn hình phẳng toàn cầu vào năm 2014, từ 2% ít ỏi hồi năm ngoái.
Samsung và LG đang sản xuất những dòng sản phẩm TV 3D mang thương hiệu riêng của mình. Trong đó, Samsung giữ vị thế số một với 37,2% thị phần thị trường, theo sau là Sony, Panasonic và LG với 5,6%. Tuy nhiên, Samsung và LG cũng cung ứng tấm panel – thành phần 3D cốt lõi cho nhiều hãng sản xuất TV khác ngoài Hàn Quốc.
Park Kang-ho, một nhà phân tích tại Daishin Securities đã so sánh cuộc chiến giữa Samsung – LG với cuộc xung đột về các định dạng video cách đây 30 năm. Lúc đó, Betamax của Sony đã đối đầu với Video Home System của JVC và cuối cùng JVC đã thắng.
Các tấm panel của Samsung sử dụng công nghệ kính trập chủ động (ASG). Với công nghệ này, người xem phải đeo những cặp kính chạy bằng pin cồng kềnh để tạo ra hiệu ứng 3D. Các tấm panel của Samsung cũng đang được sử dụng trong các sản phẩm TV 3D của Sony. Sharp và Panasonic cũng sử dụng công nghệ này nhưng tự sản xuất các tấm panel riêng của mình.
ASG đã trở thành công nghệ chủ chốt thống trị thị trường cho đến năm 2011 này khi LG giới thiệu công nghệ TV 3D thụ động FPR (Film Patterned Retarder) có thể hoạt động tương thích với các cặp kính phân cực không pin rất gọn nhẹ và rẻ hơn của hãng, giống với những cặp kính được sử dụng trong rạp chiếu phim. Các tấm panel của LG đang được Toshiba (Nhật Bản), Philips (Hà Lan), Vizio (Mỹ) và một số hãng sản xuất TV Trung Quốc tin dùng.
Mới đây, Kwon Young-soo, chủ tịch của LG Display tuyên bố những sản phẩm TV 3D không kính sớm muộn sẽ được tung ra thị trường. Ông này cũng cho rằng người tiêu dùng sẽ quyết định trong hai công nghệ đối đầu nhau trên, công nghệ nào sẽ được ở lại.
Quảng cáo của LG bị Samsung đả kích.
Trước đó, để quảng cáo cho công nghệ 3D thụ động FPR trên sản phẩm TV Infinia Cinema 3D của mình, LG đã sử dụng một tấm poster cho thấy nam người mẫu nằm nghiêng và quay ngang đầu mà vẫn có thể xem được cuộc đua xe chiếu bằng công nghệ 3D. Cuối cùng LG đúc kết ưu điểm của công nghệ bằng câu nói “Cuối cùng. bạn sẽ có một cách thoải mái để xem 3D”.
Sự khoe khoang của LG khiến Samsung không thể ngồi yên. Trong một cuộc họp báo của Samsung, Phó chủ tịch Kim Hyeon-Seok khẳng định hiện nay không có hệ thống 3D nào có thể hoạt động khi người dùng nằm nghiêng. “Nó chỉ làm cho bạn cảm thấy chóng mặt hơn. Thậm chí các tổ chức nổi tiếng quốc tế còn khuyên người xem nên thưởng thức 3D khi ngồi thẳng”.
LG ngay lập tức đáp trả bằng tuyên bố “Với những loại TV kính trập chủ động, người xem phải ngồi thẳng đứng và đối diện với màn hình để xem được 3D, tuy nhiên, công nghệ này đã phát triển và nó có thể được xem ở mọi góc độ nhờ phương pháp FPR”. Hãng này cũng nhấn mạnh thêm “Không giống như các loại TV kính trập, người xem không thể xem được hình ảnh 3D khi nghiêng đầu một bên đến 90 độ, công nghệ FPR có thể hiển thị được những hình ảnh này mặc dù hiệu ứng 3D bị suy yếu đáng kể”.
Cuộc chiến giữa Samsung và LG càng “leo thang” khi Phó chủ tịch Kim Hyeon-Seok của Samsung nói với giới báo chí rằng “Tôi nghe nói CEO của LG Display, ông Kwon Young-soo tuyên bố “TV 3D với kính phân cực có thể trình diễn được Full HD”. Có vẻ như các kỹ sư làm việc dưới quyền ông ta đều ngu ngốc”.
Ngay lập tức, LG đã gửi một bức thư đến Samsung yêu cầu xác nhận lai các báo cáo của giới truyền thông về những phát ngôn của ông Kim. Có vẻ như LG sẽ có hành động pháp lý để kiện ông Kim vì có những nhận xét xúc phạm các kỹ sư của hãng.
Nhiều nguồn tin cho hay LG không quá bận tâm về những phát ngôn của lãnh đạo Samsung nhưng đội ngũ kỹ sư của LG đã rất tức giận và yêu cầu hãng này phải hành động.
LG cho rằng quảng cáo của Samsung chế giễu mình.
Để trả đũa, LG tuyên bố hãng đang đàm phán với Sony về việc sử dụng công nghệ FPR thay vì các tấm panel của Samsung. Ông Kwon khẳng định công nghệ của LG không chỉ tạo ra hiệu ứng Full HD mà còn mang lại chất lượng hình ảnh tốt hơn và có giá thành thấp hơn. Theo LG, FPR đã khắc phục được một điểm yếu trong công nghệ của Samsung, là nguyên nhân gây ra các hình ảnh nhấp nháy và bị mờ có thể gây mỏi mắt và chóng mặt.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng còn quá sớm để khẳng định công nghệ FPR sẽ giành được chiến thắng cuối cùng. “Từ vị trí để xem của người tiêu dùng, rất khó để nói sự khác biệt về các hiệu ứng 3D”, chuyên gia Park tại Daishin Securities nói. “Họ nên ghi điểm bằng nội dung hơn là công nghệ. Tôi cá rằng TV 3D chắc chắn là bước tiến lớn tiếp theo của ngành công nghiệp này nhưng nhu cầu khó có thể phát triển nhanh chóng trong vòng một hoặc hai năm tới trừ khi giá thành giảm xuống và nội dung phong phú hơn”.
Cuối cùng Samsung đã có dấu hiệu xoa dịu cuộc chiến với LG. Báo chí Hàn Quốc đưa tin ông Kim đã gửi một bức thư cho Lee Soo-Bang, người đứng đầu trung tâm hỗ trợ quản lý tại LG Display với nội dung xin lỗi vì những nhận xét của mình. Nói về bức thư trên, LG cho biết họ sẽ quyết định làm gì sau khi hỏi ý kiến của các kỹ sư.
Võ Hiền
Tổng hợp