Mã Trường

Mã Trường

Khoa Học Công Nghệ

Sự thật về iPad giá 3 USD

Cập nhật 19/03/2011 - 03:07:16 PM (GMT+7)
(Dân trí)-Một chiếciPad có giá chỉ 3,20 USD hay chiếc túi xách tay hàng hiệu cũng chưa đến 42 USD? Chắc hẳn nhiều người cho rằng đó chỉ là trò lừa đảo nhưng điều không tưởng đó lại có thể biến thành sự thật nhờ một phân khúc mới và đang phát triển của đấu giá trực tuyến.
85aipad-19.jpg
iPad được bán với giá 3,2 USD nhưng đã giúp các nhà đấu giá "bỏ túi" khá nhiều tiền.
Chúng được gọi là các trang web “đấu giá xu” (penny auction) bởi vì việc đấu giá thường bắt đầu từ con số 0 và nhích dần lên từng đồng xu một. Chỉ trong vòng hai năm qua, hình thức mới mẻ này đã phát triển thành một phân khúc “ăn nên làm ra” của giới kinh doanh đấu giá trực tuyến. Tính từ năm 2009 đến nay, đã có hơn 120 trang “penny auction” ra đời. Cũng giống như các trang đấu giá trực tuyến khác, các trang web penny auction mang lại cho người tham gia cơ hội được mua sắm hoặc giành được các thiết bị công nghệ, các phụ kiện hàng hiệu hoặc thẻ quà tặng với mức giá rất hấp dẫn, thường chỉ bằng một phần nhỏ giá bán lẻ thực sự của những món hàng này. Trang web BidHere.com ra đời cách đây hơn một năm hiện đã thu hút được 1,1 triệu thành viên ở khắp 22 quốc gia và ước tính trang này thu hút được thêm 1200 người dùng mới mỗi ngày.<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" /?>

Tuy nhiên, cùng với những thành công nhanh chóng, hoạt động đấu giá này cũng vấp phải ngày càng nhiều khiếu nại và vô số lời phàn nàn. Better Business Bureau (BBB) vẫn đang thống kê những con số năm 2010 nhưng một phát ngôn viên của công ty cho biết chỉ tính riêng bốn chi nhánh địa phương đã nhận được hơn 1500 đơn khiếu nại về các trang web “penny auction” - hơn cả tổng số đơn khiếu nại trên toàn quốc về đấu giá trực tuyến của năm trước. Phần lớn những người chỉ trích cho rằng “chúng không hơn gì chơi xổ số mà không có sự giám sát quản lý”.

Về phần mình, các trang web “penny auction” cho biết các cuộc đấu giá này không hẳn là cờ bạc. Hơn nữa, chúng còn là một bước ngoặt mới của ngành bán lẻ. CEO của BidHere, Rick Day cho biết, những người tham gia đấu giá có cơ hội được mua giải thưởng, dù họ thắng hay thua trong cuộc đấu giá. Và một số trang web thậm chí còn hoàn trả lại một phần hoặc tất cả lệ phí mà người tham gia đấu giá trả để đặt trước các cuộc đấu giá về sau.

Vấn đề thực sự nằm trong cơ cấu của tất cả các cuộc đấu giá dạng pency auction. Đối với mỗi lần đặt giá một hoặc hai xu, người tham gia phải trả một khoản phí, thường là từ 50 xu đến 1 USD, tùy thuộc vào trang web tổ chức. Trong khi đó, việc đặt giá trên eBay được miễn phí mặc dù mỗi lần đặt giá sau thường 1 USD hoặc hơn so với lần đặt giá trước. Một khác biệt nữa với đấu giá xu là mỗi lần đặt giá mới sẽ kéo dài thời gian cuộc đấu giá lên 15 giây. Vì vậy trong khi một cuộc đấu giá trên eBay được quy định 2 phút thì sẽ kết thúc chính xác ở giây thứ 120 thì một cuộc đấu giá xu có thể kéo dài tới vài tiếng đồng hồ. Người chiến thắng trong một cuộc đấu giá xu không có được món hàng với mức đặt giá cuối cùng của mình mà người đó chỉ giành cơ hội trả mức giá cuối cùng mà trang web đưa ra. Một số trang web sẽ cho phép những người thất bại sử dụng khoản lệ phí đã đóng của họ để mua món hàng đó nhưng không phải lúc nào cũng vậy.

Đối với các trang web đấu giá, cơ cấu này có thể vô cùng hấp dẫn trong khi vẫn cho phép họ bán những món hàng với mức giá có vẻ thấp. Trên QuiBids.com, một chiếc máy ảnh SLR kỹ thuật số của Canon được bán với giá 194,16 USD, thấp hơn ít nhất 1000 USD so với giá bán lẻ ở những nơi khác trên mạng Internet. Nhưng mức giá cuối cùng này được đưa ra sau 19.416 lần đặt giá. Với phí 60 xu/lần, công ty này đã được “đút túi” tới 11.650 USD. “Đây là số học đơn giản: nếu các trang web này không được nhận nhiều hơn giá trị của một món hàng, sẽ không có quá nhiều người trong số họ lao vào lĩnh vực này”, nhà toán học Glen Whitney, giám đốc điều hành của Bảo tàng Toán học ở New York nhận xét.

Người thắng cuộc cũng không nên vội mừng. Trong trường hợp này, anh ta đã chi gần 825 USD để tham gia đấu giá, cộng thêm 194,16 USD để mua chiếc máy ảnh, tổng cộng số tiền bỏ ra để sở hữu món hàng này là 1019 USD, chỉ rẻ hơn 80 USD so với việc một chiếc máy ảnh như thế được bán ở các cửa hàng trực tuyến khác. Trong khi đó, những người thua cuộc được sử dụng khoản lệ phí bỏ ra đấu giá để mua chiếc máy ảnh đó từ QuiBids sẽ phải trả tới 1417,50 USD. Giá các mặt hàng trên các trang đấu giá xu vẫn có lúc cao hơn các trang web khác, thí dụ BidHere bán một chiếc iPad 32GB có kết nối Wi-Fi và 3G với giá 729 USD trong khi các cửa hàng Apple bán nó rẻ hơn 100 USD. Việc ấn định giá bán dựa vào những gì mà trang web trả cho các nhà cung cấp của nó.

Trên thực tế, các trang web đấu giá xu đang bán những cơ hội để mua một món hàng chứ không phải bán chính món hàng đó. Và điều này đã góp phần bổ sung cho những cáo buộc đây là hành vi cờ bạc bất hợp pháp.

Một đơn kiện tập thể đã được trình lên tòa án hồi tháng 11/2010 chống lại QuiBids.com, cáo buộc hình thức “trả tiền để được chơi” của trang web này về bản chất đang tạo ra trò xổ số bất hợp pháp và trang web này đang có hành vi lừa đảo bằng cách bán các lần đặt giá mà không tiết lộ khả năng chiến thắng. Trong khi đó QuiBids cho biết đó không phải trò đỏ đen bởi tất cả những người tham gia có thể dùng khoản lệ phí tham gia đấu giá để mua món hàng với giá bán họ đưa ra. “Không một khách hàng nào phải ra đi với bàn tay trắng”, phát ngôn viên của QuiBids khẳng định. Tuy nhiên, vụ kiện vẫn đang chờ phán quyết từ phía tòa án.

Tất nhiên, vẫn có trường hợp người chiến thắng mua được món hàng ở mức giá rất thấp. Đơn cử như việc cộng với phí tham gia đấu thầu, một chiếc iPad được ra giá 3,20 USD đã được bán chưa đến 25 USD. Đây qua là một món hời trong bất cứ trường hợp nào. Đại diện của các trang web đấu giá xu cho rằng những người tham gia đặc biệt phải hiểu giá trị của món hàng và số tiền mà bạn sẵn sàng chi ra để có được nó.

Võ Hiền

Theo SmartMoney


Tin Nổi Bật