Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Tăng sức hút bằng chất lượng

Cập nhật 06/11/2010 - 11:02:15 AM (GMT+7)
 Để thu hút học viên cho hệ đào tạo từ xa, cần chứng minh được giá trị của tấm bằng

 

 Từ năm 2006, đào tạo từ xa (ĐTTX) được đưa vào Luật Giáo dục, khẳng định giá trị văn bằng của hệ đào tạo này để bảo đảm quyền lợi của người học. Tuy nhiên, một trong những điểm ít hấp dẫn nhất đối với học viên ĐTTX chính là những nghi ngại về chất lượng của tấm bằng ĐH loại này. Nhiều doanh nghiệp đã “khép cửa” đối với cử nhân ĐTTX vì không tin tưởng vào chất lượng đào tạo.

Nâng chất lượng đầu ra

 GS Nguyễn Kim Truy, nguyên Viện trưởng Viện ĐH Mở, cho rằng để thu hút học viên cho hệ ĐTTX, quan trọng nhất là phải chứng minh được giá trị của tấm bằng.
 
GS Nguyễn Cảnh Toàn, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cũng rất tâm đắc với quan điểm trên. Theo GS Toàn, học viên hệ ĐTTX và sinh viên chính quy phải có mối quan hệ gắn kết với nhau trong đào tạo.
 
 Ví dụ như các kỳ thi hết môn, đặc biệt là thi tốt nghiệp, học viên ĐTTX và sinh viên chính quy phải thi chung với nhau. Có như thế, xã hội mới yên tâm về chất lượng bằng cấp, sinh viên có nhiều cơ hội làm việc sau khi ra trường.
 
Nhiều trường chưa coi trọng ĐTTX
Theo ông Lê Văn Thanh, dư luận cho rằng còn có chuyện dễ dãi với sinh viên ĐTTX nhưng thực tế, Viện ĐH Mở Hà Nội và Trường ĐH Mở TPHCM đào tạo rất chặt chẽ, nghiêm túc với việc quản lý chất lượng theo mô hình chóp cụt, mở đầu vào nhưng khắt khe đầu ra. Trung bình tỉ lệ tốt nghiệp hằng năm của Viện ĐH Mở Hà Nội chỉ đạt 46%-52%, cá biệt có năm chỉ đạt 16%. Một chuyên gia về ĐTTX thừa nhận ngoài Viện ĐH Mở Hà Nội và Trường ĐH Mở TPHCM, các trường khác chỉ coi hình thức đào tạo này là phụ, là làm thêm nên việc đầu tư cũng như đào tạo khó đạt chuẩn như mong muốn.
“Chúng tôi hiểu rằng dễ dãi về chất lượng đầu ra sẽ không xây dựng được thương hiệu. Bởi vậy, ngay trong các kỳ thi hết môn, hết học phần, chúng tôi tổ chức 100% thi tập trung theo đúng quy chế” - ông Lê Văn Thanh, Viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội, cho biết. Do không hạn chế số lần thi lại học phần hay thi tốt nghiệp nên có những trường hợp phải thi lại tới 6, 7 lần mới qua được một học phần.
 
Thay đổi chương trình
 
GS Nguyễn Cảnh Toàn khẳng định để phát triển ĐTTX không thể chỉ có một, hai giải pháp mà giải pháp phải đồng bộ, tổng thể, như: đổi mới toàn diện công tác quản lý, đầu tư đa dạng công nghệ tạo điều kiện thuận lợi cho người học, ban hành quy trình kiểm định chất lượng với chế tài ngặt nghèo cho quy trình thi hết môn, hết học phần, truyền bá kinh nghiệm tự học cho người học...
 
Theo ông Lê Văn Thanh, quan trọng nhất là phải thay đổi chương trình đào tạo, cập nhật liên tục theo sự thay đổi của xã hội. ĐTTX là hình thức đào tạo lấy tự học là chủ yếu, kết hợp với sự hỗ trợ tích cực của giáo trình, tài liệu hướng dẫn, băng hình/tiếng, phương tiện truyền thanh/truyền hình, công nghệ thông tin và viễn thông.
 
Từ kinh nghiệm của các nước trong khu vực, học liệu cho học viên ĐTTX phải được thiết kế, biên soạn đa dạng dựa trên cơ sở của kỹ thuật nghe - nhìn, công nghệ viễn thông và công nghệ thông tin để hấp dẫn người học. Trên thực tế, các cơ sở ĐTTX cả nước hiện chủ yếu dựa vào học liệu in ấn, ít cập nhật.
 

Tuy cùng một chương trình, kiến thức giống nhau nhưng mạnh trường nào trường ấy viết giáo trình. Đến nay, chỉ có Viện ĐH Mở là sản xuất học liệu theo thời hạn 3 năm, còn các trường khác vẫn giữ nguyên giáo trình cũ.

(Theo VnExpress)


Tin Nổi Bật