Mã Trường

Mã Trường

Học - Thi -Tuyển sinh

'Bí quyết' ôn thi tốt nghiệp THPT 2023

Cập nhật 07/06/2023 - 12:03:30 PM (GMT+7)

Làm thế nào để ôn thi tốt nghiệp THPT 2023 hiệu quả? Học sinh cần lưu ý gì để ôn thi sau khi Bộ GD-ĐT công bố đề minh họa thi tốt nghiệp THPT 2023?

Ngữ văn: không chỉ học thuộc lòng


Cô Nguyễn Kim Anh - giáo viên ngữ văn Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội) - cho rằng cách ôn văn không phải cứ cầm vở học thuộc những gì giáo viên đã dạy trên lớp mà cũng cần ôn tập theo "công thức".

"Tùy theo hướng dẫn của giáo viên, học sinh có thể tóm tắt các bước triển khai các dạng bài/câu hỏi như một công thức để dễ nhớ. Khi thi, các em chỉ cần nhớ công thức sẽ triển khai mạch ý một cách đầy đủ, mạch lạc, không bị lan man, lạc đề dẫn tới thiếu thời gian làm bài" - cô Kim Anh chia sẻ.

Tuy nhiên, với định hướng giữ ổn định như năm trước, đề thi tham khảo môn ngữ văn sẽ vẫn sử dụng ngữ liệu là tác phẩm văn học trong chương trình sách giáo khoa cho phần làm văn. Vì thế theo cô Kim Anh, học sinh tự hệ thống kiến thức theo dạng bảng biểu hay sơ đồ tư duy để ghi nhớ tác phẩm văn học nằm trong phạm vi có thể ra đề.

Ngoài ra, học sinh cần nắm khái quát về bối cảnh lịch sử ra đời tác phẩm, dòng văn học, phong cách của các tác giả, những tác phẩm tiêu biểu để có nền tảng kiến thức dễ dàng cho việc phân tích, so sánh khi làm bài thi.

Toán: ôn theo chủ đề


Ở môn toán, thầy Lê Văn Cường - giáo viên toán Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) - khuyên học sinh nên ôn tập theo chủ đề/dạng bài với các cấp độ khác nhau, tương ứng với các cấp độ trong ma trận đề thi tham khảo.

Ôn tập kỹ theo chủ đề/dạng bài giúp học sinh nhận biết khi tiếp cận đề thi và nắm được hướng giải quyết. Chủ động hệ thống lại, ôn tập theo chủ đề/dạng bài giúp học sinh nắm vững kiến thức cơ bản.

"Các em cần chốt kiến thức trọng tâm và có thói quen ghi nhớ vắn tắt nội dung kiến thức cốt lõi trong quá trình ôn tập, luyện đề. Các em cần ghi nhớ cả những nội dung dễ nhầm lẫn, từng xảy ra sai sót để tránh lặp lại" - thầy Cường lưu ý.

Lịch sử: "5W - 1 How"


Cô Ngô Thị Thành - giáo viên lịch sử, phó hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội - chia sẻ: Để tránh học vẹt ở môn lịch sử, học sinh có thể học theo công thức "5W - 1 How".

Trong đó, What - sự kiện gì đã xảy ra, When - sự kiện lịch sử đã xảy ra vào thời điểm nào, Who - sự kiện gắn liền với ai - nhân vật, giai cấp, tầng lớp, tổ chức nào... Where - gắn với địa điểm, không gian nào và How - diễn ra như thế nào?

Theo cô Thành, học sinh hệ thống hóa kiến thức lịch sử bằng các bảng tổng kết, so sánh để dễ ghi nhớ kiến thức. Ví dụ xây dựng các sơ đồ tư duy để hệ thống hóa kiến thức đã học.

Với các câu hỏi về diễn biến trận đánh, nên có bảng chia giai đoạn và kết quả chính. Trong đó cần ghi nhớ các từ khóa để dễ nhận biết khi trả lời các câu hỏi trắc nghiệm.

Địa lý: rèn kỹ năng khai thác Atlat


Với 15 câu hỏi trong đề thi tham khảo môn địa, nhiều giáo viên địa lý lưu ý học sinh cần rèn kỹ năng khai thác Atlat, biết các kỹ năng vẽ bản đồ, đồ thị, phân tích dữ liệu hiển thị trên bản đồ, đồ thị. "Với các biểu đồ địa lý, các em cần chú ý nhận diện theo "từ khóa".

Ví dụ biểu đồ thể hiện cơ cấu có hình tròn, biểu đồ cột, biểu đồ thể hiện tốc độ tăng trưởng là đường tương đối" - cô Nguyễn Thị Châu Loan, giáo viên địa lý Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội, chia sẻ.

Vật lý: luyện đề tổng hợp


Theo thầy Vũ Lữ Hoàng Anh - giáo viên vật lý, Trường THPT Ngô Quyền, Hải Phòng - luyện đề tổng hợp giúp học sinh ghi nhớ kiến thức sâu hơn, rèn luyện tốc độ làm bài nhanh. Vì theo quy định bài thi có 40 câu hỏi làm trong 50 phút, trung bình mỗi câu hỏi chỉ làm trong 1,25 phút.

Nếu nắm chắc kiến thức cơ bản, các em có thể rút ngắn thời gian làm các câu hỏi ở mức nhận biết, thông hiểu. Các em có thể dành thời gian làm thử các đề tổng hợp có tính giờ để rút kinh nghiệm trong việc phân bố thời gian và rèn kỹ năng làm bài.

Hóa học: cẩn thận phương án gây nhiễu


Theo thầy Nguyễn Hoàng Lâm - giáo viên hóa Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) - trong các môn thi trắc nghiệm các phương án đưa ra có một phương án nhiễu. Đây là "cái bẫy" dễ khiến học sinh bị nhầm lẫn.

Vì thế khi luyện đề, các em cần xác định cả phương án đúng và phương án nhiễu, rút kinh nghiệm nếu bị nhầm lẫn để tránh khi làm bài thi thật.

( Theo https://tuoitre.vn/)


Tin Nổi Bật