Với điểm tối đa môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, Quang Huy đã chia sẻ những bí quyết ôn tập hiệu quả với các sĩ tử chuẩn bị thi đại học trong năm nay.
Lê Quang Huy (19 tuổi), một trong 3 người đạt điểm 10 môn Ngữ Văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, cho biết để làm bài với số điểm tối đa, bên cạnh sự thăng hoa trong cảm xúc, em đã trang bị kỹ năng làm bài tốt.
Quang Huy cho hay, bên cạnh sự thăng hoa trong cảm xúc, em đã trang bị kỹ năng làm bài tốt.
Mẹo nhỏ, hiệu quả lớn
Khi làm bài thi, phần đọc hiểu (3 điểm), Huy trả lời đúng trọng tâm, chắc chắn, vạch rõ ý. Những câu một điểm, cậu viết 4-5 ý, để giám khảo dễ chấm, có thể kiếm được điểm tối đa. Từ khóa của phần này là "hỏi gì đáp nấy".
Trong phần nghị luận xã hội, chàng trai chia sẻ sĩ tử cần bám sát vào câu hỏi, trả lời đúng với yêu cầu, vấn đề cần nghị luận, không lan man, dài dòng. Đặc biệt, các bạn cần lấy dẫn chứng mới nhất, quen thuộc, nhiều người biết để bài viết thêm phần thuyết phục.
Hơn thế, thí sinh cần nắm vững bố cục của một đoạn văn nghị luận, biết mở rộng, đánh giá vấn đề. Phần mở đoạn cần viết thẳng vào vấn đề, không dài dòng, dễ hiểu để người chấm thấy rõ vấn đề cần nghị luận.
Về nghị luận văn học (chiếm 1/2) số điểm của đề thi, sĩ tử phải nêu đủ ý, nhớ rõ luận điểm của mỗi tác phẩm. Nếu bài viết bay bổng, câu từ hoa mỹ, nhưng thiếu ý quan trọng, điểm sẽ thấp.
Phần mở bài, Quang Huy cho rằng thí sinh cần nêu đủ tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận. Phần thân bài được triển khai theo cách diễn giải các luận điểm. Luận điểm rõ ràng, đúng, thí sinh chắc chắn sẽ đạt điểm cao.
Huy tâm sự khi làm bài em có một "mẹo" nhỏ để luận điểm chạm tới đáp án của Bộ GD&ĐT. Đó chính là sử dụng từ đồng nghĩa. Muốn lấy điểm tối đa, học sinh không nên học tủ, nắm chắc nội dung nghệ thuật của tác phẩm, liên hệ mở rộng với tác phẩm văn chương khác để tìm ra nét chung, nét riêng làm phong phú bài viết của mình.
Từ đó, bài viết có sự so sánh đối, chiếu tìm ra phong cách riêng mỗi tác giả thể hiện qua tác phẩm bên ngoài hoặc trong sách giáo khoa. Đặc biệt, sau khi viết, triển khai các đoạn văn đủ luận điểm, phần khái quát nghệ thuật, thí sinh phải viết dày dặn, đủ ý (khoảng từ 2/3 đến một trang).
Thực tế, phần này được thực hiện khi đã gần hết giờ làm bài nên thí sinh thường viết sơ sài hoặc bỏ qua. Vì thế, họ không đạt điểm thi như mong muốn. Tuy nhiên, Huy nhấn mạnh đây phần rất quan trọng của bài nghị luận văn học.
Thí sinh cần trau dồi vốn từ, canh giờ làm bài, chọn bút thích hợp với mình, viết nhanh, bay với cảm xúc của bản thân.
Chàng sinh viên trẻ Quang Huy (hàng đầu) cùng các bạn trong một buổi học quân sự.
Viết nhiều là tốt
Tiết lộ bí kíp lấy điểm tối đa, Huy nói: “Đối với em, viết nhiều là tốt. Vì khi viết nhiều, em sẽ rà soát lại kiến thức, nhớ lâu hơn. Đây chính là cách em luyện kỹ năng viết nhanh, làm bài đủ thời gian”.
Đặc biệt, chàng trai trẻ nhấn mạnh việc tự học, tìm tòi, viết là 3 yếu tố quan trọng để chinh phục môn Ngữ văn. Cùng với đó, việc trau dồi vốn hiểu biết xã hội như xem tin tức, đọc báo sẽ giúp bài nghị luận xã hội thêm phong phú.
Học sinh nên tìm tài liệu của các tác giả, tác phẩm khác nhau, ghi chép khoa học, không bỏ qua những kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, lời giảng của thầy, cô trên lớp.
Huy đang nỗ lực học hỏi để trở thành nhà báo giỏi trong tương lai.
Nhớ về thời điểm ôn thi tốt nghiệp năm ngoái, cậu sinh viên năm nhất khoa Báo chí và Truyền thông, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân Văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) kể lịch ôn thi một ngày của cá nhân không cố định.
Thời gian ôn môn Ngữ văn của Huy thường bắt đầu từ 21h. Cụ thể, chàng trai gọi video với các bạn trong nhóm, mọi người giảng bài cho nhau rồi nhớ luôn tác phẩm.
“Thực ra, em dành thời gian ôn môn Văn không nhiều, chủ yếu nghe các bạn giảng, tiện ôn bài ngay”, Huy cho hay.
Với những kinh nghiệm trên, Lê Quang Huy đạt 10 điểm môn Ngữ văn. Và với tổng điểm xét tuyển tổ hợp khối D1 đạt 27,2 điểm, Huy bước vào giảng đường đại học để theo đuổi ước mơ trở thành nhà báo.
Cậu tâm sự dù biết nghề báo nhiều khó khăn, thử thách, cậu vẫn lựa chọn bởi đây là nghề hấp dẫn.
Ngoài ra, chàng sinh viên trẻ muốn phản ánh cuộc sống, thay đổi cách nhìn trở nên khách quan, cởi mở hơn với thực tại, trở thành người hướng ngoại thay vì hướng nội.
(Theo Zing News).