Mã Trường

Mã Trường

Kinh Nghiệm Việc Làm

Từ chối khéo 'lời đề nghị' của nhà tuyển dụng.

Cập nhật 16/07/2021 - 10:26:56 AM (GMT+7)

Trên con đường sự nghiệp của mỗi người, chắc hẳn sẽ có đôi lần phỏng vấn tìm việc, ứng viên (ƯV) sẽ nhận được các lời đề nghị của nhà tuyển dụng (NTD), song không phải lời đề nghị nào cũng phù hợp. Và khi đó, việc ƯV cần phải làm là từ chối lời đề nghị của NTD. Nhưng từ chối như thế nào mà vẫn giữ được mối quan hệ tốt với NTD là điều mà ƯV luôn phải quan tâm.

Theo ông Nguyễn Hoàng Thanh Chương, Phó Giám đốc Bộ phận Tuyển dụng Adecco Việt Nam Chi nhánh TP HCM, ƯV có thể từ chối NTD thông qua 2 hình thức là gọi điện và gửi email. Nhưng dù là cách nào thì cách từ chối NTD cũng phải được thể hiện một cách khéo léo, để giữ được mối quan hệ tốt đẹp với NTD, đồng thời mở rộng cơ hội làm việc trong tương lai.

Đầu tiên, chính là thời gian, bạn cần trả lời càng sớm càng tốt. Mặc dù bạn được phép cân nhắc thật kỹ để đưa ra sự lựa chọn phù hợp nhưng không có nghĩa bạn phải suy nghĩ quá lâu. Hãy nghĩ đến NTD đang ráo riết tìm nhân sự, nếu bạn muốn từ chối hãy làm điều đó thật nhanh chóng. Thời gian hợp lý nhất để có cách từ chối lịch sự chính là trong vòng 24 giờ, tính từ khi nhận được thông báo của NTD. Hãy giúp nhau tiết kiệm thời gian và tránh gây ảnh hưởng đến tiến độ làm việc của doanh nghiệp. ƯV đừng biến mình thành một người kém chuyên nghiệp, khi không bày tỏ sự cảm kích vì họ đã dành thời gian để sàng lọc hồ sơ, tìm hiểu về bạn trong nhiều hồ sơ khác. Họ cũng tốn thời gian để cùng bạn trao đổi phỏng vấn. Vậy nên, hãy cảm ơn NTD trước khi thông báo từ chối lời đề nghị.

 

Tạo thiện cảm với nhà tuyển dụng ngay cả khi từ chối lời mời sẽ giúp cho ứng viên có nhiều cơ hội trong tương lai.

 

Sau buổi phỏng vấn, bạn cảm thấy bản thân không phù hợp với văn hóa công ty, công việc không như bạn tưởng tượng hay mức lương chưa như mong đợi nhưng không có nghĩa là bạn sẽ nói rõ nguyên nhân như thế. Hãy sử dụng nguyên nhân ngắn gọn và chuyên nghiệp như công việc không giống với định hướng nghề nghiệp, mục tiêu nghề nghiệp của bản thân... Bày tỏ sự tiếc nuối khi không được hợp tác cùng nhau, đồng thời hy vọng trong tương lai sẽ có thể có cơ hội để cùng nhau phát triển. Nếu được, bạn cũng có thể giới thiệu một số ƯV khác để họ chọn lựa.

Thông thường, NTD sẽ gọi điện để tìm hiểu sơ lược về ƯV trước khi đến với buổi phỏng vấn. Nếu ngay lúc đó bạn cảm thấy môi trường không phù hợp, hãy trả lời một cách nhẹ nhàng với ngữ điệu tôn trọng. Đừng vội tắt máy ngang hay thẳng thừng đưa ra lý do, hãy lắng nghe và bày tỏ lý do, đồng thời cảm ơn vì họ đã gọi cho bạn. Nếu sau buổi phỏng vấn, bạn quyết định sẽ từ chối thì hãy gọi điện đến người liên lạc trực tiếp với bạn khi phỏng vấn và thực hiện theo cách từ chối được đưa như trên.

Để có cách từ chối lời đề nghị qua email chuyên nghiệp, ƯV cần chú ý những phần quan trọng, từ tiêu đề email cho đến lời chào, lời cảm ơn. Tiếp đó đưa ra lời từ chối với lý do mình không thể đảm nhận vị trí này và bày tỏ sự tiếc nuối. Cuối cùng, bày tỏ lòng cảm kích một lần nữa và thể hiện mong muốn hợp tác nếu có cơ hội trong tương lai.

Việc tạo mối quan hệ với NTD là điều rất cần thiết, nó giúp ƯV giữ được ấn tượng tốt, chuyên nghiệp và có thể hợp tác dễ dàng với họ hoặc người họ quen biết trong tương lai. Vì thế, sau khi nêu lý do từ chối, bạn hãy bày tỏ hy vọng được gặp lại họ trong những dịp khác. Điều này sẽ khiến việc từ chối trở nên nhẹ nhàng và bạn cũng giữ được mối quan hệ tốt đẹp với NTD.


Tin Nổi Bật