Mã Trường

Mã Trường

Học - Thi -Tuyển sinh

Ôn thi môn Ngữ văn giai đoạn nước rút.

Cập nhật 30/06/2021 - 09:13:26 AM (GMT+7)

Thầy Phan Thế Hoài, giáo viên Ngữ văn trường THCS - THPT Hoa Lư, TP HCM, hướng dẫn học sinh một số vấn đề trọng tâm ôn tập môn Văn thi tốt nghiệp THPT.

Chưa đầy 10 ngày nữa sẽ diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT, Ngữ văn là môn thi tự luận duy nhất trong số các môn thi. Hiện nay, một số Fanpage đăng bài viết dự đoán đề thi Ngữ văn năm nay. Thực sự không có cơ sở nào để khẳng định những kiểu "đoán già đoán non" này là chính xác nên học sinh không nghe theo để rồi học tủ, lợi bất cập hại. Giai đoạn này, học sinh cần hệ thống bài học theo chủ đề và ôn tập nội dung trọng tâm, tránh dàn trải.

Trong phần đọc hiểu, ở câu nhận biết, học sinh nên sử dụng sơ đồ tư duy để hệ thống một số phạm vi kiến thức như: Phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, thao tác lập luận... Câu hỏi thường xuất hiện trong đề thi những năm qua liên quan đến thể thơ, phương thức biểu đạt.

Ở câu thông hiểu, các em cần hiểu được những từ ngữ, hình ảnh, hay một nội dung nào đó được tác giả đề cập đến trong ngữ liệu. Nên gạch chân từ khóa ở câu hỏi để trả lời trọng tâm, chính xác, ngắn gọn, tránh dài dòng lan man.

Câu vận dụng thấp (câu 3) thường kiểm tra khả năng đọc hiểu một nội dung, khía cạnh trong ngữ liệu. Các em cần trả lời đúng trọng tâm nội dung được đề cập, diễn đạt từ 3 đến 5 câu là đầy đủ ý.

Cuối cùng, câu vận dụng thấp (câu 4) thường là câu hỏi mở, người viết được tự do trả lời. Câu hỏi có thể yêu cầu rút ra một thông điệp có ý nghĩa với bản thân; nhận xét tình cảm của tác giả được thể hiện qua ngữ liệu hay bản thân có đồng tình với một nhận định nào đó hay không. Phần trả lời cần gọn gàng, có chính kiến và biết lập luận.

Phần đọc hiểu chiếm 3/10 điểm toàn bài thi, học sinh cần tập trung cao, trả lời gọn gàng, chính xác; dành thời gian làm bài khoảng 15 phút là có thể đạt từ 2,5 đến 3 điểm một cách dễ dàng.

Với câu nghị luận xã hội ở phần làm văn, thí sinh có thể trình bày khoảng một mặt giấy thi là đảm bảo yêu cầu về dung lượng 200 chữ, không nên viết dài, vừa mất thời gian vừa khó súc tích. Giám khảo thường có cảm tình với những bài viết trình bày theo kiểu "tổng - phân - hợp", dẫn chứng tường minh, lập luận chặt chẽ và biết triển khai luận điểm chính của đoạn văn.

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và 2021, nhiều học sinh dự đoán một số dạng đề liên quan đến Covid-19, tình người trong đại dịch, ý thức tự lập... Nhưng thực tế ngữ liệu đọc hiểu rất đa dạng, câu nghị luận xã hội được tích hợp từ văn bản đọc hiểu nên không có chuyện đề thi chỉ giới hạn một số phạm vi.

Minh chứng là đề thi Ngữ văn năm 2020 yêu cầu thí sinh nghị luận về sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày, không liên quan gì đến dịch bệnh. Nhìn chung, học sinh cần có kỹ năng làm bài, xử lỹ yêu cầu của đề thi, không nên chăm chăm một số vấn đề thời sự là xong.

Câu nghị luận văn học chiếm điểm số cao nhất trong bài thi - 5 điểm. Học sinh cần hệ thống các tác phẩm văn học theo chủ đề: Thơ và văn xuôi. Một số tác phẩm quan trọng với chủ đề thơ ca kháng chiến chống pháp: Tây Tiến (Quang Dũng), Việt Bắc (Tố Hữu); thơ ca thời chống Mỹ cứu nước: Sóng (Xuân Quỳnh), Đất nước (Nguyễn Khoa Điềm).

Chủ đề văn xuôi có truyện ngắn: Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài); Vợ nhặt (Kim Lân); Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi), Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành); Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu). Các tác phẩm ký gồm: Ai đã đăt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường), Người lái đò Sông Đà (Nguyễn Tuân); kịch: Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Lưu Quang Vũ).

Một số kiến thức học sinh cần nắm chắc: Tác giả, hoàn ra đời tác phẩm, chủ đề, phong cách nghệ thuật của tác giả, nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, vai trò vị trí của tác giả đối với nền văn học Việt Nam. Ngoài ra, học sinh cần nắm vững giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo, tình huống truyện với các tác phẩm truyện.

 

Thí sinh ôn bài trước giờ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.

 

Ví dụ 1: Tác giả Kim Lân và tác phẩm Vợ nhặt:

- Kim Lân là nhà văn chuyên viết truyện ngắn về những phong tục văn hóa cổ truyền, đời sống làng quê với giọng văn chân thật, xúc động, tài hoa. Vợ nhặt là tác phẩm xuất sắc của Kim Lân in trong tập truyện Con chó xấu xí, tiền thân của truyện ngắn này là Xóm ngụ cư.

- Truyện tố cáo thực dân, phát xít đẩy dân ta vào nạn đói thê thảm, đồng thời ca ngợi những người lao động trong đói khổ vẫn cưu mang đùm bọc lẫn nhau, vẫn khao khát sống, khao khát hạnh phúc và hướng tới cách mạng đầy tin tưởng.

- Tư tưởng nhân đạo nhà văn Kim Lân gửi gắm qua nhân vật:

+ Kim Lân bộc lộ niềm đau xót, thương cảm đối với cuộc sống bi thảm của người dân nghèo trong nạn đói. Khám phá, phát hiện, trân trọng và ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân được thể hiện qua các nhân vật: Thị, Tràng, bà cụ Tứ.

+ Tác giả tố cáo tội ác tày trời của bọn thực dân, phát xít đã đẩy nhân dân ta vào nạn đói khốn cùng năm 1945.

+ Nhà văn chỉ ra lối thoát để con người hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn. Từ câu chuyện phá kho thóc mà người vợ nhặt kể và hình ảnh đám người đói, lá cờ đỏ trong suy nghĩ của Tràng là những dấu hiệu của cuộc cách mạng, khiến người đọc có thể tin tưởng vợ chồng Tràng sẽ có mặt trong đoàn người vùng lên tổng khởi nghĩa.

- Tình huống truyện: Bối cảnh xây dựng tình huống truyện; tóm tắt tình huống truyện; các chi tiết độc đáo của tình huống truyện; giá trị của tình huống truyện.

Ngoài ra, đề thi Ngữ văn năm 2020 và đề minh họa năm 2021 yêu cầu thí sinh phân tích, cảm nhận một đoạn văn xuôi. Với đoạn trích là tác phẩm truyện, học sinh cần chú ý phân tích nội dung, nghệ thuật để làm rõ tư tưởng của tác giả. Nếu học sinh chỉ diễn xuôi theo kiểu kể lại những chi tiết, sự việc của truyện thì sẽ không có điểm. Cần đặt đoạn trích vào trong truyện ngắn để phân tích, cảm nhận cho thấu đáo.

Riêng đoạn trích thuộc tác phẩm ký, cần phân tích các từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ... để làm rõ cái hay, cái đẹp của thiên nhiên, con người.

Ví dụ 2: Phân tích sự hung bạo của Sông Đà quãng mặt ghềnh Hát Loóng: dài hàng cây số nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ bất cứ người lái đò Sông Đà nào qua đấy.

- Với biện pháp tu từ liệt kê, nhân hóa, câu văn có nhịp ngắn, nhanh, dồn dập kết hợp với các thanh trắc, những từ ngữ trùng điệp nối tiếp thế chỗ nhau trong các cụm từ đã tái hiện sinh động sự dữ dội đến hung bạo của con sông qua hình ảnh nước, sóng, gió, và đá Sông Đà. Mặt nước Sông Đà quãng này cuồn cuộn những con sóng dữ vút lên, chồm lên nhau tạo cảm giác ghê rợn, hãi hùng.

- Từ láy gùn ghè kết hợp hình ảnh so sánh mang đậm sắc thái nhân hóa về việc sóng gió trên mặt ghềnh Hát Loóng lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò Sông Đà nào qua đấy đã khiến người đọc hình dung rõ nét sự hung hãn, lì lợm, cuồng bạo của dòng sông Tây Bắc...

Câu nghị luận văn học dành khoảng 70 phút làm bài là hợp lý. Ngoài việc nắm kỹ kiến thức bài học, hiểu đề bài, các em cần bình tĩnh, tự tin, viết bằng cảm xúc chân thành thì chắc chắn sẽ đạt được số điểm khả quan.

(Theo Vnexpress).


Tin Nổi Bật