Mã Trường

Mã Trường

Học - Thi -Tuyển sinh

Gợi ý phổ điểm Tiếng Anh giúp học sinh đặt mục tiêu tự ôn tập hiệu quả.

Cập nhật 17/06/2021 - 09:27:45 AM (GMT+7)

GD&TĐ - Thầy Đoàn Ngọc Khoa Tùng, tổ trưởng môn ngoại ngữ của Trường THPT Thốt Nốt (quận Thốt Nốt, Cần Thơ) gợi ý phân chia từng phổ điểm để học sinh tự đặt ra mục tiêu tuỳ theo năng lực của mình. 

 

 

Theo thầy Đoàn Ngọc Khoa Tùng, tổ trưởng môn ngoại ngữ Trường THPT Thốt Nốt, Đề thi tham khảo môn Tiếng Anh đã phản ánh được tinh thần mà Bộ GD&ĐT đã nêu trước đó, là tập trung kiểm tra kiến thức trong chương trình THPT, trong đó chủ yếu kiến thức của lớp 12. Vì vậy đề thi đã có nhiều câu hỏi ở mức độ căn bản tương tự như đề thi chính thức năm 2020.

Điều này không có nghĩa là học sinh sẽ dễ dàng đạt được điểm cao, vì đề thi vẫn có những câu phân loại, tập trung chủ yếu ở phần đọc hiểu, đọc điền từ và một số câu hỏi từ vựng.

Thầy Tùng hình thành 3 phân khúc chính của phổ điểm để giúp học sinh có thể tự đặt ra mục tiêu  theo năng lực của mình để phấn đấu như sau:

Phân khúc đầu tiên, từ 2 - 2.6 điểm: Khoảng điểm này thí sinh có nguy cơ bị điểm liệt nên chỉ cần khai thác tốt các câu ở dạng nhận biết và thông hiểu, đây là phần khá đơn giản, có công thức và cấu trúc cơ bản.

Các dạng câu ở đây thường cho ở cấp độ dưới trung bình để chống bị điểm liệt. Học sinh chỉ trang bị kiến thức các cấu trúc trong thời gian ngắn là có thể làm được.

Chẳng hạn muốn làm câu ngữ âm gốc ED học sinh chỉ cần nắm 2 nguyên tắc cơ bản /id/ và /t/ còn lại là phát âm /d/. Phần thi trong đề minh họa chủ yếu là sự kết hợp thì quá khứ đơn và quá khứ tiếp diễn, câu hỏi đuôi chỉ nằm ở dạng cơ bản, không cần phải nắm các dạng đặc biệt ...

Trong phân khúc 2, từ 2.7 điểm - 6,2 điểm: Bên cạnh các câu cần đạt được của phân khúc 1,  học sinh cần khai thác tốt các câu ở cấp độ trung bình, thuộc các dạng nhận biết, thông hiểu và vận dụng thấp. Các câu dạng này học ở dạng trung bình có thể làm tốt. 

 

Thầy Đoàn Ngọc Khoa Tùng, tổ trưởng môn ngoại ngữ của Trường THPT Thốt Nốt (quận Thốt Nốt).

 

Ví dụ các câu ở dạng reference học sinh chỉ đọc các từ trước đại từ đó và sẽ nhận ra từ thay thế rất dễ dàng, dạng này phổ biến ở  bài đọc hiểu có 5 câu, còn bài đọc hiểu dạng nâng cao có 7 câu thì phức tạp hơn.

Một dạng bài tập đọc hiểu nữa mà học sinh có thể khai thác được là ở phần tìm câu chủ đề. Học sinh cố gắng khai thác câu đầu của đoạn 1 hoặc câu cuối  đoạn 1 của bài đọc là có thể xác định câu chủ đề tương tự .

Dạng câu chọn từ hay cụm từ không có đề cập trong bài (EXCEPT/  FALSE/ NOT ) cũng tương đối dễ ăn điểm. Học sinh chỉ cần nhớ mặt chữ của từ đã cho và đọc lại bài đọc để phát hiện các từ này nằm ở phân đoạn nào trong bài đọc là có thể xác định được từ không có đề cập ở đây (do 3 từ thường xuất hiện cùng 1 đoạn)

Bài điền từ thích hợp vào chổ trống học sinh  có thể làm tốt 3/5. Đó là các câu dùng đại từ quan hệ, thường là đại từ chỉ người hoặc vật làm chủ từ; Từ chỉ về số lượng cố gắng nắm nguyên tắc các danh từ đếm được và không đếm và các từ số lượng đi kèm; Câu dùng từ nối để kết hợp ý giữa câu trước và câu sau.

Riêng phân khúc 3, từ 6,4 điểm trở lên yêu cầu học sinh phải có kiến thức cơ bản của 2 nhóm trên và cần có vốn từ, các thành ngữ và khả năng khai thác bài đọc hiểu tốt, đặc biệt là bài đọc hiểu nâng cao, vì đây là bài có độ phân hóa cao.

Thường các bài đọc ở dạng này  được trích dẫn từ các bài đọc chuyên ngành, các bài nghiên cứu, khảo sát ở một lĩnh vực nào đó nên đòi hỏi người làm cần có vốn từ mạnh, khả năng suy đoán từ ngữ cảnh và đặc biệt là thí sinh có kiến thức nền tốt để đoán các dự kiện bài đọc liên quan đến các kiến thức mình đã học ở tiếng Việt.

Độ phân hóa của toàn bài thi có thể nằm ở các mục, các phần như đề cập ở phần phân tích đề như trên.  Học sinh có thể khai thác tốt từng phần tùy theo từng cấp độ của mình và hãy bình tĩnh, nghiêm túc khi làm bài.

(Theo báo Giáo dục & Thời đại).


Tin Nổi Bật