Mã Trường

Mã Trường

Học - Thi -Tuyển sinh

Ôn thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn đối với dạng bài nghị luận bài thơ, đoạn thơ.

Cập nhật 14/06/2021 - 02:50:58 PM (GMT+7)

GD&TĐ - Thạc sĩ Nguyễn Thị Phụng – Giáo viên Ngữ văn Trường THPT Tam Dương (Vĩnh Phúc) lưu ý học sinh những cách để khám phá giá trị nội dung và nghệ thuật của một bài thơ, đoạn thơ khi ôn tập, làm bài thi Ngữ văn. 

 

Thạc sĩ Nguyễn Thị Phụng và học sinh Trường THPT Tam Dương trong giờ ôn tập Ngữ văn.

 

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Phụng, nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ là các thao tác mà học sinh đi phân tích, đánh giá giá trị của một bài thơ, đoạn thơ để từ đó khám phá vẻ đẹp của bài thơ qua các hình thức lập luận. Như vậy để nghị luận được bài thơ, đoạn thơ thì trước tiên học sinh phải nắm được các cách nào để tìm hiểu khám phá vẻ đẹp ấy của bài thơ, đoạn thơ.

Trước tiên học sinh phải lưu ý đến những cách để khám phá giá trị nội dung và nghệ thuật của một bài thơ, đoạn thơ. Bởi thơ là loại hình nghệ thuật ngôn từ nên các em cần nắm được các yếu tố nội dung và hình thức nghệ thuật mà nhà thơ thường dùng để biểu hiện tư tưởng, tình cảm. Đó là: Ngôn ngữ, hình ảnh, giọng điệu, biện pháp tu từ, thể thơ , nhan đề… Kiến thức lí luận chung này rất quan trọng giúp học sinh làm quen và dần khắc sâu kĩ năng phân tích thơ.

Ngôn ngữ thơ

Ngôn ngữ thơ rất quan trọng mà học sinh khi đi phân tích thơ cần nhớ. Bởi thơ là tiếng nói của tình cảm cảm xúc của con người được chứa đựng qua lớp vở ngôn từ nghệ thuật. Vì vậy ngôn ngữ thơ rất hàm súc, cô đọng, mang những đặc trưng riêng của ngôn từ nghệ thuật như chính xác, hình tượng, đa nghĩa và tính thẩm mỹ, tính nhạc, tính họa rất cao. P.Reveredy đã từng nói “Chỉ một từ thôi cũng đủ tiêu diệt bài thơ hay nhất”. Không cần lý giải dài dòng vẫn thấy vai trò quan trọng của từ ngữ thơ. Đó là những từ “sáng”, từ “đắt”, từ làm nên giá trị nội dung thơ.

Như vậy, để đi nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ thì học sinh cần tích hợp kiến thức lí luận về ngôn ngữ thơ để tiếp cận bài thơ khi đi nghị luận. Khi nghị luận về bài thơ đoạn thơ nào thì trước tiên học sinh phải đọc sâu các bài thơ, đoạn thơ ấy. Nắm được những từ ngữ, nhất là từ hay, đắt giá mà nhà thơ dùng làm nhãn tự cho câu thơ để qua đó ta thấy được toàn bộ ý đồ mà người nghệ sĩ gửi gắm. Học sinh chú ý không thoát li từ ngữ, phát hiện và phân tích từ ngữ thơ bằng cách đặt ra các câu hỏi: Tại sao tác giả không dùng từ khác mà lại là từ này? Như vậy từ này được dùng với dụng ý nghệ thuật gì.

Ví dụ: Khi học sinh đi nghị luận về những câu thơ sau trong bài thơ “ Tây Tiến” của Quang Dũng:

             “Sông Mã xa rồi, Tây Tiến ơi!

               Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi.

               Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

               Mường Lát hoa về trong đêm hơi”

Khi nghị luận học sinh cần chú ý đến những từ cảm thán như “ơi”. Từ cảm thán ấy phải chăng đó là tiếng gọi của đáy lòng, nỗi nhớ dâng lên tha thiết để rồi bật thành tiếng gọi thiết tha. Cần chú ý đến từ láy “chơi vơi”, từ láy độc đáo diễn tả một nỗi nhớ trải dài, lan rộng, bồng bềnh trong không gian và thời gian. Còn những từ ngữ chỉ địa danh như Sông Mã, Sài Khao, Mường Lát đã làm cho nỗi nhớ thêm đậm sắc màu bi tráng. Học sinh cần chú ý đến những từ đậm chất nghệ thuật như “hoa về”, không gian huyền bí, lung linh, huyền ảo mang dáng dấp của một thiếu nữ đi về trong đêm.

Hình ảnh thơ

Hình ảnh thơ là yếu tố quan trọng thứ hai. Bởi hình ảnh thơ chính là sự chọn lọc những hình ảnh giàu giá trị biểu cảm, giàu sức gợi có tính hàm xúc,  hình tượng để thể hiện tư tưởng, tinh thần, cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ. Bởi hình ảnh cũng như ngôn ngữ của thơ là kết quả của quá trình chưng cất, của những người nghệ sĩ như con ong cần mẫn, “ một mật ngọt thành đời, vạn chuyến ong bay”. Khi đi nghị luận học sinh cần nhận ra đâu là hình ảnh cần phân tích, cảm nhận .

Ví dụ, khi đi nghị luận đoạn thơ trong bài “Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm:

      Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi

     Đất Nước có trong những “cái ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể

     Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bà ăn bây giờ

     Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc

Khi đi nghị luận về đoạn thơ,  học sinh cần khai thác những hình ảnh đặc sắc làm nên sức biểu cảm và giá trị nội dung cũng như nghệ thuật của bài thơ. Để nghị luận tốt được đoạn thơ trên học sinh phải nắm bắt được những hình ảnh đặc sắc như hình ảnh “miếng trầu bà ăn”, hình ảnh cây tre Việt Nam qua câu “trồng tre mà đánh giặc”.

Từ hình ảnh “miếng trầu bà ăn” mà chúng ta thấy được toàn bộ những nét đẹp trong tâm hồn và tính cách của con người. Đó là những nét đẹp trong văn hóa giao tiếp, ứng xử của người Việt “ miếng trầu là đầu câu chuyện”. Đó là lối sống nghĩa tình, thủy chung gắn bó trong tình nghĩa vợ chồng, tình bằng hữu. Đó là nét hồn hậu trong phong tục nhuộm răng ăn trầu của ông bà ta xưa. Thật bấy ngờ khi chỉ một hình ảnh giản dị đơn sơ mà như chứa đựng cả tâm hồn và tính cách của một dân tộc.

Cũng như hình ảnh miếng trầu, hình ảnh cây tre đã gợi lên cả một truyền thống đánh giặc anh hùng, bất khuất, quật khởi của con người Việt Nam, hình ảnh ấy còn gợi lên cả một truyền thuyết về lịch sử chống giặc ngoại xâm của cả một dân tộc anh hùng, kiên trung, có một sức sống mãnh kiệt, bền bỉ, đoàn kết, chưa bao giờ biết khuất phục trước kẻ thù.

                                    “Thù này ắt hẳn còn lâu

                        Trồng tre thành gậy gặp đâu đánh què”

Giọng điệu thơ

Tiếp theo là giọng điệu: “giọng điệu là một phương diện biểu hiện quá trình chủ thể sáng tạo. Giọng điệu thể hiện thái độ lập trường, cách nhìn của chủ thể phát ngôn về đối tượng được nói đến” (Thuật ngữ văn học). Khi đi nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ, học sinh nhận ra giọng điệu của từng nhà thơ để thấy được phong cách sáng tác, tài năng của người nghệ sĩ. Từ đó nhận ra đặc điểm âm hưởng thơ của một thời đại văn học, một giai đoạn lịch sử dân tộc, cốt cách tâm hồn một lớp thế hệ, một địa phương. Giọng điệu được thể hiện qua nhịp thơ, ngôn ngữ thơ và nội dung thơ...

Ví dụ: Giọng điệu trong bài thơ “ Tây Tiến” là giọng hào hùng, bi tráng, mang nét lãng mạn hào hoa của những người anh hùng vệ quốc quân một đi không trở lại. Còn giọng điệu của bài thơ Việt Bắc là giọng thiết tha, ngọt ngào của bản tình ca đầy ân tình ân nghĩa của những con người các mạng và đồng bào Việt Bắc. Đó còn là giọng điệu hào hùng mạnh mẽ mang chất sử thi của cả một dân tộc ra trận. Còn giọng điệu trong bài thơ “ Đất Nước” của Nguyễn Khoa Điềm là giọng thơ thủ thỉ, đầy tâm tình ngọt ngào, mang những cảm nhận suy tư độc đáo về Đất Nước...

Như vậy, học sinh sẽ nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ, đầy đủ sâu sắc khi các em được tích hợp với các kiến thức lí luận về ngôn ngữ, hình ảnh, và giọng điệu, nhịp điệu của thơ.

Theo nhận định của Thạc sĩ Nguyễn Thị Phụng, từ cấu trúc đề minh họa môn Ngữ văn, có thể thấy, câu nghị luận văn học chiếm nhiều điểm hơn các phần khác. 

Đối với các tác phẩm thơ, để làm tốt bài thì trước tiên học sinh phải nắm được bố cục của bài thơ, giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của từng đoạn thơ, bài thơ. Phải hiểu và cảm nhận được những giá trị sâu sắc của bài thơ, đoạn thơ, tránh ghi nhớ máy móc.

Đối với kiểu bài nghị luận về bài thơ, đoạn thơ, chúng ta có thể chia ra các dạng chính như: Phân tích, cảm nhận  toàn bộ bài thơ; Phân tích, cảm nhận một đoạn thơ; Phân tích một khía cạnh trong đoạn thơ, bài thơ; Phân tích một hình ảnh, chi tiết trong bài thơ; So sánh giữa hai bài thơ, hai đoạn thơ; Nghị luận ý kiến bàn về bài thơ, đoạn thơ.

(Theo báo Giáo dục & Thời đại).


Tin Nổi Bật