GD&TĐ - Khi kỳ thi quan trọng cận kề, không ít sĩ tử cảm thấy lo lắng, bồn chồn, thậm chí căng thẳng quá độ. Để đạt kết quả tốt, các em cần "gạt" nỗi sợ sang một bên và lắng nghe kỹ quy chế khi vào phòng thi.
Không ít thí sinh "quên" hết chữ khi vào phòng thi.
Ngày 7-8/7, các học sinh sẽ tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Có lẽ, không ít thí sinh từng rơi vào trạng thái mất bình tĩnh và “cuống” trong khi làm bài thi. Thậm chí, dù đã ôn luyện rất kỹ, nhưng trong suốt thời gian làm bài, thí sinh cũng sẽ khó tránh khỏi những phút giây bị phân tâm và mất bình tĩnh.
Theo ThS.BS, chuyên gia giáo dục Nguyễn Lan Hải, trước thi một ngày là thời điểm các thí sinh có thể dừng việc "cày bừa" lại. Thay vào đó, việc thư giãn, nghỉ ngơi là vô cùng cần thiết trước ngày thi. Học sinh có thể “tự thưởng” bằng một đĩa nhạc yêu thích, món ăn khoái khẩu. Tuy nhiên,cần tránh mạo hiểm thử những món ăn, thức uống lạ gây đầy bụng, khó tiêu.
“Thi xong môn nào lập tức loại môn đó ra khỏi đầu, đừng loay hoay tính toán hoặc tiếc nuối về những gì đã trót làm sai hoặc chưa kịp làm. Trước khi bắt đầu môn kế tiếp, nên xem lại một lần môn ấy và đừng cố gắng nhớ vào lúc này”, chuyên gia chia sẻ.
Cũng theo ThS.BS Lan Hải, trong khi làm bài, các thí sinh cần lắng nghe thầy cô phổ biến quy chế thi để tránh sai sót, phạm "luật chơi". Đọc lướt một lần đề thi, xác định câu dễ, câu khó. Làm câu dễ trước, làm phần nào chắc phần đó ngay. Nếu làm câu khó trước và bị "bí" thì sẽ mất tinh thần, ảnh hưởng đến các phần tiếp theo.
Ngoài ra, các thí sinh không nên quá "cẩn thận", gây lãng phí thì giờ. Song, quan trọng là tuyệt đối không chủ quan. Dù là thi môn gì, học sinh cũng cần trình bày rõ ràng, mạch lạc.
Trong trường hợp gặp câu khó và nghĩ một lúc lâu nhưng không tìm được lời giải, thí sinh nên dừng lại, nghỉ ngơi, nhìn ra cửa sổ và tốt nhất là nhìn vào cây xanh. Theo chuyên gia này, màu xanh lá sẽ giúp não có cảm giác dễ chịu. Đây cũng có thể là một trong những “chìa khoá” giúp thí sinh tìm ra lời giải. Các em cũng cần nỗ lực, không bỏ cuộc.
(Sưu tầm).