Mã Trường

Mã Trường

Học - Thi -Tuyển sinh

Lỗi thường gặp khi làm bài Địa lý thi tốt nghiệp và cách khắc phục.

Cập nhật 11/06/2021 - 04:32:46 PM (GMT+7)

GD&TĐ - Cô Trịnh Thị Thùy Dương, Trường THPT Vĩnh Bình, Châu Thành, An Giang lưu ý thí sinh một số lỗi thường gặp khi làm bài thi tốt nghiệp THPT môn Địa lý; đồng thời chỉ ra cách khắc phục các lỗi này.

Học sinh Trường THPT Vĩnh Bình, Châu Thành, An Giang.

 

4 lỗi thường gặp

Cô Trịnh Thị Thùy Dương cho biết, 4 lỗi học sinh hay gặp phải nhất khi làm bài thi môn Địa lý là: Không đọc kỹ đề, nhầm lẫn kiến thức, chọn nhầm vào ô trả lời và không chủ động về thời gian.

Lỗi thứ nhất - không đọc kỹ đề - thường hay gặp ở những thí sinh hay có tâm lý chủ quan, vội vàng. Khi nhận đề thi, thí sinh chưa tìm hiểu và đọc kỹ câu hỏi mà đã bước vào làm bài ngay, chọn câu trả lời ngay.

Việc không đọc kỹ đề sẽ dẫn đến hiểu sai câu hỏi hoặc nhầm lẫn giữa các câu hỏi. Vì vậy, khi phát đề, câu nào biết chắn chắn đáp án thì thí sinh làm trước, câu chưa biết thì nên để làm sau, để đọc kĩ hơn.

Thứ hai: Hiện tượng nhầm lẫn kiến thức xuất phát từ việc thí sinh chưa bám sát vào yêu cầu của câu hỏi để trả lời, dẫn đến lạc đề. Đây cũng chính là hệ quả của việc thí sinh học tủ, học lệch, học vẹt, hoặc không đọc kỹ đề trước khi làm bài.

Để khắp phục lỗi này, trong quá trình học và ôn thi, thí sinh cần phải bám sát vào kiến thức chuẩn trong sách giáo khoa, tham khảo thêm tài liệu hướng dẫn ôn tập của giáo viên bộ môn. Bên cạnh đó, cần học tổng thể kiến thức chứ không được chủ quan bỏ sót.

 

Cô Trịnh Thị Thùy Dương trong giờ dạy Địa lý.

 

Thứ ba: Lỗi chọn nhầm ô trả lời. Do căng thẳng hoặc mất tập trung mà thí sinh vô tình chọn nhầm vào ô trả lời sai trên phiếu trả lời trắc nghiệm hoặc tô phần trả lời chưa đúng quy cách: sử dụng bút mực, tô quá mờ, tô chưa kín ô trả lời,…

Để khắc phục, thí sinh sau khi chọn phương án trả lời đúng thì tô ngay vào ô theo thứ tự A, B, C, D ở trên phiếu trả lời trắc nghiệm. Khi tô phải chú ý tô kín và dùng bút chì (không dùng bút mực) để tô. Nếu muốn thay đổi lại đáp án thì phải dùng tẩy xóa kỹ phần đã trả lời rồi chọn ô đúng để tô.

Thứ tư: Không chủ động được thời gian. Mỗi môn thi sẽ có một thời gian nhất định để thí sinh trả lời. Nhiều thí sinh do quá tập trung giải những câu hỏi khó mà không để ý đến thời gian khi làm bài thi.

Việc không chủ động thời gian khi làm bài khiến thí sinh lúng túng và nóng vội khi gần hết giờ. Từ đó sẽ dẫn đến những sai sót không đáng có trong bài thi của mình.

Vì vậy, thí sinh cần chủ động phân phối hợp lý về mặt thời gian; câu hỏi dễ nên trả lời trước, câu hỏi khó nên dành lại trả lời sau. Không nên mang tâm lý phải giải lần lượt các câu hỏi từ đầu đến cuối đề thi.

Để làm tốt nhất bài thi Địa lý

Chia sẻ phương pháp giúp thí sinh làm bài thi trắc nghiệm môn Địa lý tốt nhất, điều đầu tiên cô Trịnh Thị Thùy Dương lưu ý là phải giữ gìn sức khỏe tốt, tâm lý ổn định, không nên đặt quá nhiều kì vọng để tránh tự gây áp lực cho bản thân.

Thí sinh nhớ đem đầy đủ dụng cụ khi vào phòng thi; đối với môn Địa lý là đem máy tính bỏ túi, Atlat Địa lý Việt Nam (chú ý Atlat không được chép tài liệu, dù là một nội dung nhỏ).

Khi bắt đầu làm bài, cấu trúc đề thi thông thường đã sắp xếp từ dễ đến khó, nên thí sinh đọc và làm bài bình thường, câu nào dễ làm trước, câu khó làm sau (thông thường câu Atlat và kĩ năng biểu đồ-số liệu là dễ, nên chọn để làm trước).

Đọc từng câu, tìm và gạch chân từ khóa - từ quyết định đáp án đúng của phương án trả lời (để tránh lạc đề).

Cô Trịnh Thị Thùy Dương đặc biệt nhấn mạnh thí sinh đối với câu tìm phương án sai - tức là tìm đáp án phủ định - thì phải khoanh tròn từ “không” (mặc dù từ không đã được in đậm nhưng rất nhiều thí sinh đọc không kĩ, tưởng tìm đáp án đúng, cuối cùng làm sai). Thí sinh gạch chân hoặc khoanh tròn là để làm nổi bật câu dẫn, sau đó mới đọc 4 phương án trả lời và tìm đáp án.

“Sau khi làm xong, hoặc còn một khoảng thời gian mà vẫn chưa xong, thì thí sinh nên quay lại tô đáp án vào phiếu trả lời trắc nghiệm. Nhớ xem đáp án thật kĩ và tô thật kĩ đối với các câu đã tìm ra đáp án.

Sau khi tô xong, còn thời gian thì quay lại làm tiếp các câu chưa làm. Lúc này không còn thời gian nên nếu đã đoán được đáp án thì tô vào phiếu trả lời trắc nghiệm ngay” - cô Trịnh Thị Thùy Dương nhắc nhở.

(Theo báo Giáo dục & Thời đại).


Tin Nổi Bật