Bạn cảm thấy bối rối khi lần đầu đi phỏng vấn xin việc? Đừng quá lo lắng! Dưới đây là 6 lời khuyên hữu ích giúp bạn giảm bớt căng thẳng và chinh phục nhà tuyển dụng.
Nghiên cứu về công ty và vị trí ứng tuyển
Tìm hiểu trước về công ty tuyển dụng và vị trí ứng tuyển là điều các ứng viên tuyệt đối không thể bỏ qua. Nếu không biết hoạt động của công ty hoặc vị trí công việc thì bạn chỉ đang lãng phí thời gian của mình và của nhà tuyển dụng.
Hãy dành chút thời gian nghiên cứu về công ty: lĩnh vực của họ là gì, có sản phẩm/ dịch vụ nào, họ đã đạt được những thành tựu nào, gần đây họ có đang triển khai dự án gì không… Bạn có thể tìm kiếm những thông tin này trên website, mạng xã hội của công ty. Tương tự, bạn cũng cần tự hỏi bản thân vì sao mình phù hợp với vị trí này, mình có kỳ vọng hay thắc mắc gì về nhiệm vụ sẽ đảm nhận…
Luyện tập trả lời phỏng vấn
Sự chuẩn bị, luyện tập trả lời trước các câu hỏi sẽ giúp bạn thấy tự tin hơn nhiều. Hãy tự tập hoặc nhờ người thân, bạn bè phỏng vấn mẫu những câu hỏi thường gặp nhất, ví dụ như giới thiệu bản thân, điểm mạnh điểm yếu, lí do ứng tuyển... Những lời khuyên của họ sẽ giúp bạn tiến bộ hơn và thoải mái hơn trong giao tiếp, làm quen không khí đối thoại trước khi bước vào buổi phỏng vấn chính thức.
Tác phong chuyên nghiệp, thái độ nhiệt tình
Ấn tượng đầu tiên rất quan trọng. Vì vậy, hãy thể hiện sự tôn trọng với nhà tuyển dụng cũng như sự chuyên nghiệp của bạn bằng việc đến đúng giờ, ăn mặc lịch sự, chào hỏi lễ phép, tắt chuông điện thoại... Những điều tưởng chừng nhỏ bé nhưng cũng có thể tác động rất lớn đến cách người phỏng vấn đánh giá về bạn.
Bên cạnh đó, đối với những ứng viên mới ra trường, kinh nghiệm có thể chưa nhiều nhưng chắc chắn phải có thái độ tốt. Mọi nhà tuyển dụng đều thích những bạn trẻ nhiệt huyết, có tinh thần học hỏi và cầu tiến. Bạn có thể nói về điều khiến bạn ấn tượng về thương hiệu hoặc sản phẩm của họ, lý do thúc đẩy bạn nộp đơn cho vị trí này, và bạn mong muốn cho đi và nhận lại những gì với tư cách là thành viên của công ty. Nói chung, hãy cố gắng thể hiện mức độ khao khát của bạn một cách chân thành, nhiệt tình nhất nhưng không quá đà.
Tận dụng tối đa kinh nghiệm
Hầu hết các bạn sinh viên mới tốt nghiệp đều chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc thực tế, và lo rằng nhà tuyển dụng sẽ đánh trượt mình vì lý do đó. Tuy nhiên, bất cứ hoạt động sinh viên hay công việc bán thời gian nào bạn từng làm trước đây đều chứa đựng những kỹ năng mà bạn có thể áp dụng vào vị trí mới này.
Có thể bạn từng là người điều hành một câu lạc bộ, tham gia các hoạt động tình nguyện, có thành tích tốt trong cuộc thi dành cho sinh viên… Điều quan trọng là bạn phải diễn đạt cho người phỏng vấn hiểu về kỹ năng bạn đã học được qua những hoạt động đó, và cho họ thấy chúng hữu ích với công việc này như thế nào.
Sai lầm 80% ứng viên gặp phải khi lần đầu đi phỏng vấn xin việc là khép lại cuộc trò chuyện khi người phỏng vấn hỏi "Bạn có câu hỏi gì cho chúng tôi không?". Bạn nên đặt câu hỏi cho người phỏng vấn, vì nó cho thấy bạn thực sự hứng thú với công việc và muốn tìm hiểu rõ hơn.
Có rất nhiều câu hỏi bạn có thể đưa ra, ví dụ như văn hóa công ty thế nào, vị trí này cần có tố chất gì, nhiệm vụ cụ thể của bạn nếu bạn được nhận... Hãy nghĩ về chúng trước khi bạn tới phỏng vấn nhé.
Gửi email cảm ơn nhà tuyển dụng
Cuối cùng, dù buổi phỏng vấn diễn ra suôn sẻ hay không được như mong đợi, bạn vẫn nên gửi một email cảm ơn tới nhà tuyển dụng vì đã dành thời gian cho bạn, trong vòng 24 giờ sau khi ra về. Vài dòng cảm ơn ngắn ngủi thôi nhưng có thể cho thấy thái độ cầu tiến, nghiêm túc học hỏi của bạn. Và biết đâu, nó có thể là yếu tố quyết định khiến nhà tuyển dụng lựa chọn bạn thì sao?
Trải nghiệm về lần đầu đi phỏng vấn xin việc sẽ không còn quá đáng sợ khi bạn đã có sự chuẩn bị tốt cả về kiến thức và tâm lý. Hãy luôn ghi nhớ 6 lời khuyên trên đây trước mỗi buổi phỏng vấn, cánh cửa việc làm sẽ luôn rộng mở với bạn.
(Theo báo Dân Sinh).