Mã Trường

Mã Trường

Học - Thi -Tuyển sinh

Bí quyết đạt điểm cao môn Ngữ văn: Vượt “chướng ngại vật” phần nghị luận văn học.

Cập nhật 02/06/2021 - 10:23:17 AM (GMT+7)

GD&TĐ - Để xây dựng kế hoạch ôn tập khoa học và có hiệu quả với môn Văn, học sinh cần nắm chắc ma trận đề thi. Các em tham khảo đề minh họa của Bộ GD&ĐT để có một cái nhìn khái quát nhất cấu trúc ma trận bài thi năm nay. 

 

 

Bảo đảm cấu trúc bài văn nghị luận

Cô Nguyễn Như Hương – Tổ trưởng bộ môn Ngữ Văn (Trường THPT Hoàng Long, Ba Đình, Hà Nội) nhận định: Phần nghị luận văn học có nhiều dạng đề. Có thể là phân tích một hình tượng thiên nhiên (hình tượng Sông Đà trong tùy bút Người lái đò Sông Đà), hình tượng nhân vật (người đàn bà hàng chài trong truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa), tình huống truyện (truyện Vợ nhặt)... Câu hỏi cũng có thể là dạng đề so sánh, ngữ liệu có thể là hai đoạn thơ hoặc hai đoạn văn xuôi trong hai tác phẩm khác nhau hoặc trong cùng một tác phẩm. Tuy nhiên, chúng ta nên quan tâm dạng đề phân tích có định hướng một đoạn trích trong tác phẩm thơ hoặc văn xuôi như đề minh họa của Bộ GD&ĐT.

Theo đề minh họa năm nay, vấn đề xác định phạm vi kiến thức và kĩ năng trong câu nghị luận văn học khá rành mạch khi yêu cầu “phân tích hình ảnh sông Hương” trong một trích đoạn ngữ liệu ngắn gọn – đoạn văn miêu tả thủy trình của sông Hương khi đã ra khỏi những cánh rừng đại ngàn, trôi chảy giữa ngoại vi thành phố Huế - sau đó là yêu cầu nhận xét về tính trữ tình trong bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Để làm được đề này, học sinh cần bảo đảm cấu trúc bài văn nghị luận: Mở bài giới thiệu được vấn đề; Thân bài triển khai được vấn đề; Kết bài khái quát được vấn đề.

Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận vẻ đẹp của sông Hương trong đoạn trích đã cho; Nhận xét tính trữ tình của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Sau đó, các em cần tập trung giải quyết vấn đề đã nêu ra ở mở bài bằng luận điểm, luận cứ, luận chứng. Hệ thống luận điểm, luận cứ cần được thể hiện bằng các đoạn văn có liên kết, có chuyển ý để phân tích vẻ đẹp của sông Hương khi chảy về đồng bằng và ngoại vi thành phố Huế. Từ đó, nhận xét tính trữ tình của bút kí Hoàng Phủ Ngọc Tường.

 



Xây dựng các chuyên đề nhỏ

Cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Giáo viên Trường THPT Hoàng Cầu (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Cấu trúc ma trận đề thi minh họa tốt nghiệp THPT năm 2021 như sau:

Đọc hiểu (3 điểm): gồm 4 câu hỏi.

Làm văn (7 điểm):

Câu 1 (2 điểm): Viết đoạn nghị luận xã hội (khoảng 200 chữ) dựa trên vấn đề rút ra từ văn bản đọc hiểu.

Câu 2 (5 điểm): Phần nghị luận văn học

Dựa vào ma trận, chúng ta sẽ xây dựng các chuyên đề ôn tập cụ thể. Trong đó, chúng ta nên xây dựng các chuyên đề nhỏ phần văn học để vừa bảo đảm kiến thức chuyên sâu đối với từng tác phẩm, vừa có kiến thức phổ rộng, bao quát đối với các tác phẩm. Ví dụ, có thể xây dựng chuyên đề thơ cách mạng (giai đoạn 1945 -1975) với ba tác phẩm: Tây Tiến (Quang Dũng), Việt Bắc (Tố Hữu), Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng - Nguyễn Khoa Điềm); Chuyên đề kí với tác phẩm Người lái đò Sông Đà (Nguyễn Tuân) và Ai đã đặt tên cho dòng sông? (Hoàng Phủ Ngọc Tường); Chuyên đề văn học với cảm hứng nhân đạo (số phận người phụ nữ) qua tác phẩm Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Vợ nhặt (Kim Lân), Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu)…

Quá trình ôn thi, các em cần dành thời gian phù hợp để rèn luyện kĩ năng xử lí đề, thực hành viết bài với nhiều dạng đề khác nhau…

Cô Hạnh tư vấn: Học sinh cần nắm chắc các bí kíp làm bài để đạt kết quả cao với môn Ngữ văn. Đầu tiên, các em nhận diện đề thi và xử lí đề theo các bước: Đọc toàn bộ đề thi lần 1; Đọc kĩ đề, gạch chân vào các từ chìa khóa; Phân tích kĩ từ chìa khóa để xác định kiến thức làm bài.

Cô Hạnh lưu ý: Phần viết bài nghị luận văn học rất quan trọng với tổng số điểm chiếm 50% tổng bài thi. Vì vậy, các em cần đầu tư cho bài nghị luận văn học để có điểm số cao.

Với bài nghị luận tác phẩm văn xuôi, xác định đề bài hỏi về vấn đề gì thì tập trung trả lời thẳng vào vấn đề cụ thể đó. Đối với đề nghị luận về thơ cần chú ý phân tích các yếu tố nghệ thuật như cách dùng ngôn từ, hình ảnh, nhịp điệu, hình thức… chỉ ra giá trị, ý nghĩa của hình thức nghệ thuật trong chuyển tải nội dung.

Đạt điểm cao ở câu này là những bài có vốn kiến thức văn học, có kĩ năng làm bài tốt và tư duy khái quát, tổng hợp vấn đề, có những cảm xúc cảm thụ về cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Một bài văn hay cần bảo đảm ba mặt: Kiến thức, cảm thụ và tư duy. Các bước thực hiện như sau:

Bước 1: Xác định trọng tâm kiển thức (luận đề), dạng đề nghị luận mà đề thi yêu cầu. Ví dụ: Dạng đề nghị luận về một trích đoạn văn học, bình luận cho ý kiến bàn về nhân vật, đoạn trích, tác phẩm… Đây là thao tác quan trọng để các em có thể xác định được phương pháp nghị luận đúng, phù hợp yêu cầu của đề.

Bước 2: Xây dựng hệ thống luận điểm rõ ràng, đủ ý cho bài viết, xác định chính xác luận điểm trọng tâm. Mỗi luận điểm có thể trình bày thành một (hoặc nhiều đoạn văn) hợp lí. Việc xác lập luận điểm cũng giúp cho bài viết mạch lạc, sáng ý.

Bước 3: Thực hiện viết bài. Cần đầu tư cho phần mở bài hay, hấp dẫn, có tính sáng tạo và làm rõ vấn đề cần nghị luận. Các luận điểm, luận cứ thân bài có sự liên kết chặt chẽ. Cần chú ý đến đặc thù của văn chương nghệ thuật là đẹp cả hình thức lẫn nội dung. Cho nên, thí sinh phân tích song song hai khía cạnh này. Ngoài ra, nhấn mạnh sự dụng công của tác giả khi sử dụng các biện pháp nghệ thuật có tác dụng gì và gửi gắm thông điệp nội dung gì. Tránh việc bình luận suông một yếu tố dẫn đến bài văn thiếu ý, không thuyết phục. Điểm nhấn của bài còn nằm ở kiến thức mở rộng: So sánh, liên hệ, bình giảng cho một yếu tố nghệ thuật đặc sắc, một chi tiết, hình ảnh điển hình… Bài viết cũng cần được trình bày sạch, đẹp, viết đúng chính tả.

“Với cấu trúc của câu nghị luận văn học, thí sinh xác định rõ các yêu cầu về kiến thức và kĩ năng, có ý thức gắn kết giữa nội dung và nghệ thuật trong quá trình phân tích. Một trích đoạn ngắn làm ngữ liệu nghị luận không làm khó học sinh trong quá trình làm bài. Tuy nhiên, các em lưu ý thời gian làm bài cho câu nghị luận văn học chỉ khoảng 60 phút, cần làm chủ thời gian và kiến thức, viết đủ là được, tránh ôm đồm, lan man dẫn đến không hoàn thành bài viết hoặc thiếu cân đối giữa các ý”. - Cô Nguyễn Như Hương.

(Theo báo Giáo dục & Thời đại).


Tin Nổi Bật