Mã Trường

Mã Trường

Học - Thi -Tuyển sinh

Bí quyết đạt điểm 9-10 môn Sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Cập nhật 23/05/2021 - 10:19:36 AM (GMT+7)

Theo thầy Thành Công, trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, bí quyết đạt điểm tuyệt đối môn Sinh là không sai câu dễ, giải được câu khó, làm chủ thời gian.

Những thí sinh chọn môn Sinh xét tuyển tổ hợp khối B00 (Toán, Hóa, Sinh) để vào các trường thuộc khối ngành khoa học sức khỏe phải nắm chắc kiến thức, thành thạo kỹ năng mới mong đạt điểm cao thi tốt nghiệp THPT và tự tin xếp nguyện vọng xét tuyển. Chìa khóa để các em giành điểm cao chính là "không sai câu dễ, giải được câu khó, làm chủ được thời gian phòng thi".

Nghe có vẻ đương nhiên, nhưng để thực hiện được những điều trên, học sinh phải thực sự nỗ lực, hết sức cẩn thận.

Không sai câu dễ

Các câu hỏi dễ thường nằm trong 20-28 câu đầu tiên của đề thi, phần lớn thuộc mức độ nhận biết, thông hiểu hay vận dụng đơn giản kiến thức đã học. Do vậy, học sinh giỏi có thể làm 20 câu đầu trong khoảng 5 phút. Nhiều em với kỹ năng giải bài tập rất tốt có thể không sai trong các câu khó, nằm ở cuối đề thi, nhưng lại mắc lỗi ngớ ngẩn khi làm câu dễ.

Để tránh việc này, học sinh phải thực sự hiểu kiến thức, nhớ được thông tin quan trọng trong sách giáo khoa để giải quyết các câu dễ. Mặt khác, các em cần rèn thói quen đọc kỹ đề, nếu không rất dễ bỏ sót chi tiết nhỏ trong nội dung câu hỏi, dẫn đến chọn sai đáp án.

Ví dụ: Từ hỗn hợp 2 loại ribonucleotide là A và U có thể tạo ra các mARN với tối đa bao nhiêu bộ ba mã hóa cho các axit amin?

A. 2                    B. 7                   C. 8                    D. 9

Đây là câu hỏi vận dụng, thuộc nhóm khá dễ nếu các em hiểu mã di truyền là mã bộ ba. Nhiều thí sinh sẽ nhanh chóng đưa ra đáp án 2^3 = 8, lựa chọn C. Nhưng các em lại bỏ quên một chi tiết trong câu hỏi là bộ ba mã hóa cho các axit amin, do vậy trong số các bộ ba tạo ra có UAA là bộ ba kết thúc, không mã hóa cho axit amin nên đáp án chỉ là 7.

Học sinh phải hết sức chú ý với những dữ liệu ẩn chứa trong đề thi, nếu không sẽ rơi vào phương án nhiễu của câu hỏi, dẫn đến chọn sai. Chẳng hạn, ruồi giấm chỉ hoán vị ở giới cái, các loài chim đều ngược giới so với người và thú, mặc dù các thông tin này thường không xuất hiện trong câu hỏi.

Các câu hỏi dễ thường nằm trong nhóm kiến thức chuyển hóa vật chất, năng lượng ở động vật và thực vật; cơ chế di truyền và biến dị; quy luật di truyền (các dạng bài nhận biết kiểu gen); sinh thái và tiến hóa sinh học. Học sinh cần đọc, học kỹ các phần này để tránh sai sót.

 

Thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên môn Sinh, trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội.

 

Làm được các câu khó

Để đạt được điểm 9-10, thí sinh bắt buộc giải quyết các câu khó, thường nằm ở cuối đề. Những câu này thuộc dạng câu hỏi đếm các mệnh đề đúng/sai và lựa chọn phương án phù hợp. Để giải quyết chúng, thí sinh phải hiểu rõ bản chất kiến thức, có tư duy toán học tốt, đặc biệt ở phần toán tổ hợp và xác suất, thành thạo phương pháp giải bài tập vận dụng cao.

Một số dạng câu hỏi vận dụng cao thường xuất hiện trong đề thi trong các năm vừa qua có thể là tài liệu tham khảo quan trọng để các em luyện tập, chẳng hạn:

- Các bài về quá trình tự sao, có đánh dấu đồng vị phóng xạ đối với các nucleotide nguyên liệu. Thí sinh cần hiểu rõ cơ chế, diễn biến và kết quả của quá trình tự sao để giải quyết được các câu hỏi này.

- Các bài về trình tự gen mã hóa, đột biến, sự thay đổi các codon mã hóa cho các axit amin. Các em cần nắm chắc nguyên tắc mã bộ ba, các kiểu đột biến nguyên khung, đột biến dịch khung, đột biến đồng nghĩa, đột biến sai nghĩa để có thể giải quyết được dạng này.

- Dạng bài phối hợp các quy luật di truyền như tương tác gen phối hợp với hoán vị gen, tương tác gen phối hợp với liên kết gen, tương tác gen phối hợp với di truyền liên kết giới tính. Đây luôn là các bài thuộc nhóm khó, cần nhiều thời gian để giải quyết được câu hỏi. Để giải quyết được các dạng câu hỏi này, thí sinh trước hết cần:

+ Kỹ thuật phân tích và xác định được quy luật di truyền chi phối từng tính trạng đơn lẻ.

+ Nắm chắc các dấu hiệu nhận diện quy luật di truyền liên kết hay phân ly độc lập để xác định được kiểu gen của cơ thể đem lai.

+ Vận dụng nhuần nhuyễn mối tương quan giữa các kiểu hình trong phép lai dị hợp hai cặp gen [Aa; Bb] x [Aa; Bb] luôn có tỷ lệ kiểu hình [A-; B-] – [aa; bb] = 50%; [A-;bb] = [aa; B-] và [A-; bb] + [aa; bb] = 25% từ đó xác định được tần số hoán vị (nếu có) hay các cặp gen liên kết hoàn toàn hay phân ly độc lập.

+ Sau khi xác định được quy luật di truyền riêng, quy luật di truyền chung và kiểu gen của các cơ thể đem lai, thí sinh tập trung giải quyết bài toán phụ nằm trong các mệnh đề đếm. Các bài toán phụ thường là xác định số loại kiểu gen của một kiểu hình nào đó; xác suất tạo ra một kiểu hình hay kiểu gen nào đó ở đời con, xác định kết quả của phép lai phân tích, tính tần số hoán vị... Thí sinh cần rèn luyện kỹ năng bấm máy tính và tính toán để đẩy nhanh tốc độ làm bài toán phụ ở các câu hỏi này.

- Dạng bài tập di truyền quần thể. Để giải dạng này ở mức vận dụng cao, học sinh cần hiểu bản chất của định luật Hacdy - Vanbec và giải quyết các bài toán cụ thể. Các em cần chú ý đến trường hợp quần thể chịu tác động của các nhân tố tiến hóa như đột biến gen, di nhập gen, chọn lọc tự nhiên hay tự thụ phấn. Sự tác động của các nhân tố này khiến cấu trúc di truyền của quần thể thay đổi, ta có thể tính toán được sự thay đổi đó dựa trên các mô hình toán học khi học sinh hiểu và xây dựng được các mối liên hệ cần thiết.

- Một trong các dạng bài tập hầu như chắc chắn xuất hiện trong các đề thi là tập phả hệ. Trong những năm gần đây, để tăng mức độ khó, các nhóm biên soạn đề thi thường phối hợp phả hệ với di truyền quần thể hoặc phả hệ liên quan đến hai tính trạng khác nhau.

Để giải quyết bài toán phả hệ, thí sinh cần hiểu rõ các dấu hiệu trên phả hệ để đánh giá được quy luật di truyền chi phối mỗi tính trạng, quy luật di truyền chung cho các tính trạng và từ đó xác định được kiểu gen, xác suất xuất hiện các kiểu gen trong phả hệ đó. Kế tiếp, dùng dữ kiện đã có làm căn cứ để tính toán các bài toán phụ như tìm các cá thể có thể xác định được kiểu gen, tính xác suất sinh con mang một đặc điểm nào đó của một cặp vợ chồng trong phả hệ... Học sinh cần rèn luyện tư duy phân tích, suy luận logic và bấm máy tính thật nhanh để làm được và rút ngắn thời gian hoàn thiện bài tập phả hệ.

Việc phân loại các dạng bài tập chỉ giúp học sinh dễ học và ôn tập hơn, song cái gốc của vấn đề là các em phải nắm được kiến thức cơ bản về quy luật di truyền, kỹ năng tính toán để quyết ngay cả các bài chưa từng gặp.

Chiến thuật sử dụng thời gian trong phòng thi hợp lý

Trước kia, các câu hỏi mức độ dễ hay khó thường trộn lẫn với nhau trong đề thi nên thí sinh phải có chiến thuật chọn câu hỏi để làm. Những năm gần đây, các câu hỏi được sắp xếp theo thứ tự một cách tương đối từ dễ đến khó, nên các em làm lần lượt từ đầu đến cuối (câu nào không làm được thì bỏ qua để đến câu kế tiếp).

Thí sinh cần tận dụng khoảng thời gian đọc soát đề, cố gắng giải quyết được ít nhất 20 câu hỏi đầu tiên của đề trong 5-10 phút, tiết kiệm tối thiểu 30 phút cho 10 câu cuối. Việc làm chủ và tối ưu hóa thời gian cho từng khoảng câu hỏi của đề là rất quan trọng để đạt được mục tiêu điểm số cao nhất.

(Theo Vnexpress).


Tin Nổi Bật