Mã Trường

Mã Trường

Học - Thi -Tuyển sinh

Chìa khóa đạt điểm Sinh học phù hợp với mục tiêu.

Cập nhật 21/05/2021 - 09:35:44 AM (GMT+7)

Thầy Thành Công, giáo viên Sinh học, trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội, chia sẻ bí quyết giúp mỗi thí sinh đạt điểm Sinh học như mong muốn.

Sinh học là một trong ba môn thi thành phần của bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT bao gồm Vật lý, Hóa học và Sinh học. Tuy nhiên, xét về tổ hợp xét tuyển đại học thì môn Sinh học nằm trong tổ hợp khối B truyền thống (Toán, Hóa, Sinh) và một số khối khác mới hơn, dùng trong xét tuyển vào các trường đào tạo ngành thuộc lĩnh vực khoa học sức khỏe, sinh học, công nghệ sinh học, nông nghiệp, lâm nghiệp, môi trường và khoa học giáo dục (giảng dạy môn Sinh học).

Lượng thí sinh xét tuyển vào các ngành này tương đối ít, tập trung vào lĩnh vực khoa học sức khỏe. Do vậy, thí sinh thi môn Sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT được chia thành 2 nhóm: Thi để xét tốt nghiệp và thi để làm căn cứ xét tuyển vào đại học. Mỗi nhóm lại có mục tiêu điểm số riêng nên cần có những lưu ý riêng để đạt được.

Thí sinh thi môn Sinh chỉ để xét tốt nghiệp

Vì cần tập trung cho các môn khác ở tổ hợp không có Sinh học, thí sinh nhóm này thường đặt mục tiêu không cao, thậm chỉ chỉ cần vượt điểm liệt hay đạt trên trung bình. Mục tiêu này dường như khá đơn giản nhưng nếu không học và biết cách học, việc hiện thực hóa cũng không dễ dàng. Vậy, các em cần chú ý điều gì?

Đầu tiên, thí sinh cần xác định chính xác mục tiêu muốn đạt được với môn Sinh. Mục tiêu này sẽ quyết định lượng kiến thức ôn tập và phương pháp ôn tập để đạt hiệu quả nhất.

Thứ hai, thí sinh cần tham khảo công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS, THPT ban hành ngày 27/8/2020 để biết kiến thức được giảm tải trong chương trình.

Thứ ba, vận dụng quy luật xác suất trong quá trình làm bài thi để đạt được điểm mong muốn. Thí sinh có thể hiểu điều này như sau: Trong đề thi có 40 câu hỏi, nếu "đảm bảo đúng" a câu hỏi, thí sinh sẽ được 0,25a điểm. Phần còn lại (40-a) câu hỏi, nếu thí sinh lựa chọn một phương án để trả lời, theo quy luật xác suất số câu trả lời đúng có thể là 40-a4 câu và nhận được 40-a16 điểm.

Do đó, tổng điểm các em đạt được từ quá trình làm bài 0,25a + 40-a16 điểm. Nếu mục tiêu của thí sinh đơn giản chỉ 4 điểm thì các em chỉ cần trả lời chắc chắn đúng a = 8 câu hỏi là có thể đạt được, tất nhiên điểm số càng cao thì giá trị a phải càng lớn.

Thứ tư, từ mục tiêu điểm số và lượng điểm mà thí sinh mong muốn (nói cách khác là tìm ra giá trị a phù hợp) như đã phân tích ở trên, thí sinh cần tập trung ôn tập với các lưu ý sau đây:

- Coi sách giáo khoa là công cụ quan trọng nhất để ôn tập, nên loại bỏ các vấn đề đã được giảm tải theo công văn 3280 như đã đề cập ở trên để tiết kiệm thời gian.

- Tập trung vào lý thuyết thuộc nội dung: Chương I lớp 11 (thường có 4-5 câu trong đề, theo kinh nghiệm các năm trước); cơ chế di truyền và biến dị (phần này khá khó và đòi hỏi tư duy trừu tượng tốt, tuy nhiên các câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu của phần này thí sinh có thể nhớ không khó khăn); phần tiến hóa (khoảng 5 câu hỏi) và phần sinh thái (khoảng 6-7 câu hỏi).

Lượng câu hỏi thuộc mức độ biết và thông hiểu của các phần kiến thức kể trên có thể lên tới 20 câu và thường nằm ở phần đầu của đề thi. Do vậy thí sinh tập trung ôn tập thật tốt các vấn đề kể trên và làm bài tập trung vào 20-30 câu hỏi đầu tiên, cố gắng làm chính xác càng nhiều càng tốt. Không nên mất thời gian vào các câu hỏi khó, nhất là câu hỏi bài tập đếm phương án ở phần sau cùng của đề.

Các em cần dùng sách giáo khoa Sinh học 11 và Sinh học 12 cơ bản, đọc kỹ và đánh dấu từ khóa quan trọng, vẽ lại sơ đồ tư duy kiến thức ở 4 mục chủ yếu ở trên thì sẽ ghi nhớ được kiến thức quan trọng nhất phục vụ quá trình làm bài thi.

- Tham khảo đề thi môn Sinh của 3-5 năm trở lại đây để hình dung được câu hỏi. Việc làm các đề cũng giúp các em ghi nhớ kiến thức, đánh giá được đề và rèn luyện kỹ năng làm đề trong phòng thi.

 

Thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên môn Sinh học, trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội.

 

Thí sinh thi môn Sinh để xét tuyển đại học

Thí sinh thi môn Sinh học để xét tuyển đại học thường có mục tiêu cao, nhất là những em thi vào khối ngành khoa học sức khỏe như Y học, Răng Hàm Mặt... Trường có điểm trúng tuyển rất cao, đòi hỏi thí sinh phải có điểm số môn Sinh rất tốt mới đỗ được. Vậy, với những em này, đâu là chìa khóa để đạt được ước mơ?

Thứ nhất, giống như thí sinh đi thi với mục tiêu xét tốt nghiệp, các em cũng cần xác định mục tiêu điểm số của mình và tham khảo công văn 3280 của Bộ Giáo dục và Đào tạo để khoanh vùng kiến thức, ôn tập hiệu quả.

Thứ hai, học chắc lý thuyết, không để sai câu dễ. Nhiều thí sinh có kiến thức, luyện tập bài tập rất tốt, nhất là bài tập khó, đếm các phương án đúng. Tuy nhiên, việc giải quyết được một câu hỏi khó ở phần cuối đề có thể khiến các em mất 3-5 phút, thậm chí nhiều hơn, để lấy 0,25 điểm.

Trong khi đó, các em lại làm ẩu các câu hỏi lý thuyết hay bài tập ngắn ở câu hỏi đầu. Những câu này vốn dĩ chỉ mất vài giây để làm thì nhiều em lại để mất điểm. Những điểm bị mất này sẽ là điều đáng tiếc nhất với thí sinh. Do vậy, các em cần ôn tập và có kỹ thuật làm bài để cố gắng không sai các câu hỏi lý thuyết, các câu dễ ở phần đầu tiên của đề.

Để không sai câu dễ, sách giáo khoa là công cụ hoàn hảo để ôn tập. Không giống như thí sinh thuộc nhóm trên, thí sinh thuộc nhóm "quyết ăn thua với môn Sinh" phải học lượng kiến thức lớn hơn nhiều. Các em dùng bút đánh dấu vào từ khóa quan trọng trong sách giáo khoa, vẽ lại sơ đồ kiến thức, đánh dấu số liệu có mặt trong sách và quan trọng phải hiểu kiến thức. Tuyệt đối không học thuộc lòng vì khi đi thi, với áp lực của phòng thi, thí sinh rất dễ quên những gì đã thuộc.

Ngoài ra, các em phải luyện đề, sử dụng bộ câu hỏi ôn tập, làm lại đề của 3-5 năm trở lại đây và tham khảo các nguồn đề uy tín để có thể làm nhanh, chính xác các câu hỏi "dễ" ở phần đầu mỗi đề thi.

Thứ ba, rèn luyện thật tốt tư duy toán học, nhất là về tổ hợp, xác suất để vận dụng vào các bài tập Sinh học phổ biến, như:

- Bài toán phối hợp các quy luật di truyền, đặc biệt là bài tương tác gen phối hợp với hoán vị gen. Những bài này đòi hỏi thí sinh nắm chắc dấu hiệu nhận diện quy luật di truyền đơn lẻ và cách đánh giá quy luật di truyền phối hợp; xác định kiểu gen, tần số hoán vị và giải quyết nhanh bài toán phụ trong các mệnh đề.

- Bài toán di truyền quần thể, di truyền quần thể có sự tác động của các nhân tố tiến hóa. Với loại này, các em cần chú ý định luật Hacdy - Vanbec, mở rộng cho các gen đa alen hay quần thể chịu tác động của các nhân tố tiến hóa, đặc biệt là chọn lọc tự nhiên.

- Bài toán phả hệ. Dạng bài này dường như không thể thiếu trong đề thi các năm gần đây. Đặc biệt, mức độ khó của bài ngày càng tăng khi thường tập trung phả hệ hai tính trạng. Thí sinh cần nắm chắc kiến thức về quy luật di truyền, kỹ thuật xác định quy luật di truyền trong phả hệ, phân tích logic để xác định kiểu gen của các cá thể trong phả hệ, đặc biệt là vận dụng tốt kỹ thuật cộng, nhân xác suất để giải quyết các bài toán trong mệnh đề đếm.

Tất nhiên, lượng kiến thức thì rộng và câu hỏi thì phong phú nên không thể quy hết về các dạng bài toán. Thí sinh cần hiểu rõ kiến thức, kỹ năng và phương pháp để giải quyết được cả những bài toán chưa gặp bao giờ. Chỉ khi đó các em mới chủ động trong phòng thi và quá trình làm bài.

Có thể nói, không sai các câu dễ, làm được câu khó, chủ động sử dụng thời gian trong phòng thi một cách bình tĩnh là chìa khóa cho thí sinh thuộc nhóm này đạt điểm cao, không chỉ trong môn Sinh học mà còn trong các môn khác.

(Theo Vnexpress).


Tin Nổi Bật