Nhà tuyển dụng chỉ tốn 10 giây cho mỗi hồ sơ nên nếu CV mắc lỗi mục tiêu nghề nghiệp và thiếu tính cụ thể, bạn sẽ mất cơ hội.
Ngày 28/4, đến ngày hội việc làm - Job Fair 2021 do khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, tổ chức, Vũ My Trang, sinh viên năm cuối mang theo 7 CV (sơ yếu lý lịch), gồm 2 bản tiếng Anh, 5 bản tiếng Việt.
Trang chưa biết cách viết CV, chỉ lên mạng tìm mẫu rồi điền vào. Mục đích Trang đến đây để gặp gỡ doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, xem họ cần gì và học hỏi cách chuẩn bị CV ấn tượng để xin việc. Trang mong muốn tìm được công việc bán thời gian trong lĩnh vực marketing, truyền thông và tổ chức sự kiện.
Sau khoảng 10 phút được các chuyên gia trong lĩnh vực tuyển dụng tư vấn tại quầy sửa CV miễn phí, Trang nhận ra các lỗi và biết cách làm nổi bật hồ sơ. "CV của em còn chung chung, chưa cụ thể mục tiêu công việc, chưa có KPI (chỉ số đo lường hiệu quả công việc). Ngoài ra, ở phần nói về khả năng ngoại ngữ, em cũng được khuyên không nên để điểm IELTS nếu điểm số không ấn tượng", Trang nói.
Sinh viên xếp hàng đợi được tư vấn và sửa CV miễn phí tại Ngày hội Việc làm - Job Fair, hôm 28/4.
Giống Trang, Dương Ngọc Bình, sinh viên năm 4, khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, mang CV nhờ chuyên gia tư vấn. CV của Bình được nhận xét đạt 80% khi đã nêu đủ mục cần thiết. Tuy nhiên, Bình cần lưu ý phần ảnh cá nhân trong CV phải rõ mặt và không quá nhỏ. Ngoài ra, nam sinh cũng phải nhấn mạnh kết quả đạt được trong công việc, học tập và có mốc thời gian nhất định.
Chị Nguyễn Thái Hà, Trưởng phòng Tuyển dụng của hệ thống trung âm Anh ngữ, thuộc tập đoàn giáo dục HBR Holdings, trực tiếp cùng team tham gia sửa CV miễn phí cho sinh viên tại ngày hội.
Theo chị Hà, phần lớn người lao động, kể cả những người đã đi làm, chưa tối ưu được vai trò của CV và 80% CV của họ bị sai. Sơ yếu lý lịch thường có: Ảnh, thông tin liên hệ (số điện thoại, địa chỉ email, địa chỉ nhà), các kỹ năng, học vấn, kinh nghiệm làm việc hoặc sở thích (phải liên quan đến công việc).
"Nhà tuyển dụng chỉ mất khoảng 10 giây để xem qua một CV. Nếu trình bày không ấn tượng, không cho họ thấy ngay được bạn có năng lực thế nào, kỹ năng ra sao thì bạn chắc chắn bị bỏ qua", chị Hà nói.
Trong số CV của sinh viên mang tới, chị Hà nhận thấy các em đều mắc lỗi ở phần mục tiêu nghề nghiệp, thiếu tính cụ thể và dùng ảnh CV sai. Trong đó lỗi mục tiêu nghề nghiệp và thiếu tính cụ thể hóa là nặng nhất.
Chị Hà lấy ví dụ lỗi mục tiêu nghề nghiệp. Thay vì chỉ viết mong muốn được nhận vào vị trí này với mục đích học tập, rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm, các em nên hướng tới đích đến, gọi tên được đích đến, chẳng hạn trở thành quản lý.
Ở lỗi cụ thể hóa, chị Hà đưa ra dẫn chứng với CV của một sinh viên mong muốn được nhận vào vị trí chăm sóc khách hàng. Nếu chỉ viết có kinh nghiệm chăm sóc khách hàng, nhà tuyển dụng sẽ không đo đếm được năng lực cụ thể của bạn. Ứng viên có thể nói rõ một ngày tiếp nhận 1.000 cuộc gọi của khách hàng và xử lý được 30 khiếu nại.
Chị Hà hiện là trưởng phòng tuyển dụng, có kinh nghiệm 6 năm trong việc tuyển nhân sự.
Chị Hà khuyên cách tốt nhất để gây ấn tượng là đo lường hiệu quả công việc bằng con số. Ứng viên phải biết mình có giá trị gì và chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy bạn làm được việc.
Chuyên gia tuyển dụng cũng lưu ý tránh sử dụng thông tin khái quát mà nên đi vào cụ thể. Ở phần thông tin về kỹ năng, phần lớn sinh viên trình bày các kỹ năng về ngoại ngữ, tin học văn phòng hay làm việc nhóm theo thang đánh giá mà không có một con số hay bằng cấp, chứng chỉ cụ thể.
"Muốn nhà tuyển dụng biết khả năng tiếng Anh ở mức nào, bạn có thể nêu ra đang ở trình độ gì, A, B hay C hoặc có điểm IELTS 7.5. Bạn không nên kẻ thang đánh giá rồi bôi đen ở mức nào đó vì rất khó hình dung", chị Hà giải thích.
Ngoài ra, ảnh trong CV cần lựa bức hình rõ mặt, tươi tắn, tỷ lệ khuôn mặt không quá nhỏ so với khung ảnh.
Với những CV gửi qua mail, ứng viên cần chăm chút cho phần quan trọng nhất là thư xin việc, phần nhà tuyển dụng xem trước tiên, sau đó tới CV. Phần này gồm: Tiêu đề thư, nội dung thư. Tiêu đề cần có thông tin như họ tên, vị trí ứng tuyển, trong khi phần nội dung phải có câu chào hỏi (kính gửi), nhắc tới việc biết đến vị trí công việc này từ đâu, sau đó nêu gắn gọn tại sao bạn phù hợp với công việc và quyết định ứng tuyển.
Kết thư, ứng viên gửi CV chi tiết đính kèm, nêu mong muốn có một cuộc hẹn và nhà tuyển dụng cần thêm thông tin có thể liên hệ qua số liên lạc cụ thể. "Phần nội dung thư nên trình bày 5-7 dòng. Bạn lưu ý dùng địa chỉ email nghiêm túc, cần có tên của bạn", chị Hà gợi ý.
Chị Hà nhấn mạnh quá trình tuyển dụng còn có cả phỏng vấn và CV chỉ là một trong những điều kiện đầu tiên quyết định bạn có đi tiếp hay không.
(Theo Vnexpress).