Mã Trường

Mã Trường

Học - Thi -Tuyển sinh

Thầy giáo 'mách nước' ôn thi tốt nghiệp THPT 2021 môn Toán giành điểm cao.

Cập nhật 10/05/2021 - 03:01:25 PM (GMT+7)

Ở thời điểm nước rút trước kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, thí sinh nên ôn tập môn Toán tập trung các nội dung nào để giành điểm cao?

Thầy Lê Anh Tuấn, giáo viên môn Toán tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã có chia sẻ cùng Infonet về vấn đề trên.

Theo đó, thầy Tuấn cho rằng để giải quyết được những bài tập ở dạng vận dụng cao thay vì chỉ tập trung vào những câu ở mức độ này, học sinh nên học thật kỹ và chuyên sâu những câu mức độ dưới 9 điểm. Đối với câu trên 9 điểm, chỉ đầu tư trọng điểm vào những chủ đề kiến thức là thế mạnh của bản thân.

 


Thầy giáo Lê Anh Tuấn.


Phân tích đề minh họa môn Toán thi tốt nghiệp THPT 2021

Dựa trên đề thi tham khảo môn Toán kì thi Tốt nghiệp THPT 2021 do Bộ GD&ĐT công bố, thầy Lê Anh Tuấn chỉ ra một số đặc điểm chính như sau:

Về cấu trúc đề, phần kiến thức lớp 12 (bao gồm 4 chương giải tích và 3 chương hình học), chiếm tới 90%. Các câu hỏi đủ cả 4 mức độ là nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Cụ thể: Chương khác như Ứng dụng đạo hàm (10 câu); Hàm số lũy thừa, mũ và logarit (8 câu); Nguyên hàm và tích phân (07 câu); Số phức (6 câu); Thể tích khối đa diện (3 câu); Khối tròn xoay (3 câu); Hình giải tích trong không gian (8 câu). 

Phần nội dung kiến thức của lớp 11 chiếm 10%, với các câu ở mức độ nhận biết và thông hiểu. Trong đó, đại số và giải tích (3 câu) và Hình học (2 câu).

Các câu vận dụng cao đều là kiến thức lớp 12, thuộc về các chương (mỗi chương 1 câu) là Ứng dụng đạo hàm ; Hàm số lũy thừa, mũ và logarit; Nguyên hàm và tích phân; Số phức; Hình giải tích trong không gian. Nội dung cụ thể là: 

Câu 46 là biện luận số điểm cực trị của hàm chứa trị tuyệt đối. Theo thầy Tuấn, câu này được đánh giá là khó nhất đề, đòi hỏi thực hiện với nhiều bước. Câu 47 là phương trình mũ, logarit chứa tham số ở mức vận dụng cao. Câu 48 là ứng dụng tích phân về diện tích hình phẳng. 

Câu 49 với nội dung max min về mô-đun của số phức, đòi hỏi thí sinh có kinh nghiệm nhất định ở dạng này để chọn hướng tiếp cận đúng, sau đó mới có thể xử lý nhanh gọn. Câu 50 thì có sự kết hợp giữa nhiều chương: khối tròn xoay, tìm giá trị lớn nhất và hình giải tích Oxyz.

Có 10 câu ở mức độ vận dụng với nội dung kiến thức ở đủ các chương, còn lại 35 câu ở mức độ nhận biết, thông hiểu. 

“So về mức độ thì đề này dễ hơn đề chính thức năm 2019 nhưng khó hơn đề năm 2020. Với cấu trúc này, các em học sinh cần đặc biệt lưu ý những chuyên đề kiến thức thuộc lớp 12. Phần kiến thức lớp 11 được thể hiện trong đề thi chỉ ở mức độ cơ bản nên các em cũng không cần luyện quá nhiều kiến thức nâng cao ở lớp 11. Thay vào đó, nên nắm thật chắc kiến thức cơ bản của lớp 11.”, thầy Tuấn nhắn nhủ.

 


Phương pháp ôn luyện giai đoạn “nước rút”

Đến thời điểm này, chỉ còn hơn 2 tháng nữa là kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 sẽ diễn ra. Do đó, các em cần có kế hoạch học tập cụ thể theo từng ngày, từng tuần thì mới có thể đạt được điểm số cao theo mong muốn.

Vấn đề quyết định vẫn là kiến thức cơ bản vững chắc, kết hợp với tổng ôn luyện đề để hình thành kỹ năng xử lý nhanh câu hỏi”, thầy Tuấn nhấn mạnh.

Theo đó, các em cần tổng ôn lại toàn bộ kiến thức sách giáo khoa lớp 12 bao gồm lý thuyết và các dạng toán. Bên cạnh đó, cần chú trọng ôn luyện các dạng bài tập chuyên sâu của 7 chương lớp 12 có kiến thức vận dụng và vận dụng cao. Việc học cụ thể nên làm được như sau:

Cần ghi ra vở và nghiên cứu thật kỹ những khái niệm, định nghĩa, định lý, ký hiệu, tên gọi, công thức nào, ví dụ có trong sách giáo khoa.

Thống kê lại toàn bộ các dạng toán các em có trong 7 chương này.

Với mỗi dạng toán này, các em nên đọc lại  những bài tập thật cơ bản (không nhất thiết phải làm lại) rồi thống kê lại những sai lầm cơ bản có thể gặp trong các dạng toán đó.

Thầy Tuấn chia sẻ, sở dĩ cần thống kê lại những sai lầm cơ bản là do trong quá trình làm bài, có thể các em đã biết sai lầm của mình nhưng vì không ghi nhớ những sai lầm đó nên khi gặp phải vẫn mắc lỗi sai tương tự. Tuy nhiên, không nên kéo dài lê thê thao tác này. Các em chỉ nên dành 1 tuần để hoàn thiện, bởi vì sau đó còn có nhiều việc phải làm, đó là luyện đề và tham gia các khóa học tổng ôn.

Bên cạnh tổng ôn các kiến thức lớp 12, học sinh cần học và bổ sung thêm kiến thức cơ bản của  lớp 11 và các dạng câu hỏi vận dụng thực tế.

Trong thời gian này, thí sinh có thể luyện đề bằng các đề thi thử nghiệm của các sở giáo dục trên cả nước hoặc từ những nguồn cung cấp đề uy tín.

“Cứ 2 tuần 1 lần, các em lại tổng hợp lý thuyết, dựa trên những tình huống gặp phải trong khi làm đề.

Ngoài ra, trong lúc làm trắc nghiệm, các em nên đánh dấu những câu mình chưa chắc chắn, những câu có lý thuyết mình quên, những câu thú vị, những câu có cách giải còn dài. 

Mục đích của việc này là để sau khi làm xong các em sẽ đọc lại các câu đó. Nếu chỗ nào lý thuyết chưa vững thì đọc lại sách, câu nào cách giải còn dài thì tìm cách ngắn hơn”, thầy Tuấn cho biết.

(Theo báo VietNamNet).


Tin Nổi Bật