Mã Trường

Mã Trường

Học - Thi -Tuyển sinh

Quy tắc trọng âm tiếng Anh trong bài thi tốt nghiệp THPT.

Cập nhật 07/05/2021 - 09:17:43 AM (GMT+7)

Cô Trần Hồng Hạnh, giáo viên tiếng Anh trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội, hướng dẫn học ngữ âm và quy tắc đánh trọng âm, giúp làm tốt bài thi tốt nghiệp.

Bài thi tốt nghiệp THPT tiếng Anh gồm 50 câu và kiểm tra kiến thức dưới các dạng bài về ngữ âm, từ vựng và ngữ pháp, kỹ năng đọc và kỹ năng viết. Trong bài này, cô Hạnh sẽ hướng dẫn làm bài ngữ âm, với hai dạng: Chọn từ có cách đọc khác và chọn từ có trọng âm ở vị trí khác so với từ còn lại.

1. Chọn từ có cách đọc khác

Ở phần này, một số học sinh thường chọn theo cảm tính, đọc các từ và chọn đáp án theo cách đọc mình thấy "hợp lý", "nghe quen". Tuy nhiên, cách làm đó chỉ phù hợp với những bạn có vốn từ phong phú, cách phát âm chuẩn.

Để làm tốt phần này, ngoài việc học cách phát âm ngay khi học từ mới, các em có thể dựa vào cách đánh trọng âm của từ. Trọng âm của từ là các âm được đọc rõ, thường rơi vào các nguyên âm chính. Những âm không phải trọng âm sẽ là âm yếu hay âm lướt.

Ví dụ: Các cách phát âm của chữ cái "e".

- Từ "domestic" được phát âm là /dəˈmestɪk/ vì trọng âm rơi vào âm tiết 2 nên chữ cái "e" được đọc âm mạnh là /e/.

- Từ "decorate" được phát âm là /ˈdekəreit/ vì trọng âm rơi vào âm tiết 1 nên chữ cái "e" được đọc âm mạnh là /e/ (thay vì /dikDreit/ như một số học sinh thường đọc).

 


Cô Trần Hồng Hạnh (áo hồng) dạy tiếng Anh tại trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội, 17 năm qua.

 

2. Chọn từ có trọng âm ở vị trí khác so với từ còn lại

Dạng bài này có một số quy tắc đánh trọng âm cho từ như sau:

A. Với từ có hai âm tiết, các em áp dụng quy tắc theo loại từ:

- Danh từ và tính từ: Trọng âm rơi vào âm tiết 1.

Ví dụ: "danger" /ˈdeɪndʒə(r)/ (n), "stable" /ˈsteɪbl/ (adj).

- Động từ: Trọng âm rơi vào âm tiết 2.

Ví dụ: "apply" /əˈplaɪ/ (v)

Tuy nhiên, một số từ không theo quy tắc trên.

Ví dụ: "result" /rɪˈzʌlt/ (n), "happen" /ˈhæpən/ (v), "govern" /ˈɡʌvn/ (v).

B. Với từ có 3 âm tiết trở lên, các em xét theo gốc từ và phụ tố. Phụ tố gồm tiền tố (thành phần phụ được thêm vào trước một từ) và phụ tố (thành phần phụ được thêm vào sau một từ).

Ví dụ: "unhappiness" (n) gồm gốc từ "happy", tiền tố "un" và hậu tố "ness".

Cách đánh trọng âm như sau:

- Tiền tố: Không bao giờ đánh trọng âm.

Ví dụ: "understand" /ˌʌndəˈstænd/ (v), "unequal" /ʌnˈiːkwəl/ (adj).

- Hậu tố: Vì là thành phần thêm vào cuối của từ nên các quy tắc trọng âm đều đếm từ cuối đếm lên. Có ba quy tắc xuất hiện nhiều trong các phương án của bài tập dạng này:

+ Quy tắc 1: Quy tắc trọng âm rơi vào âm tiết 1 đếm ngược (rơi vào hậu tố).

"-ain": entertain /entəˈteɪn/ (v)

"-ee": refugee /refjuˈdʒiː/ (n)

Tuy nhiên, hai trường hợp bất quy tắc phổ biến của hậu tố "-ee" là: employee /ɪmˈplɔɪiː/ (n) và committee /kəˈmɪti/ (n).

"-ese": Vietnamese /viːetnəˈmiːz/ (n/adj)

+ Quy tắc 2: Quy tắc trọng âm rơi vào âm tiết 2 đếm ngược (trọng âm rơi vào âm tiết ngay trước các hậu tố) khi từ có hậu tố là:

"-ic": characteristic /ˌkærəktəˈrɪstɪk/ (adj)

"-ion": tradition /trəˈdɪʃn/ (n)

"-ity": equality /iˈkwɒləti/ (n)

"-logy": biology /baɪˈɒlədʒi/ (n)

+ Quy tắc 3: Quy tắc trọng âm rơi vào âm tiết 3 đếm ngược.

"-ate": decorate /ˈdekəreit/ (v)

"-ize", "-ise": recognize /ˈrekəɡnaɪz/ (v)

"-y": currency /ˈkʌrənsi/ (n)

Ngoài ra, học sinh cũng có thể ghi nhớ mẹo sau: Vì đáp án có 4 lựa chọn A, B, C, D nên các em có thể bỏ qua không đọc một đáp án mà mình không chắc chắn nhất, sau đó xét ba đáp án còn lại. Lúc này, hai trường hợp sẽ xảy ra:

- Trường hợp 1: Cả ba đáp án đó có cách đọc giống nhau, các em sẽ chọn đáp án vừa bỏ qua.

- Trường hợp 2: Trong ba đáp án, có hai từ có cách đọc giống nhau và một từ đọc khác, các em sẽ chọn đáp án là từ đọc khác đó.

(Theo Vnexpress).


Tin Nổi Bật