Thí sinh phải xác định đúng trọng tâm vấn đề, sử dụng thao tác lập luận phù hợp, dẫn chứng thuyết phục để đạt điểm cao trong câu nghị luận xã hội.
Cô Hồ Ái Linh, giáo viên Văn trường THCS - THPT Đào Duy Anh, TP HCM lưu ý thí sinh cách xác định vấn đề, làm dàn ý và triển khai viết đoạn văn nghị luận xã hội trong đề thi tốt nghiệp THPT.
Câu 1 phần Làm văn (nghị luận xã hội) thường có kiến thức và phạm vi đề thi xoay quanh ba chủ đề: Nghị luận về các vấn đề thuộc về tư tưởng, đạo lý; nghị luận vấn đề thuộc hiện tượng đời sống và nghị luận vấn đề xã hội được đặt ra trong văn bản văn học (nghị luận tổng hợp).
Trong đó, dạng thứ ba thường được áp dụng theo cấu trúc đề thi THPT quốc gia trước đây và nay là kỳ thi tốt nghiệp THPT. Câu hỏi nghị luận xã hội sẽ có nội dung liên quan đến vấn đề từ phần ngữ liệu đọc hiểu (phần I). Với dạng này, học sinh cần nắm chắc vấn đề cốt lõi mà đề yêu cầu, các bước làm bài và triển khai luận điểm, luận cứ rõ ràng.
Câu hỏi nghị luận xã hội (câu 1, phần II) trong đề tham khảo Ngữ văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 1/4.
Sau khi xác định được vấn đề cốt lõi, thí sinh cần xác định dàn ý cho đoạn nghị luận xã hội dài 200 chữ. Mở đầu nên dùng một câu nêu nội dung khái quát và dẫn vào vấn đề, có thể dùng câu nguyên văn hoặc trích từ khóa. Tiếp đó là các bước phát triển đoạn văn.
Đoạn văn cần phát triển theo hướng: Giải thích vấn đề, từ khóa một cách ngắn gọn; phát hiện từ khóa, khía cạnh chính cần phân tích, từ đó tập trung thẳng vào vấn đề để lập luận; dẫn chứng ngắn gọn phù hợp (không lấy tác phẩm văn học).
Cuối cùng, thí sinh cần rút ra bài học nhận thức và hành động và kết đoạn bằng một câu khái quát lại vấn đề.
Ví dụ:
Từ nội dung đoạn trích ở phần đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về giá trị của việc con người biết đối mặt và chinh phục nghịch cảnh.
Gợi ý làm bài như sau:
Dàn ý:
- Nêu được vấn đề chính: Giá trị của việc con người biết đối mặt và chinh phục nghịch cảnh.
- Giải thích: Nghịch cảnh là gì? (không bắt buộc phải có).
- Xác định từ khóa "giá trị" (những thứ đạt được) khi biết đối mặt và chinh phục nghịch cảnh. (Đoạn này cần tập trung nhất).
- Nêu dẫn chứng.
- Bác bỏ.
- Bài học rút ra từ bản thân.
Minh họa bằng một đoạn văn hoàn chỉnh:
"Nghịch cảnh", từ xưa đến nay vẫn luôn là nhân tố không thể thiếu trong quá trình phát triển của một con người, vấn đề là mỗi người biết đối diện và chinh phục nó ra sao. Tất cả nghịch cảnh đều ẩn chứa một hạt mầm lợi ích tương đương. Có nghịch cảnh mới có tự cải thiện, mới có thành công.
Nhiều người bị sa ngã vào những cạm bẫy của nghịch cảnh, không đủ dũng cảm dám đối diện chúng. Nhưng đối với những người dám đối mặt với chúng, họ từng bước tìm ra được sức mạnh tinh thần và nuôi dưỡng nó, cuối cùng vượt qua nghịch cảnh. Những năng lực thực sự ấy, chỉ khi gặp phải nghịch cảnh mới tìm ra được.
Sau 1855 lần bị hơn 500 công ty điện ảnh từ chối, diễn viên nổi tiếng Hollywood Sylvester Stallone mới có thể thành danh. Sau gần 2000 thất bại, cũng như là 2000 lần dám đối diện với nghịch cảnh, ông mới có thể tìm ra được thành công thực sự. Những ví dụ này cho thấy điều quan trọng con người cần có là không được nghĩ đến hai từ "bỏ cuộc".
Nếu chẳng may rơi vào hoàn cảnh khó khăn, ta chỉ có thể dùng sự nỗ lực của chính bản thân để tìm giải pháp thoát ra khỏi khó khăn. Trong quá trình ấy, ta học thêm được vô vàn bài học quý báu, nhưng quan trọng nhất là việc nhận ra chân lý: Chỉ chính bản thân ta mới có thể giúp được ta mà thôi. Chính lúc ta sẵn sàng đối diện với nghịch cảnh là lúc ta bước một bước gần hơn trên con đường trưởng thành, hoàn thiện bản thân và nhận được sự nể phục, tin yêu từ người khác.
(Theo Phan Cảnh Đăng Viên, học sinh trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP HCM)
Cuối cùng, thí sinh cần ghi nhớ những nguyên tắc khi viết đoạn văn nghị luận xã hội: Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn (diễn dịch, quy nạp); xác định đúng vấn đề cần nghị luận; sử dụng thao tác lập luận phù hợp (không nên sử dụng hết tất cả thao tác).
Khi triển khai vấn đề nghị luận cần thể hiện sự hiểu biết, trải nghiệm của bản thân về vấn đề; biết nhìn nhận cuộc sống qua nhiều góc độ, phương diện, từ đó đưa ra ý kiến, quan điểm, giải pháp của cá nhân.
Dung lượng cho một bài viết nghị luận xã hội 200 chữ khoảng hai phần ba trang giấy thi, thời gian làm bài chỉ nên 20-25 phút.
(Theo Vnexpress).