Mã Trường

Mã Trường

Học - Thi -Tuyển sinh

Tuyển sinh ĐH 2021 - 2025: Trung tâm khảo thí độc lập phục vụ xét tuyển.

Cập nhật 14/12/2020 - 10:45:23 AM (GMT+7)

TP - Bộ GD&ĐT cho biết, giai đoạn 2021-2025, thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học (ĐH) cơ bản giữ ổn định như năm 2020. Tuy vậy, Bộ đưa ra một số điều chỉnh kỹ thuật để tiến tới thi tốt nghiệp THPT trên máy tính và thành lập các trung tâm khảo thí độc lập phục vụ tuyển sinh cho các trường ĐH.

 

Sẽ có những điều chỉnh trong thi và xét tuyển ĐH thời gian tới.

 

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học (GDĐH) - Bộ GD&ĐT, cho biết, giai đoạn 2021-2025 vẫn giữ ổn định và từng bước hoàn thiện mô hình kỳ thi như 2020; phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm triển khai của địa phương, cơ sở GDĐH. Để bảo đảm tính ổn định của lộ trình đổi mới tuyển sinh, cơ sở đào tạo có phương án, kế hoạch rõ ràng, thực hiện đúng cam kết tạo lòng tin, sự ủng hộ; nên ổn định trong nhiều năm (khi thay đổi lớn, cần thông báo trước 2-3 năm).

Tiếp tục tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên giấy; từng bước tổ chức thi trên máy tính ở những nơi có đủ điều kiện, tiệm cận dần với tinh thần đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018. Về tuyển sinh, các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ, thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh theo quy định.

“Cổng đăng ký thi và xét tuyển sẽ tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong đó, đơn vị dịch vụ công của Bộ GD&ĐT vận hành, hoặc đơn vị trung gian vận hành, Bộ GD&ĐT chuyển giao phần mềm. Các trường ĐH cần tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong kỳ thi riêng để tuyển sinh. Kỳ thi này nên tổ chức gọn nhẹ, 1-2 môn, hoặc thi năng khiếu, hoặc kết hợp với kết quả thi tốt nghiệp THPT”, bà Thủy nói.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, theo sự thống nhất cao của các trường ĐH và chủ trương của Bộ, sẽ giữ ổn định phương thức xét tuyển chủ yếu dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT với những cải tiến về mặt kỹ thuật như ứng dụng công nghệ thông tin, công tác xét tuyển, lọc ảo. Các trường tăng cường vai trò tự chủ và với những trường cần yêu cầu năng lực chuyên biệt của thí sinh, Bộ GD&ĐT cũng khuyến cáo kết hợp thành các nhóm để tổ chức thành các bài thi đánh giá năng lực gọn nhẹ dùng chung cho nhiều trường.

Điểm mới là năm 2021 sẽ đưa đăng ký thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển của thí sinh lên cổng dịch vụ công quốc gia, yêu cầu các trường chuẩn bị đầy đủ thông tin, có xác thực để đưa lên cổng. Về tầm nhìn dài hạn hơn, theo ông Sơn, sẽ cố gắng xây dựng trung tâm khảo thí độc lập. Các trung tâm này có nhiệm vụ làm dịch vụ, có thể các trường sử dụng kết quả đó để tuyển sinh. Các trường ĐH cũng đề nghị Bộ giữ vai trò chủ động việc này. “Để phát huy tối đa vai trò tự chủ của các trường, trong chừng mực nào đó, Bộ sẽ hỗ trợ nhưng quan điểm vẫn là phát huy quyền tự chủ  tối đa của các trường”, ông Sơn nói. 

Ngoài ra, phân biệt rạch ròi giữa việc thi trên máy tính và các kỳ thi do các trung tâm khảo thí độc lập sẽ tổ chức, ông Sơn cho biết. Thi trên máy tính là các địa phương chịu trách nhiệm tổ chức phục vụ xét tốt nghiệp, Bộ GD&ĐT có trách nhiệm chỉ ban hành văn bản, chính sách để tổ chức kỳ thi thật tốt.Về lộ trình thực hiện, ông Sơn cho biết, địa phương nào có điều kiện sẽ tổ chức thi tốt nghiệp THPT trên máy tính trước. Nơi nào chưa có điều kiện thì vẫn thi trên giấy. Ưu điểm của thi trên máy tính là gọn nhẹ, giảm sự can thiệp của con người.

Các trường ĐH đã có đề xuất đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Theo đó, Bộ GD&ĐT cần tăng cường vai trò giám sát của các trường ĐH để đảm bảo công bằng, khách quan. Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định, kỳ thi này không phải chỉ có vai trò của Bộ GD&ĐT mà đề cao trách nhiệm của địa phương.

(Theo báo Tiền Phong)


Tin Nổi Bật