TTO - Ngày thi tốt nghiệp THPT 2020 cận kề, thí sinh cần chuẩn bị những gì để thi thật tốt? Tuổi Trẻ Online sẽ cùng các bạn hệ thống lại kiến thức ở các môn thi. Đầu tiên là môn toán.
Để chuẩn bị tốt cho môn toán, thí sinh cần lưu ý:
1. Hệ thống lại kiến thức
Vì đề thi toán gồm 50 câu trắc nghiệm nên kiến thức rải đều các phần của chương trình lớp 11, 12 nên chúng ta không thể học tủ cũng như bỏ sót các kiến thức, những kiến thức tập trung thì càng phải hệ thống lại cho hiệu quả.
Cụ thể, ta lập ra một bảng hệ thống kiến thức, trong đó chia nội dung theo chương. Trong mỗi chương lại chia theo từng mục, mỗi mục lại có lý thuyết, các dạng câu hỏi cơ bản và nâng cao…Ví dụ cụ thể nội dung lớp 12 gồm khảo sát hàm số, Mũ – Logarit, Tích phân, Số phức, Hình học không gian thuần túy và Hình học không gian tọa độ. Nội dung lớp 11 thì có Tổ hợp – Xác suất, Hình học không gian và một vài câu rải rác ở lượng giác, dãy số, đạo hàm...
Đối với các em có mục tiêu vừa phải thì chú ý các kiến thức trong sách giáo khoa và những dạng bài ở mức vừa phải.
Đối với các em mong muốn đạt điểm cao thì ta phải tập trung vào các dạng Vận dụng cao của các phần Khảo sát hàm số, Mũ – Logarit, Tích phân và Hình học không gian thuần túy vì các câu phân loại sẽ tập trung chủ yếu vào phần này, các phần còn lại vẫn có các câu phân loại nhưng mức độ sẽ nhẹ nhàng hơn. Chi tiết hơn:
Đối với phần Đại số - Giải tích thì ta chú ý vào các dạng bài và kĩ thuật:
- Cô lập tham số về một vế sau đó khảo sát hàm số, đây là tư tưởng xuyên suốt của đại số giải tích lớp 12.
- Cho đồ thị để suy tính chất liên quan đến tính đơn điệu, cực trị, nghiệm... của một hàm hợp.
- Cần chú ý đến việc sự dụng tích phân để đánh giá diện tích của hình phẳng trong các bài toán về đồ thị.
- Chú ý dạng bài tập biến đổi về dạng "f(u)=f(v)" trong đó f(x) là một hàm luôn đồng biến hoặc luôn nghịch biến trên miền đang xét, đây là dạng bài thường xuyên xuất hiện trong các đề thi chính thức và đề thi thử của các năm qua. Để nhìn được dạng này một cách nhanh chóng đòi hỏi các em phải thường xuyên làm bài và rút ra cho mình kinh nghiệm và kỹ năng.
- Ngoài các kỹ năng về tính nguyên hàm, tích phân các hàm cụ thể các em cần chú ý đến các bài toán yêu cầu tính tích phân của một hàm số tổng quát, để làm được dạng này các em phải kết hợp nhuần nhuyễn các kỹ năng đổi biến, tích phân từng phần...
- Các bài toán nhận biết về hàm số hoặc phương trình mũ, logarit tuy dễ nhưng các em học sinh nên chú ý điều kiện xác định về việc nhận-loại nghiệm. Còn các bài toán vận dụng – vận dụng cao ở chương này ngoài việc thuộc và biến đổi tốt các công thức còn cần kết hợp thêm các tư duy và kỹ năng của chương ứng dụng đạo hàm để xứ lý.
- Các bài toán số phức ngoài việc biết tính toán còn phải biết nhận định tính chất hình học của bài toán để xử lý nhanh trong một số trường hợp cụ thể.
Đối với phần hình học:
- Ở mức độ nhận biết và thông hiểu các em học sinh cần chú ý phân biệt được các khái niệm dễ nhầm lẫn như: hình chóp đều, tứ diện đều, lăng trụ, lăng trụ đều, hình trụ... để sử dụng đúng tính chất khi làm bài.
- Ở mức độ vận dụng và vận dụng cao cần chú ý đến các công thức về tỉ lệ thể tích, hỗ trợ cho dạng này là các kỹ năng xử lý tam giác đồng dạng hay định lý Menelaus...
- Ngoài ra cần rèn luyện kỹ thuật tính thể tích gián tiếp. Cụ thể hơn muốn tính thể tích một khối đa diện đề yêu cầu ta tính nó thông qua thể tích các khối đa diện khác.
- Cũng như trong hình phẳng, kỹ năng vẽ thêm đường phụ để phát hiện các tính chất hình học là cực kỳ quan trong.
- Trong chương phương pháp tọa độ trong không gian học sinh ngoài việc thuần thục các công thức còn nên để ý đến ứng dụng và tính chất hình học của tích có hướng để tính diện tích và thể tích. Trong một số tình huống không biết giải bài toán theo cách hình học thông thường thì có thể dựng hệ trục để tính, tuy cồng kềnh nhưng cho ta kết quả
- Ngoài ra ở chương trình lớp 11 các em học sinh cần chú ý các bài toán về tổ hợp và xác suất. Cần phân biệt được khi nào dung tổ hợp khi nào dung chỉnh hợp (đây là bài toán cơ bản tuy nhiên vẫn nhiều học sinh nhầm). Các bài toán về tính giới hạn chỉ dừng lại ở mức độ nhận biết và thông hiểu nên chỉ cần nắm vững kiến thức 11 là làm được.
2. Tăng cường giải đề
Việc giải đề có hai lợi ích. Thứ nhất sẽ giúp chúng ta củng cố lại kiến thức, thứ hai sẽ giúp chúng ta tăng kĩ năng giải cũng như hiệu quả khi làm đề. Sau khi giải đề, nếu thấy phần nào chưa ổn thì ta ôn kỹ lại phần đó.Tuy nhiên các em phải lựa chọn đề thi có nội dung, kiến thức và mức độ tương tự như kì thi THPT quốc gia sắp tới, tránh làm các đề thi thử không có nguồn gốc rõ ràng trên mạng vì có thể đi sai kiến thức trọng tâm.
Sửa lại lỗi sai. Thói quen khi làm bài tập trắc nghiệm là chúng ta chỉ dò đáp án đúng hoặc sai, do đó ít rút được kinh nghiệm cho lần sau. Vì vậy trong giai đoạn này, sau khi dò xong đáp án, ta phải phân tích những câu sai, tại sao và ghi nhớ để tránh bị lặp lại.
Hai điều cần chú ý vào ngày trước kỳ thi: Nhẩm lại kiến thức. Tới thời điểm này thì nhẩm lại kiến thức sẽ hiệu quả cao hơn nhiều là cố gắng "nhồi" kiến thức mức hay giải đề mới. Lúc này "hệ thống kiến thức" ta soạn trước đó sẽ cực kỳ giá trị.
Làm lại các dạng bài Thầy cô "dặn dò". Thầy cô là người có kinh nghiệm trong việc giảng dạy cũng như luyện thi nên những lời "dặn dò" thường rất có giá trị.
3. Khi làm bài thi
Đọc đề cẩn thận, làm theo thứ tự từ dễ tới khó. Làm câu dễ trước, câu khó sau; câu ngắn trước, câu dài sau (lưu ý là bài thi môn toán thường được xắp theo thứ tự độ khó tăng dần). Không được dừng quá lâu ở một câu, thấy ‘kẹt’ lập tức chuyển sang câu khác.
Làm bài cẩn thận. Vì các câu đều có số điểm như nhau là 0,2 nên nguyên tắc đặt ra là không được làm sai câu cơ bản. Cố gắng làm bài thi cẩn thận, làm đâu chắc đó vì thời gian làm bài chỉ 90 phút nên sẽ không đủ để kiểm tra lại. Tất nhiên chúng ta cũng phải luyện kỹ năng để có thể giải quyết nhanh các câu dễ, khi đó mới có đủ thời gian giải quyết các câu ở mức phân loại.
Không bỏ sót câu nào. Do bài thi không có quy định trừ điểm câu sai nên chúng ta nên điền tất cả các đáp án, kể cả trường hợp không biết lời giải. Điều này là đặc trưng của trắc nghiệm nên chúng ta cũng không phải ‘lấn cấn’.
(Theo Tuổi trẻ Online).