Bạn có năng lực vượt trội, bạn có kinh nghiệm trong lĩnh vực ứng tuyển, CV của bạn đẹp hơn biết bao đối thủ “nặng kí” khác thế nhưng bạn vẫn chỉ nằm trong danh sách chờ của nhà tuyển dụng. Đâu là lí do? Đừng vội lo lắng, hãy kiểm tra xem bạn có vô tình mắc phải những lỗi sau không và tìm cách khắc phục ngay nhé.
Bạn đã có một buổi phỏng vấn bạn cho rằng vô cùng thành công và chắc chắn đến 90% rằng bạn sẽ lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng. Nhưng đợi hoài, đợi mãi, đợi đến dài cổ nhưng những gì bạn nhận được là một chiếc email hồi âm mong muốn có cơ hội hợp tác lần sau từ công ty mơ ước. Nguyên nhân là do đâu? Đừng nghĩ rằng chỉ cần năng lực là bạn sẽ hoàn toàn vượt qua mọi đối thủ để bước chân vào vị trí ứng tuyển. Với nhà tuyển dụng, ngoài khả năng thì tác phong, lối ứng xử, kỹ năng mềm và nhiều vấn đề khác sẽ là nhân tố đánh giá thang điểm của bạn. Vì vậy, hãy xem lại trong buổi phỏng vấn vừa qua, bạn có vô tình gặp phải những sai lầm sau không nhé:
1. Đề cập ngay đến chế độ thưởng và ngày nghỉ
Thông thường, khi kết thúc buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn có điều gì còn thắc mắc hay muốn được giải đáp từ phía công ty. Đây là lúc bạn nên tạo cơ hội để làm rõ những vấn đề bạn giải thích mơ hồ trong những câu trả lời trước, hoặc tìm hiểu sâu về văn hóa doanh nghiệp thay vì đề cập trực tiếp đến chuyện lương bổng. Hãy hỏi những câu liên quan tới công việc ứng tuyển hay công ty như vị trí này cần bạn rèn luyện thêm các kĩ năng gì, phương hướng phát triển của công ty. Những câu hỏi mang tính tập thể sẽ giúp bạn ghi điểm hơn những yêu cầu cá nhân. Về vấn đề lương thưởng, bộ phận nhân sự sẽ làm việc với bạn sau này nếu bạn được lựa chọn.
2. Nhận xét tiêu cực về công ty hoặc lãnh đạo cũ
Dĩ nhiên bất kỳ ai cũng có một lí do cá nhân khi quyết định chấm dứt công việc với công ty cũ và tìm kiếm cho mình bến đỗ mới. Tuy nhiên, hãy cố gắng thể hiện sự tế nhị và tôn trọng nơi chốn cũ hết sức có thể khi bạn được nhà tuyển dụng hỏi đến. 75% nhà tuyển dụng cho biết nói xấu công việc cũ hoặc hiện tại là một sai lầm gây bất lợi nhất cho ứng viên khi đi tìm kiếm công việc. Điều này rất dễ làm bạn mất đi độ thân thiện và khả năng hòa hợp với công ty. Nếu được đề cập đến vấn đề nhạy cảm này, hãy thử lái câu chuyện của bạn sang chiều hướng tích cực hơn. Chẳng hạn, nếu bạn không làm việc tốt trong môi trường cũ, thay vì nhận xét về nơi cũ, hãy bày tỏ nguyện vọng bạn muốn làm việc trong một môi trường có văn hóa năng động, cởi mở hơn. Và đó là lí do bạn ứng tuyển vào công ty này.
3. Liên tục đưa ra những lời khen quá đà
Bạn mơ ước được bước chân vào công ty đã lâu và bạn muốn thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy bạn đam mê vị trí này như thế nào. Điều đó hoàn toàn tích cực nếu bạn biết cách trình bày một cách khéo léo hơn thay vì liên tục ca ngợi và bày tỏ sự ngưỡng mộ quá mức với công ty. Các nhà tuyển dụng có thể cho rằng bạn đang cố gắng xã giao để lấy lòng họ và điều này chẳng giúp ích cho bạn một chú nào. Do đó, lần tới thay vì dùng hết mọi từ ngữ để cảm thán lòng ngưỡng mộ của bạn, hãy thử kể một câu chuyện nhỏ chia sẻ một điểm mạnh ở công ty tạo động lực để bạn ứng tuyển vị trí này như thế nào. Những câu chuyện cá nhân và mang tính thực tế sẽ đem lại kết quả tiếp nhận tốt hơn.
4. Tác phong không phù hợp với tiêu chuẩn công ty
Có thể bạn rất tài năng nhưng những gì nhà tuyển dụng thấy đầu tiên lại là bề ngoài và cách bạn ứng xử. Do đó, ấn tượng đầu tiên khi phỏng vấn là vô cùng quan trọng. Nếu bạn bước vào phòng phỏng vấn với một quả đầu rối nùi, trang phục chểnh mảng hoặc kém lịch sự, hay thậm chí bạn còn chẳng buồn nở một nụ cười với các nhà tuyển dụng thì những gì bạn thể hiện ở phần sau đó đều bị bỏ ngoài tai. Một khi bạn đã gây mất thiện cảm trong lòng họ, dù bạn có tốt đến đâu thì nhà tuyển dụng cũng rất tiếc phải nói lời chia tay bạn. Hãy luôn chắc rằng bạn đã tìm hiểu kĩ về văn hóa công ty để lựa chọn trang phục cũng như lối ứng xử phù hợp.
5. Phô trương tài năng quá mức
Một ứng viên thể hiện vô cùng xuất sắc ở mọi mặt, thậm chí không chê vào đâu được nhưng vẫn nằm trong danh sách bị gạch tên. Bạn có biết lí do nằm ở đâu? Đó là vì bạn đang thể hiện quá nhiều kỹ năng không cần thiết. Nhà tuyển dụng không cần một nhân viên “biết tuốt” nhưng lại không đủ khiêm tốn. Họ thường cho rằng những cá nhân này sẽ rất khó tiếp thu và trao đổi trong công việc về sau, hay thậm chí cứng đầu với lỗi sai của mình. Đừng bao giờ phô bày chiều rộng kiến thức quá mức cần thiết (cho dù bạn hiểu biết nhiều đến đâu). Hãy đọc kĩ những kỹ năng công ty yêu cầu và chỉ đào sâu trong phạm vi này. Ngoài ra, bạn nên cố gắng thể hiện mình luôn lắng nghe và sẵn sàng tiếp nhận những điều mới. Cách ứng xử khéo léo này sẽ giúp bạn chiếm được thiện cảm tốt hơn trong lòng nhà tuyển dụng.
Đôi khi chỉ vì một vài những lỗi cơ bản hay khiếm khuyết nhỏ như trên, bạn vẫn rất dễ dàng bước vào “vùng nguy hiểm” và thậm chí chẳng bao giờ được nhà tuyển dụng gọi tên lần nữa. Hãy lưu ý các lỗi này để khắc phục và cải thiện cho những lần phỏng vấn sau. Nếu bạn cảm thấy mình chẳng có bất kỳ một điểm sai sót nào nhưng vẫn không được chọn, một phần nhỏ có thể là vì nhà tuyển dụng đang chờ đợi phản hồi từ một ứng viên được yêu thích hơn. Dĩ nhiên, bạn sẽ là lựa chọn thay thế nếu họ nhận được lời từ chối. Trong trường hợp này, hãy tiếp tục chờ đợi và tranh thủ tìm kiếm những cơ hội mới, nhà tuyển dụng sẽ không cho bạn biết thông tin rằng vị trí đó đã có người hay chưa cho đến khi nó được quyết định chính thức.
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam