Mã Trường

Mã Trường

Hướng Nghiệp

Ngành mới, nhu cầu tuyển dụng cao vắng thí sinh

Cập nhật 31/05/2019 - 09:21:26 AM (GMT+7)

Hiện nay các trường đại học có rất nhiều ngành mới, nhu cầu tuyển dụng cao trên thị trường lao động nhưng lại ít thí sinh để ý đến.

Thông tin số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH năm 2019 vào các trường ĐH trên hệ thống phần mềm đăng ký xét tuyển Bộ GD-ĐT vừa công bố cho thấy không có nhiều biến động so với mùa tuyển sinh năm trước.

Tuy nhiên, đáng chú ý là một số ngành mới, nhu cầu tuyển dụng cao lại... thiếu vắng thí sinh đăng ký xét tuyển.

Thống kê sơ bộ nguyện vọng đăng ký xét tuyển ở một số trường, những ngành "hot" của các trường tiếp tục được phần đông thí sinh lựa chọn.

Số nguyện vọng nhiều nhất rơi vào nhóm ngành máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật ôtô, công nghệ kỹ thuật cơ khí, điện - điện tử, công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, logistics, cơ điện tử, công nghệ thực phẩm, quản trị kinh doanh, khách sạn, du lịch, nhà hàng, ngôn ngữ Anh, luật...

Đại diện các trường cho biết thêm các ngành tỉ lệ việc làm và lương cao đều rất đông thí sinh chọn đăng ký nguyện vọng. Điều này cho thấy thí sinh ngày càng thực tế hơn trước khi đưa ra quyết định chọn ngành, học sinh thường tìm hiểu thông tin thị trường lao động, những ngành "hot" được truyền thông thường nhắc đến, được cho là thời thượng luôn được phần đông thí sinh ưu tiên lựa chọn.

Tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), ngành kỹ thuật ôtô có số lượng nguyện vọng tăng đột biến với 1.600 (90 chỉ tiêu). Đáng chú ý, Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) thu hút trên 21.000 nguyện vọng, trong đó ngành hút thí sinh nhiều nhất là công nghệ thông tin với 6.400 nguyện vọng. Trong khi ngành này chỉ có 100 chỉ tiêu cho tất cả các phương thức xét tuyển.

Theo TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang - phó hiệu trưởng nhà trường, hiện trường đào tạo rất nhiều ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, trong đó có chuyên ngành công nghệ thông tin, nhưng do thí sinh không hiểu rõ về các ngành học nên đổ xô vô đăng ký ngành này. Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh mới tìm hiểu sâu hơn về các ngành học rồi điều chỉnh nguyện vọng.

"Tất cả sinh viên các ngành của trường tốt nghiệp có thể làm phần mềm tại các công ty phần mềm. Nhiều người nghĩ tốt nghiệp ngành mạng máy tính thì chỉ làm về mạng. Như vậy là không đúng. Thực tế này đã xảy ra trong nhiều năm qua. Điều này cho thấy công tác hướng nghiệp cho học sinh hiện vẫn chưa hiệu quả, phần lớn các em không hiểu rõ về ngành nghề" - ông Khang nhận định.

Trong khi hiện nay các trường ĐH có rất nhiều ngành mới, nhu cầu tuyển dụng cao trên thị trường lao động nhưng lại ít thí sinh để ý đến. Bên cạnh đó, các ngành khoa học cơ bản, ngành khó tuyển những năm trước đến nay tiếp tục khó khăn, ít thí sinh lựa chọn.

Tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), các ngành sinh học, vật lý học, toán học, khoa học vật liệu, hải dương học, địa chất học... có rất ít thí sinh.

Tương tự, tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) rất nhiều ngành như nhóm ngành kỹ thuật địa chất/kỹ thuật dầu khí, nhóm ngành kỹ thuật môi trường/quản lý tài nguyên và môi trường, kỹ thuật vật liệu, kỹ thuật trắc địa bản đồ, kỹ thuật vật liệu xây dựng, vật lý kỹ thuật, cơ kỹ thuật và bảo dưỡng công nghiệp... số nguyện vọng 1 đăng ký cũng khá ít.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Thắng - trưởng phòng đào tạo nhà trường, những ngành này người học chưa biết đến nhiều dù cơ hội việc làm sau khi ra trường rất cao. Thời gian tới, Việt Nam sẽ có rất nhiều ngành nghề ở các lĩnh vực khác nhau cần lực lượng lao động lớn. Các ngành nghề sẽ chuyển đổi cùng với sự phát triển của công nghệ nhưng đều cần nhân lực chất lượng cao, cần người giỏi kỹ năng, có kỷ luật, đức độ và đặc biệt phải có hoài bão.

Điều quan trọng nhất đối với học sinh khi chọn ngành nghề là cần phải tìm hiểu kỹ và chọn trường nào phù hợp với năng lực học tập và hoàn cảnh gia đình. Cần trả lời các câu hỏi: sở thích là gì, muốn làm việc gì và mình có khả năng làm gì? Sau đó mới tìm hiểu thông tin thị trường lao động, dựa vào năng lực bản thân, hoàn cảnh gia đình rồi mới chọn trường.

Tăng cường hướng nghiệp

Nhiều chuyên gia đánh giá rằng dữ liệu đăng ký nguyện vọng vào ĐH năm nay vẫn chỉ ra thực tế phần lớn học sinh dù sắp bước chân vào ngưỡng cửa ĐH nhưng vẫn chưa biết cách chọn ngành nghề. Việc này tiếp tục đòi hỏi ngành giáo dục, các trường phổ thông cần thay đổi mạnh mẽ cách thức và tăng cường công tác hướng nghiệp cho học sinh để giúp các em tránh chọn sai ngành nghề.


Tin Nổi Bật