Mã Trường

Mã Trường

Nhu Cầu Nguồn Nhân Lực

7 giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực Việt Nam

Cập nhật 06/01/2015 - 09:41:17 AM (GMT+7)

PGS.TS Phạm Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực, Bộ GD&ĐT cho biết: Hiện nay, nhân lực Việt Nam có cơ hội rất lớn để tham gia vào quá trình phân công lao động khu vực và quốc tế. Nhưng để có được điều đó, chúng ta phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Nâng cao trình độ học vấn và kỹ năng lao động

Để thực hiện giải pháp này, PGS.TS Phạm Văn Sơn cho rằng, trước hết, từ Trung ương đến các địa phương, từ cơ sở giáo dục đến các doanh nghiệp cần quán triệt và thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Cụ thể, đổi mới GD&ĐT để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập.

Muốn vậy, phải xác định rõ mục tiêu đào tạo đối với từng cấp học, bậc học, trên cơ sở đó, phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh theo nhu cầu nhân lực của xã hội và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.

Cùng với đó, đổi mới cách dạy, cách học theo tiếp cận năng lực, tăng cường quản lý quá trình GD&ĐT theo tiếp cận năng lực, thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo.

Với giáo dục đại học, PGS.TS Phạm Văn Sơn cho rằng, cần tiến hành đổi mới từ khâu xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức tuyển sinh đến quản lý hoạt động đào tạo, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị để đổi mới phương pháp dạy học, gắn dạy lý thuyết với thực hành, đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo và kiểm định chất lượng để có những sản phẩm đào tạo có giá trị và phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động.

Cùng với đó, nên rà soát lại năng lực đào tạo của các trường ĐH, CĐ; quan tâm cải thiện chế độ lương, thu nhập khác, đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên, giáo viên cho phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu công việc; tạo cơ chế và động lực để họ yên tâm cống hiến cho sự nghiệp đào tạo.

Đồng thời, có chế độ và chính sách phù hợp để thu hút sinh viên học và sau khi tốt nghiệp yên tâm làm việc trong các ngành kinh tế, xã hội tại các vùng miền nhà nước đang có nhu cầu.

Khuyến khích lao động tự học

Giải pháp thứ hai, theo PGS.TS Phạm Văn Sơn, cần ban hành chế độ chính sách và tạo điều kiện cho lao động tham gia bồi dưỡng và tự học để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp;

Cần xây dựng và vận hành cơ chế hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. 

Đây là cơ chế rất quan trọng, phù hợp với việc đào tạo, phát triển nhân lực trong nền kinh tế thị trường đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện thành công.

Các cơ quan quản lý phát triển nhân lực thông qua cơ chế này để gắn kết nhà trường, người học và doanh nghiệp trong đào tạo, cung cầu nhân lực theo nhu cầu của thị trường lao động. 

Đồng thời, qua đó đánh giá thực trạng nguồn nhân lực để phối hợp tổ chức bồi dưỡng, nâng cao kiến thức nghề nghiệp và kỹ năng cho người lao động.

Gắn chiến lược phát triển nhân lực với phát triển KT-XH

Một giải pháp quan trọng, theo PGS.TS Phạm Văn Sơn là tập trung gắn kết việc xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực gắn với chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế; gắn quy hoạch phát triển nhân lực của mỗi bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đồng bộ với chiến lược, kế hoạch phát triển chung của đất nước.

Nên tổ chức điều tra khảo sát nhân lực hiên đang làm việc và nhu cầu nhân lực trong các năm tới của các ngành kinh tế, vùng miền để có định hướng trong việc phân bổ nhân lực hợp lý về trình độ, cơ cấu ngành nghề phù hợp quy hoạch phát triển nhân lực của địa phương, đất nước trong các giai đoạn.

Trọng nhân tài và xây dựng xã hội học tập

PGS.TS Phạm Văn Sơn cho rằng, hai giải pháp hết sức quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam là coi trọng việc phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng hợp lý nguồn nhân lực, trọng dụng nhân tài và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phải gắn với phát triển xã hội học tập.

Cụ thể, tiến hành phát hiện, bồi dưỡng, tuyển dụng, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài, phải vừa khai thác được chất xám của họ trong nghiên cứu, chế tạo, ứng dụng thành quả nghiên cứu, vừa khuyến khích họ tranh thủ học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng; từ đó, xây dựng đội ngũ cán bộ đầu ngành, chuyên gia giỏi ở các lĩnh vực, tổ chức, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, phương châm học tập suốt đời phải làm cho mỗi lao động thấu hiểu, tự giác, chủ động học tập; tạo điều kiện cho người lao động học tập, bồi dưỡng thường xuyên.

Đồng thời, thông qua các hình thức đào tạo không chính quy, tạo điều kiện để người lao động giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, cập nhật kiến thức và kỹ thuật công nghệ mới ở các trung tâm đào tạo trong nước và trên thế giới.

Cải thiện thông tin về thị trường lao động

PGS.TS Phạm Văn Sơn cho rằng, cần nhanh chóng hoàn thiện để đưa vào vận hành Hệ thống thông tin và dự báo nhu cầu nhân lực quốc gia; kết nối với các trung tâm dự báo và thông tin về cung, cầu nhân lực của các bộ ngành, tỉnh/thành phố.

Đầu tư nguồn lực xây dựng cơ sở dữ liệu một cách đầy đủ, chính xác, khách quan và minh bạch, tiến hành cung cấp kịp thời cho người lao động cũng như HSSV thông tin về đào tạo, nhân lực, việc làm và chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia, của các bộ ngành, địa phương…

Mở rộng hợp tác quốc tế

Nghiên cứu mô hình và kinh nghiệm đào tạo phát triển nhân lực trình độ cao thành công của các nước như Mỹ, Nhật Bản, CHLB Đức, Hàn Quốc… 

Tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo, các cơ sở sử dụng lao động và nhân lực trình độ cao tham gia giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Ký kết hợp tác giữa các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Việt Nam với các nước tiên tiến trong việc đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam.

Theo PGS.TS Phạm Văn Sơn, trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập, cạnh tranh và hướng tới nền kinh tế tri thức các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đều phải chú trọng đầu tư đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực chất lượng cao.

Để không tụt hậu xa so với trình độ chung của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, ngay từ bây giờ, chúng ta phải thực hiện đổi mới hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai, đồng thời, nghiên cứu tìm cơ chế, chính sách và giải pháp phù hợp để nhanh chóng nâng cao chất lượng nhân lực hiện có.

PGS.TS Phạm Văn Sơn khẳng định, đây là chiến lược quan trọng và lâu dài để hình thành và phát triển bền vững đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.


Tin Nổi Bật