Mở nhà sách online từ khi mới 13 tuổi, Ngô Vũ Thảo Quỳnh bước đầu gặt hái được những công. Cô quan niệm: “Hãy nổi loạn theo cách của bạn”.
Trở thành giám đốc từ… cái gật đầu
Ngô Vũ Thảo Quỳnh sinh năm 1999, học sinh lớp 10, trường THPT chuyên Hùng Vương (Bình Dương). Hiện tại, Quỳnh giữ vị trí giám đốc của cửa hàng sách online Rubikbooks.
Thảo Quỳnh đạt danh hiệu học sinh giỏi trong 9 năm liền, có niềm đam mê đọc sách, viết văn. Quỳnh chia sẻ: “Em hay đọc sách của những tác giả thế hệ cũ, thích nhất là nhà văn Nguyễn Tuân và Lưu Quang Vũ. Tác giả trẻ em thích bạn Minh Mẫn. Đây là người chuyên viết về gia đình và trẻ con rất giản dị chân thực như Nếu tôi là cha mẹ, tôi sẽ là cha mẹ của những đứa con”.
Thảo Quỳnh sáng lập nhà sách và trở thành giám đốc khi 13 tuổi.
Từ cô gái học lớp 8 rụt rè “ra đường thấy nhiều xe còn sợ”, Quỳnh nhất định đòi bố mẹ lên TP.HCM tham gia hội sách. Trong những buổi ngoại khóa, Quỳnh có cơ hội giao lưu cùng anh chị, bạn bè chung sở thích. Nhận thấy Quỳnh là cô gái tiềm năng, nhiều khát vọng, một người trong thế hệ đi trước hỏi: “Em có thích cùng mở một nhà sách không?”, Quỳnh gật đầu đồng ý.
Đó là bước ngoặt để cô bé 13 tuổi trở thành người đồng sáng lập nhà sách online, trở thành giám đốc ở lứa tuổi nhỏ.
Nhà sách được mở với số vốn ban đầu là 6 triệu đồng, hiện tại có 8 thành viên rải rác tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đà Nẵng. Họ đều là những con người thích kinh doanh, yêu sách, tự làm các công việc từ A đến Z. Ngoài việc đảm nhiệm chức vụ là giám đốc điều hành, Quỳnh còn phụ trách nhiều vai trò khác như tổ chức sự kiện, lo hình ảnh, quản lý nội dung và định hướng thương hiệu. Cô nàng tự học photoshop và các phần mềm chế bản khác để thiết kế poster, bìa sách...
Rubikbooks có nhiệm vụ chính là phân phối sách, đối tượng độc giả nhằm tới trong độ tuổi từ 13-28. Quỳnh vui vẻ cho biết: "Có lợi thế trẻ nên em thấy mình khá hiểu và gần với nhóm này".
Nhận xét về việc kinh doanh sách, Quỳnh chia sẻ: "Đây là thị trường cạnh tranh mạnh nhưng không khốc liệt. Quan trọng nhất trong việc kinh doanh sách là sự sáng tạo vô biên, không theo khuôn khổ. Theo em, điều khó nhất chính là cái tâm. Bởi nếu là người không thích sách thì sẽ không thể hiểu được bạn đọc yêu sách như thế nào, không thể làm lâu dài được".
Giám đốc "nổi loạn"
Thời gian đầu mới khởi nghiệp, Quỳnh trải qua nhiều khó khăn như bất đồng quan điểm trong nhóm, sự kiện tổ chức không thành công… Cô gái này nhớ lại: “Việc nhà sách, học tập và gia đình khiến đầu em như muốn nổ tung. Nhũng lúc ấy em không nghĩ được việc gì".
Đã có lúc Quỳnh chán nản, mệt mỏi và có ý định từ bỏ. Quỳnh kể lại: “Em tự hỏi mình tại sao phải chọn đường khó khăn mà đi cho nhức đầu? Em than vãn mệt mỏi nhưng hôm sau lại tỉnh bơ như thường, giống như việc người ta yêu nhau, cãi nhau thế thôi chứ yêu càng sâu đậm hơn”.
Lập nghiệp khi mới 13 tuổi, Quỳnh không được bố mẹ đồng ý bởi sợ ảnh hưởng đến việc học tập. Cô bày tỏ: “Bố mẹ không muốn em mạo hiểm khi còn trẻ”.
Nữ sinh 13 tuổi nổi loạn theo cách riêng của mình - cũng là quan niệm sống của cô. Thảo Quỳnh vẫn thường giấu bố mẹ lên TP.HCM họp hành, tổ chức các sự kiện về sách, theo học lớp viết văn để thỏa mãn niềm đam mê của mình.
Nhận xét về bản thân, cô gái này cho biết: “Em thấy mình quái dị, thỉnh thoảng điên điên nhưng khi cần lại rất quyết đoán. Mọi người thường nói em già trước tuổi".
Trải qua nhiều khó khăn, hiện tại nhà sách của Thảo Quỳnh đạt doanh thu mỗi tháng là 25 triệu đồng. Tuy mức thu nhập cho các thành viên không cao nhưng Quỳnh không đặt trọng vấn đề tiền bạc khi mới khởi nghiệp.
Trở thành giám đốc khi tuổi đời còn trẻ, Quỳnh không thấy thiệt thòi khi luôn có hậu phương vững chắc là gia đình, bạn bè và những người yêu quý dù chưa gặp gỡ. Cô luôn cố gắng suy nghĩ mọi chuyện theo cách đơn giản: “Chuyện gì qua rồi thì em ít nhớ đến, chuyện gì khó khăn ở hiện tại rồi cũng sẽ hết thôi”.
Cô gái tuổi 15 đang lên ý tưởng cho mô hình cafe sách tại TP.HCM và Hà Nội trong tương lai khi trưng bày các tác phẩm ảnh do Quỳnh chụp. Quỳnh cho biết, đây sẽ là nơi tổ chức những buổi giao lưu, ký tặng và tôn vinh sách: “Giữa quán có một tấm bảng to để khách có thể ghi tên cuốn sách mình yêu thích nhất".