Mã Trường

Mã Trường

Học - Thi -Tuyển sinh

Kinh nghiệm làm bài thi khối A, V

Cập nhật 03/04/2014 - 11:03:55 AM (GMT+7)

Để giúp thí sinh làm tốt bài thi, một số thầy cô giáo của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) đưa ra những gợi ý giúp thí sinh.

Theo thầy giáo Cao Xuân Hùng – Hiệu trưởng nhà trường, chuyên gia môn Toán: Theo quan sát nhiều năm qua cho thấy đề thi môn Toán không nhiều lý thuyết, chủ yếu là bài tập. Để làm tốt phần bài tập, thí sinh cần thuộc nhiều công thức, nắm chắc các dạng bài tập. Có nhiều cách giải, nhiều lối suy nghĩ để tìm đến đáp án, có những bài hóc búa, để tìm ra lời giải đòi hỏi phải qua nhiều bước, áp dụng nhiều công thức. Kinh nghiệm khi làm bài là phải giải phần dễ trước, phần khó sau. Quá sa đà vào các câu khó sẽ khiến mình không còn thời gian để hoàn thành các phần bài làm khác. Thí sinh nên giải trước ra nháp, chỉ khi chắc chắn đúng các bước giải thì mới làm vào giấy thi, cũng cần phải tránh tối đa việc gạch xóa trong bài thi gây mất thiện cảm cho người chấm.

Với môn Vật lý, theo thầy giáo Vũ Đức Thọ - Phó Hiệu trưởng, nhiều năm lãnh đội Vật lý - lượng kiến thức môn Lý rất rộng, để làm tốt bài thi, người học phải hiểu bản chất của vấn đề, thêm nữa còn là khả năng bao quát, tổng hợp vấn đề. Tuy rằng lý thuyết nhiều nhưng với người hiểu và ham thích Vật lý lại thấy nó rất thú vị và dễ học vì lý thuyết Vật lý luôn gắn liền với thực tế, đây cũng là cách học lý thuyết hiệu quả nhất. Để làm tốt bài thi, thí sinh cần lưu ý đọc và hiểu kỹ đề thi. Ở phần câu hỏi lý thuyết, nếu không đọc kỹ, thí sinh sẽ dễ bị mắc bẫy bởi những từ “hiểm”. Nếu không nắm chắc lý thuyết, chỉ cần hiểu sai một từ sẽ đưa ra lời giải sai. Thêm nữa, thí sinh cũng cần cẩn thận với nội dung câu hỏi dạng đan xen giữa bài tập với lý thuyết. Tuy những bài này ít tính toán nhưng lại đòi hỏi người làm phải có tính phát hiện, khả năng tổng hợp cao.

Kinh nghiệm làm bài thi khối A, V 1
Thí sinh dự thi môn Vẽ khối V vào Đại học Kiến trúc

Về kinh nghiệm làm bài thi môn Hóa học, lãnh đội tuyển Hóa học (có nhiều HS đoạt giải quốc gia và quốc tế) Trần Xuân Phú cho rằng: Đề thi ĐH, CĐ môn Hóa học luôn chia đều số lượng câu hỏi lý thuyết và câu hỏi bài tập. Môn Hóa liên quan đến nhiều loại chất, mỗi chất có nhiều tính chất khác nhau và đi cùng với nó là các công thức Hóa học. Nếu người học không nắm chắc các công thức này thì khó có thể giải bài được. Còn về lý thuyết Hóa, khác với môn Vật lý, câu hỏi lý thuyết Hóa thường hỏi thẳng vào vấn đề, điều này giúp người đi thi ít mắc sai lầm, nhưng để làm bài tốt rất cần nắm chắc lý thuyết. Thầy Phú cũng đưa ra cảnh báo khi làm bài thí sinh thường hay mắc lỗi do nhầm lẫn hoặc nhớ thiếu tính chất của chất hiếm gặp, đặc trưng. Để làm bài tốt, thí sinh cần phải nắm chắc được phần lý thuyết trong sách giáo khoa. Khi làm bài, nên đọc lướt qua đề và tìm những câu hỏi dễ, nằm trong khả năng của mình thực hiện trước. Tuyệt đối tránh việc sa đà vào những câu hỏi phức tạp, chỉ nên quan tâm tới những câu hỏi này khi còn thời gian.

Còn với môn thi Vẽ của khối V, nhiều thí sinh dự thi vào khối năng khiếu của các trường Kiến trúc, Mỹ thuật đưa ra lời khuyên: Khi làm bài thi Hình họa, cần phải xét tới bố cục toàn bài sao cho cân đối, hài hòa giữa hình với nền, giữa hình với hình; dùng sắc độ đậm nhạt của bút chì để thể hiện bề dày của khối, có chính, có phụ và sự tương tác của mẫu trong không gian; đảm bảo thấy được đầy đủ các chi tiết theo không gian xa, gần. Với bài thi Bố cục màu, cần thể hiện đúng chủ đề, đầy đủ thông tin của đề thi; cân đối hài hòa giữa hình với nền, không phạm quy, có nhịp điệu để dẫn hướng thị giác; màu sắc đậm nhạt rõ ràng, chính xác, thể hiện hài hòa các tông màu nóng - lạnh và có tông màu chủ đạo. Nhiều lưu ý được đưa ra, theo đó Vẽ là một môn nghệ thuật nên cần có sự sáng tạo, bài thi sẽ được đánh giá cao nếu các bạn thể hiện được cách nhìn riêng của mình. Thí sinh cũng cần nhận dạng chính xác đề thi để không vẽ lan man, sai chủ đề.


Tin Nổi Bật