Là thí sinh duy nhất trong cả nước đạt điểm tuyệt đối môn Địa lý trong kỳ thi ĐH năm trước, cựu học sinh trường THPT Lê Qúy Đôn (Đà Nẵng) Lương Thùy Vy chia sẻ những kinh nghiệm có thể đạt điểm cao môn này.
Mùa thi năm trước, Vy làm hồ sơ thi vào trường ĐH Luật TP HCM và trở thành thủ khoa khi đạt 26,5 điểm khối C. Hiện cô gái này đã thi đậu vào Chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng. Nói về kinh nghiệm để đạt điểm cao môn Địa, cô thủ khoa chia sẻ cách nắm lý thuyết, kỹ năng vẽ và nhận xét biểu đồ cũng như cách làm bài thi trong phòng thi.
Về lí thuyết, để nắm chắc kiến thức, Vy đã phân loại toàn bộ nội dung cần học từ tổng quát đến chi tiết và ngược lại. Theo Vy, trước khi học cần phải xác định được những nội dung chính và phụ của từng chương, từng bài.
Để không bị quên kiến thức Vy đã tập cho mình lối tư duy đồng tâm khái quát. Ví dụ, trong chương trình học, Vy phân loại thành Địa tự nhiên và xã hội. Trong đó, Địa tự nhiên bao gồm vị trí địa lý, khí hậu, địa hình, đất, sông ngòi, tài nguyên thiên nhiên...; Địa lý xã hội bao gồm lịch sử phát triển lãnh thổ, dân cư (dân số, chủng tộc...), các ngành kinh tế (nông, công nghiệp, dịch vụ...). Theo Vy, đây là cách phân loại đơn giản, dễ hiểu nhất.
Cô gái 'vàng' của Đà Nẵng với những thành tích học tập đáng nể. |
Phần đầu của chương trình học lớp 12 môn Địa phân tích các yếu tố tự nhiên - xã hội ở Việt Nam, đặc biệt là các ngành kinh tế trọng điểm của nông nghiệp, công nghiệp và ngư nghiệp. Còn phần sau đi vào phân tích các thành phần tự nhiên, xã hội, mạnh yếu của 7 vùng lãnh thổ khác nhau. Tuy nhiên, Vy khuyên các thí sinh không nên học tách rời hai phần này hay học tủ 7 vùng kinh tế mà nên nắm chắc cả hai phần vì chúng có thể bổ sung cho nhau. Phần 1 bổ sung cho phần 2 và ngược lại phần 2 chính là những minh chứng cụ thể cho phần 1.
"Khi đã nắm vững những khái niệm tổng quát nhất, các bạn nên tiếp tục đối chiếu với từng vùng, chú ý những thế mạnh yếu của từng vùng rồi so sánh ưu nhược giữa các vùng có nhiều tương đồng hay khác biệt về mặt tự nhiên hay KT - XH để vừa dễ nắm kiến thức vừa tập thói quen tư duy so sánh", nữ sinh cho hay.
Theo Vy, trước tiên cần phải nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa và tích lũy từ sách báo là thí sinh đã có thể thể nắm vững định hướng phần lí thuyết môn Địa. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, khi làm bài thi không nhất thiết phải viết nguyên văn diễn đạt trong sách giáo khoa mà chúng ta nên dựa trên cách hiểu của mình, mình có thể làm chủ ngòi bút, vận dụng uyển chuyển cũng cùng một nội dung kiến thức cho nhiều dạng đề khác nhau để có thể ghi điểm trong mắt giám khảo.
Về kĩ năng vẽ biểu đồ, Vy cho rằng đây là phần thi dễ ăn điểm nhất nếu các thí sinh chịu khó rèn luyện. Trong phạm vi các kì thi tốt nghiệp hay ĐH ,đề thi thường ra dạng vẽ biểu đồ tròn, cột, miền, đường hoặc biểu đồ kết hợp. Cách vẽ các dạng biểu đồ này được hướng dẫn rất cụ thể trong chương trình học. Tuy nhiên trong quá trình làm bài, cần phải xác định đúng dạng biểu đồ cần vẽ nếu không thí sinh sẽ "mất trắng" điểm câu này. Để có tốc độ vẽ nhanh thí sinh cần phải rèn luyện kỹ năng vẽ để tiết kiệm thời gian làm phần lý thuyết.
Để tránh gặp khó khăn trong việc đạt điểm tối đa câu hỏi nhận xét, phân tích, Vy thường chịu khó làm nhiều bài tập. Trước khi làm cần phải xác định được yêu cầu của đề; khi chỉ ra các con số trong biểu đồ chúng ta cần phải vận dụng các kiến thức lý thuyết đã học để nhận xét nguyên nhân có con số này và những hiện tượng địa lí có xu hướng tăng, giảm, biến động...
Trong những năm gần đây, đề thi khối C nói chung và đề Địa nói riêng thường mang tính chất mở. Do đó ngoài việc học các kiến thức trong sách giáo khoa, theo cô sinh viên trường Luật, cần có những hiểu biết về thời sự hằng ngày. Vy cho rằng nếu vận dụng được những kiến thức thời sự, bài thi sẽ được đánh giá cao hơn. Tuy nhiên không nên tham lam, khoe khoang kiến thức bằng việc viết thật nhiều những gì mình biết mà phải bám sát nội dung đề thi.
"Việc học môn Địa cũng sẽ hiệu quả hơn nếu các bạn kết hợp với Atlat, lối học giàu hình ảnh sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian cho việc học các tiểu tiết như phân bố của các loại khoáng sản, nhà máy điện, sông ngòi...", cô gái nói và cho biết môn Địa có sự liên kết chặt chẽ giữa việc học lý thuyết và thực hành thường xuyên. Ngoài kiến thức trong sách giáo khoa thì kỳ thi tuyển còn phân loại đánh giá thí sinh dựa trên khả năng phân tích, tổng hợp, đánh giá vấn đề của thí sinh. Muốn đạt điểm cao, cách tốt nhất là rèn cho mình những kỹ năng cần thiết.
Kiểm soát thời gian trong phòng thi là yếu tố vô cùng quan trọng - Cô thủ khoa cho rằng rằng cần phải thận trọng trong việc phân chia thời gian cho các câu hỏi dựa trên điểm số của từng câu. Câu nào dễ làm trước, khó làm sau để tận dụng triệt để quỹ thời gian cho phép. Để phân chia thời gian hợp lý, nên dành khoảng 15 phút đầu tiên để đọc tất cả các câu hỏi, vạch ra dàn ý đại cương cho câu hỏi rằng sẽ trả lời những ý gì. Nếu bỏ qua công đoạn này, khi làm xong các câu dễ đến câu khó, thí sinh sẽ không còn thời gian lập dàn ý. Lúc đó thường sẽ có tâm lý hoang mang, rất khó tập trung để suy nghĩ ra câu trả lời đúng nhất.
"Mỗi câu tôi cần phải xác định mình phải viết cái gì. Sau đó tôi phân chia thời gian cho từng câu và bắt đầu làm bài, khi hết thời gian cho mỗi câu tôi cố gắng chốt lại vấn đề thay vì tiếp tục tham lam ăn bớt thời gian của câu khác. Trong quá trình làm cũng có thể bạn sẽ nhớ ra những ý mới, ngay lập tức hãy viết nó ra giấy nháp sau đó sắp xếp nó nằm ở đâu trong bài thi", Vy chia sẻ.
Cách trình bày bài thi cũng là yếu tố để ghi điểm với giám khảo. Thí sinh không nhất thiết phải viết thật đẹp, song cần rõ ràng, dễ đọc. Cố gắng dùng ngôn ngữ phổ thông, hạn chế dùng tiếng địa phương vì có thể giám khảo không hiểu nghĩa. Trình bày bài thi rõ ràng, dễ hiểu.
"Để có kinh nghiệm làm bài thi các bạn cũng nên tham gia các kỳ thi thử và hãy đặt tâm lý như đi thi thật để biết được khả năng của mình. Tuy nhiên, không nên thi thử quá nhiều khi kiến thức còn non, nó sẽ tạo ra tâm lý mất tự tin mà thay vào đó hãy dành thời gian ôn tập lại những kiến thức đã học", Vy chia sẻ.