Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

“Giải cứu” trường ngoài công lập

Cập nhật 11/06/2013 - 09:53:25 AM (GMT+7)

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chủ trì phối hợp với Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập (NCL) tổ chức hội nghị 20 năm phát triển mô hình giáo dục NCL, nhất là đối với giáo dục ĐH, từ đó đề xuất với Thủ tướng những giải pháp cụ thể nhằm bảo đảm sự công bằng xã hội về cơ hội học tập, chính sách học bổng và học phí. Yêu cầu này có thể được coi như một động thái nhằm tìm ra những giải pháp giúp các trường NCL thoát khỏi tình trạng khủng hoảng như hiện nay.

 “Kêu cứu” lên Thủ tướng

Sở dĩ Thủ tướng phải trực tiếp chỉ đạo bởi Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ NCL đã không ít lần “kêu cứu” lên Thủ tướng về tình hình khẩn cấp của khối trường này. GS Trần Hồng Quân, chủ tịch hiệp hội, cho rằng các trường NCL đang gặp phải trở ngại không đáng có bởi những khoảng cách giữa lời nói và việc làm của cơ quan quản lý. Ngoài ra, đề án tuyển sinh riêng của 5 trường NCL đã gửi lên Bộ GD-ĐT nhưng vẫn chưa được trả lời dù sắp đến thời điểm tuyển sinh ĐH, CĐ 2013. Chưa hết, bộ cũng quy định trường phải tuyển được mỗi năm 200 sinh viên trở lên, ổn định trong 3 năm thì mới cho phép tiếp tục đào tạo cũng là một điều vô lý.
  
GS Trần Hồng Quân nêu ví dụ: Trường ĐH Tân Tạo có kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trên diện tích hơn 100 ha nhưng hiện mới tuyển được vài chục sinh viên/năm vì nằm ở vị trí không thuận lợi, chưa thu hút sinh viên chứ không phải do chất lượng đội ngũ và cơ sở vật chất yếu. Nếu đặt tiêu chí trường nào cũng phải tuyển 200 sinh viên trở lên, chắc chắn Trường ĐH Tân Tạo sẽ bị xóa sổ.
 
Đại diện của các trường NCL cũng cho rằng xã hội hiện nay vẫn nghĩ các trường NCL chỉ lo sao tuyển sinh cho được, ít người hiểu mục đích chính của các trường là tìm được phương án tuyển sinh thực sự khoa học, hợp lý, linh hoạt trên cơ sở đa tiêu chí. Do có rất nhiều loại trường, mỗi trường có sứ mạng xã hội, mục tiêu, nhiệm vụ riêng nên không thể cào bằng bằng cách tuyển sinh “3 chung”. Vì thế, quan điểm xuyên suốt của hiệp hội là đề nghị Bộ GD-ĐT cho thực hiện điều 34 của Luật Giáo dục ĐH về vấn đề tự chủ tuyển sinh. Bộ GD-ĐT chưa hướng dẫn thì Luật Giáo dục ĐH chưa phát huy hiệu quả dù đã chính thức có hiệu lực từ tháng 1-2013.
 
Đóng cửa: Nguy cơ có thật
 
Tuy nhiên, tháo gỡ khó khăn cho các trường NCL hoàn toàn không phải là bài toán dễ có câu trả lời. Kết quả giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội liên quan đến giáo dục ĐH mà Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa công bố cho thấy nhiều trường, trong đó có không ít trường NCL, đã đi vào hoạt động nhiều năm nhưng diện tích đất theo quy định vẫn còn rất thấp. Nhiều trường vẫn phải đi thuê cơ sở đào tạo ở nhiều địa điểm khác nhau, gây khó khăn rất lớn cho việc học tập của sinh viên.
 
Lại có những trường khi thành lập đưa ra nhiều hứa hẹn về đất đai, đầu tư cơ sở vật chất... nhưng sau khi đi vào hoạt động thì không thực hiện nổi. Trong khi đó, theo quy định, sau 3 năm kể từ năm 2010, các cơ sở giáo dục ĐH vẫn chưa có cơ sở riêng của mình thì phải giảm chỉ tiêu tuyển sinh, đình chỉ hoặc giải thể.

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục giảm chỉ tiêu tuyển sinh, đình chỉ mở ngành và đình chỉ hoạt động, sáp nhập, hạ cấp hoặc giải thể những cơ sở giáo dục ĐH sau nhiều năm hoạt động nhưng vẫn không thực hiện cam kết khi thành lập trường, không bảo đảm chất lượng đào tạo… Điều này cũng đồng nghĩa với việc các trường NCL ngày càng lâm vào thế khó.

Những ràng buộc chưa hợp lý

GSTrần Hồng Quân cho biết mặc dù đã có những ưu đãi về thuế nhưng kèm theo đó lại là những ràng buộc chưa hợp lý như quy định diện tích sàn phải là sở hữu của trường đã gây khó khăn cho các trường. Tiêu chí tỉ lệ giảng viên/sinh viên yêu cầu phải là giảng viên cơ hữu cũng đã dẫn đến tình trạng một số trường buộc phải vội vàng tuyển giảng viên mới ra trường thay vì thuê GS, TS của các trường khác về dạy.

Theo nld.com.vn


Tin Nổi Bật