Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Trường CĐ gặp khó vì liên thông

Cập nhật 09/05/2013 - 09:02:25 AM (GMT+7)

Số lượng hồ sơ đăng ký dự thi vào bậc CĐ tại nhiều trường ở TP.HCM năm nay giảm mạnh so với năm trước.

Trường CĐ gặp khó vì liên thông

Nhân viên Trường CĐ Bách Việt xử lý hồ sơ thí sinh gửi về. Cũng như nhiều trường CĐ khác, năm nay số lượng thí sinh đăng ký dự thi trường này giảm mạnh


Giảm đến hơn 40%

Năm ngoái, CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM là một trong những trường CĐ có lượng hồ sơ cao nhất tại TP.HCM - hơn 27.000, thế nhưng năm nay chỉ còn khoảng 18.500 - giảm gần 40%. Năm 2012 Trường CĐ Công thương TP.HCM nhận 26.000 hồ sơ, nay cũng chỉ có gần 15.000. Tương tự, Trường CĐ Tài chính hải quan cũng nhận được hơn 18.000 hồ sơ, giảm 3.000 so với năm ngoái.

Tại một số trường CĐ khác, tình hình cũng không khá hơn. Trường CĐ Bách Việt có khoảng 7.500 thí sinh đăng ký dự thi trong khi năm 2012 khoảng 10.500. Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Vinatex giảm 15%, Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức từ 9.000 hồ sơ năm ngoái giờ chỉ nhận được khoảng hơn 5.000...

Lý giải cho hiện tượng này, hầu hết lãnh đạo các trường CĐ đều có nhận định rào cản liên thông là nguyên nhân chính khiến lượng thí sinh đăng ký dự thi CĐ giảm hẳn.

Chỉ có một số rất ít trường đào tạo các ngành kỹ thuật hay sư phạm, số lượng hồ sơ mới tăng nhẹ, theo xu hướng chung của thí sinh là né khối ngành kinh tế vì sợ ra trường khó xin việc. Chẳng hạn, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng từ hơn 16.000 hồ sơ (năm ngoái) lên 19.400 trong năm nay. Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM tăng lên 6.300 hồ sơ. Ông Vũ Văn Hòa, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, cho rằng: “Tình hình kinh tế suy thoái, doanh nghiệp phá sản, ngân hàng giảm nhân sự… khiến thí sinh bắt đầu e ngại nộp đơn vào các ngành kinh tế như tài chính ngân hàng, kế toán, và quay trở lại với các ngành kỹ thuật để hy vọng dễ xin việc hơn”.

Đường vòng mất 7 năm rưỡi!

Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, phân tích: “Việc Bộ ban hành Thông tư 55 với quy định mới về liên thông gây những khó khăn nhất định khiến thí sinh không mặn mà với việc thi và học CĐ”. Ông Thành đưa ra phép tính: Nếu muốn “đi đường vòng” - học CĐ sau đó thi liên thông để lấy bằng ĐH - phải mất 7 năm rưỡi - một thời gian quá dài (3 năm học CĐ, 3 năm chờ đợi để thi liên thông và 1,5 năm học liên thông). Trong trường hợp tốt nghiệp CĐ muốn liên thông ngay lại phải tham dự kỳ thi ĐH như một thí sinh bình thường. “Như vậy, năm nay các em sẽ chọn thi ĐH, nếu trượt thà bỏ ra một năm tập trung ôn để năm sau thi lại, cơ hội đỗ còn cao hơn là học xong CĐ 3 năm lại bắt đầu thi ĐH để liên thông”, ông Thành nhận định.

Thạc sĩ Phan Thị Hải Vân, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Vinatex, cũng nhìn nhận: “Tâm lý của thí sinh và phụ huynh là dù thi ĐH hay CĐ thì phải có hướng phát triển dễ dàng trong tương lai, đó là có thể học lên bậc học cao hơn. Chính vì thấy “đường vòng” này quá khó khăn nên các em sẽ tìm cách để đi đường thẳng, dù năm nay có thể chưa đậu”. Bà Vân nhấn mạnh: “Bắt các em tốt nghiệp CĐ, trung cấp ôn thi ĐH lại từ đầu, không những làm khó thí sinh mà còn mâu thuẫn với việc phân luồng của Bộ GD-ĐT. Cuối cùng thì muốn có bằng ĐH, ai cũng phải thi ĐH, chứ không phải là ai có năng lực nào thì thi bậc học ấy, rồi sau này có điều kiện thì học lên cao hơn”.

Thạc sĩ Lê Ngọc Hóa, Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật TP.HCM, thừa nhận các năm trước nhờ việc ký kết hợp tác liên thông với Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, tạo điều kiện cho sinh viên tốt nghiệp các ngành Việt Nam học và quản lý văn hóa có thể liên thông lên ĐH dễ dàng, mà số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào 2 ngành này trong vài năm trở lại đây đông hơn hẳn. “Kể từ năm nay việc liên thông khó khăn, thí sinh chắc chắn sẽ phải cân nhắc nhiều khi quyết định thi CĐ” - ông Hóa cho biết. Còn tiến sĩ Lê Trung Đạo, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Tài chính hải quan, cho rằng quy định liên thông mới này đã gây sốc cho không ít thí sinh đang và sẽ học CĐ, đồng thời khiến hàng vạn sinh viên đang có ý định đi “đường vòng” để lấy bằng ĐH cảm thấy ngần ngại.

Buộc các trường vi phạm ngừng tuyển sinh, đào tạo

Bộ GD-ĐT đã có văn bản xử lý những vi phạm về liên kết, liên thông đào tạo của nhiều trường ĐH, CĐ, TC.

Theo kết quả kiểm tra của Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM,  Trường ĐH Công nghệ Vạn Xuân (Nghệ An) đã liên kết với Trường TC Tây Sài Gòn tuyển sinh, đào tạo liên thông trình độ TC, CĐ lên ĐH hệ chính quy ngành quản trị kinh doanh (địa điểm tuyển sinh và đào tạo tại Trung tâm dạy nghề Q.Bình Tân, TP.HCM) khi chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép và không có hợp đồng liên kết tuyển sinh và đào tạo giữa 2 trường. Bộ GD-ĐT yêu cầu 3 trường trên dừng thông báo tuyển sinh liên thông năm 2013 đối với những ngành chưa được phép và hoạt động liên kết đào tạo liên thông trái phép. Ngoài ra, Trường ĐH Công nghệ Vạn Xuân phải hủy kết quả thi của kỳ thi tuyển sinh ngày 21.4.2013 tại Trung tâm dạy nghề Q.Bình Tân và khắc phục hậu quả; chấm dứt việc đào tạo đối với các khóa đang liên kết liên thông trình độ TC, CĐ lên ĐH hệ chính quy tại Trung tâm dạy nghề Q.Bình Tân và đề xuất việc khắc phục hậu quả đối với số sinh viên nói trên theo hướng tự liên hệ chuyển sang cơ sở có đủ điều kiện để đào tạo.

Cũng theo Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, từ tháng 10 đến tháng 12.2012, Trường CĐ Asean đã liên kết với Trường TC Vạn Tường tuyển sinh, đào tạo liên thông trình độ CĐ dược khi không được UBND TP.HCM đồng ý. Bộ GD-ĐT yêu cầu 2 trường dừng thông báo tuyển sinh đào tạo liên thông năm 2013 và hoạt động liên kết đào tạo liên thông trái phép. Trường CĐ Asean rà soát, thống kê, báo cáo, đề xuất phương án xử lý đối với sinh viên theo hướng chuyển đến cơ sở có đủ điều kiện để đào tạo.

Các em sẽ chọn thi ĐH, nếu trượt thà bỏ ra một năm tập trung ôn để năm sau thi lại, cơ hội đỗ còn cao hơn là học xong CĐ 3 năm lại bắt đầu thi ĐH để liên thông.

Tiến sĩ TRẦN MẠNH THÀNH, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt

(Theo Báo Thanh Niên)


Tin Nổi Bật