Mã Trường

Mã Trường

Nghiên Cứu Khoa Học

Sức mạnh tiềm ẩn của máy bay không người lái Việt Nam

Cập nhật 07/05/2013 - 03:24:09 PM (GMT+7)

Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam thử thành công 3 trong số 5 mẫu phương tiện bay không người lái UAV. Vấn đề được dư luận quan tâm là khả năng ứng dụng những UAV này vào mục đích quốc phòng.

Không phải ngẫu nhiên mà các quốc gia như Mỹ, Israel, Nga, Trung Quốc… đều không tiếc tiền bạc để phát triển các UAV cho mục đích quốc phòng. Trong đó, Mỹ và Israel là 2 quốc gia duy nhất phát triển thành công các UAV có khả năng tấn công.

Với 3 mẫu UAV mới được Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam chế tạo thành công đều có khả năng ứng  dụng vào mục đích quốc phòng với từng nhiệm vụ cụ thể.

AV.UAV.MS1: Chiều dài 1,0 m; sải cánh 1,2 m; khối lượng tối đa 4 kg; tải có ích 1 kg, bán kính hoạt động 2 km, trần bay 200 m; tốc độ lớn nhất 70 km/giờ; thời gian hoạt động trên không: 1 giờ, có gắn camera chuyên dụng, cự ly truyền ảnh từ camera: 2 km.

Khối lượng nhỏ gọn, UAV MS1 rất thích hợp trang bị cho các đơn vị trinh sát luồn sâu, với bán kính hoạt động và truyền ảnh 2 km, MS1 có thể cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho đơn vị trinh sát về khu vực mục tiêu phía trước.

Chúng ta từng chứng kiến quân đội Mỹ sử dụng và khai thác các UAV trinh sát cỡ nhỏ cho các lực lượng đặc biệt ở Iraq, Afghanistan. Thật vui mừng vì ngày nay, quân đội nhân dân Việt Nam cũng sẽ có những phương tiện trinh sát hữu hiệu như vậy.

AV.UAV.S1: Chiều dài 1,80 m; sải cánh 2,70 m; khối lượng tối đa 12 kg; khối lượng tải có ích 1,5 kg; bán kính hoạt động 15 km, trần bay 3.000 m, động cơ 45 cm3, tốc độ lớn nhất 120 km/giờ, thời gian hoạt động trên không 2 giờ,  đường cất hạ cánh 50 m, có thể cất cánh bằng bệ phóng, hạ cánh bằng dù, truyền ảnh trực tuyến từ camera 15 km. 

Chỉ cần đầu tư trang bị hệ thống trinh sát hình ảnh quang - hồng ngoại như FLIR những UAV của Việt Nam ngay lập tức có thể phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng.

AV.UAV.S2: Chiều dài 2,60 m; sải cánh 3,20 m; khối lượng tối đa 45 kg; tải có ích 15 kg, động cơ 80 cm3; tốc độ lớn nhất 150 km/giờ; trần bay 3.000 m; đường cất, hạ cánh 200 m; có thể cất cánh bằng bệ phóng, hạ cánh bằng dù; thời gian hoạt động trên không 3 giờ.

UAV S2 có thể phục vụ cho mục đích trinh sát chiến trường tầm trung, với tải trọng hữu ích 15kg UAV này có thể trang bị hệ thống camera quan sát chuyên dụng. Với thời gian hoạt động liên tục 3 giờ S2 mang lại khả năng trinh sát trên khu vực rộng lớn.

AV.UAV.S3: Chiều dài 3 m; sải cánh 3,4 m; khối lượng tối đa 115 kg; khối lượng tải có ích 35 kg; bán kính hoạt động 70 km; trần bay 3.000 m; tốc độ nhanh nhất 180 km/h; thời gian hoạt động trên không tối đa 5h. 

AV.UAV.S4: Chiều dài 4,2 m; sải cánh 5,0 m; khối lượng tối đa 170 kg; khối lượng tải có ích 50 kg; bán kính hoạt động 100 km; trần bay 3.000 m; tốc độ lớn nhất 180 km/h; thời gian hoạt động trên không 6h; bay cả ban ngày và ban đêm.

Trong 5 mẫu UAV trên, S3 và S4 có tính ứng dụng cho mục đích trinh sát tầm xa hữu hiệu nhất, tải trọng hữu ích lớn 2 mẫu UAV này có thể trang bị những hệ thống trinh sát chiến trường chuyên dụng như FLIR SSIQM trọng lượng 13,3 kg, hệ thống  này có khả năng cung cấp hình ảnh với độ phân giải rất cao bất kể ngày đêm. Hệ thống này có đơn giá 13.300 USD. Đây là sự bổ sung khả năng chiến đấu ban đêm tuyệt vời cho bộ đội ta.

Việc chế tạo và bay thử nghiệm thành công UAV của Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam đã thực hiện được 50% công việc cho ứng dụng vào quân sự. Ngoài ra, Viện kỹ thuật phòng không - không quân đã có rất nhiều kinh nghiệm chế tạo UAV làm mục tiêu bay cho lực lượng phòng không. Nếu kết hợp 2 đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực chế tạo UAV và đầu tư thêm các hệ thống chuyên dụng những UAV này hoàn có thể thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng trong thời gian sớm.

Theo Infonet


Tin Nổi Bật