Từ trao đổi thân tình cho tới tạo cơ hội sửa chữa, nếu đồng nghiệp lười biếng của bạn vẫn “chây lì”, thì đó là lúc bạn nên báo cáo với sếp.
Một nghiên cứu mới đây đã phát hiện thấy rằng, có tới 93% nhân viên ở Mỹ được hỏi cho biết họ bị kìm hãm bởi một đồng nghiệp lười nhác. Kết quả này cho thấy, những nhân viên lười đang có mặt ở hầu như tất cả mọi công sở. “Đặc điểm nhận diện” chung của những nhân vật như vậy là hay đi muộn, nhác việc, gây cản trở cho những người cùng làm.
Đôi khi, bạn đã cố gắng để phớt lờ tay đồng nghiệp lười nhác, nhưng anh/cô ấy không khác gì một “mảng bám” dính chặt vào sự nghiệp của bạn. Kết quả:
- Bạn không thể tập trung vào công việc của bạn như bạn muốn.
- Bạn không còn được người khác nể trọng và tin tưởng.
- Bạn cũng có thể bị “lây” phong cách làm việc lười nhác, tinh thần làm việc của bạn trở nên sa sút.
Nếu một đồng nghiệp lười thực sự đang cản trở cơ hội phát triển sự nghiệp của bạn, đã đến lúc bạn phải giải quyết trở ngại này. Nhưng hãy xác định ngay từ đầu, đây không hề là một việc đơn giản.
Thứ nhất, bạn không phải là sếp của tay đồng nghiệp lười. Và thứ hai, bạn có thể vấp phải sự phản kháng từ vị đồng nghiệp không hề dễ chịu này. Nghiên cứu của hãng Viral Smarts cũng chỉ ra rằng, chỉ có 1/10 số nhân viên phải làm việc cùng đồng nghiệp lười chịu lên tiếng, cho dù đồng nghiệp lười khiến họ phải làm việc thêm 4-6 giờ trong mỗi tuần.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, có 4 bước cần thiết mà bạn nên thực hiện để gỡ bỏ rào cản sự nghiệp mang tên “đồng nghiệp lười”:
1. Nhắc nhở nhẹ nhàng: “Tôi nhận thấy là anh/chị sao nhãng trong công việc đấy!”
Bà Dianne Sikel, chiến lược gia về xây dựng doanh nghiệp gợi ý bước này. Bà Sikel cho rằng, một lời nhắc nhở như vậy có thể khiến đồng nghiệp lười phải xem xét lại và thay đổi hành vi. Bạn có thể nói: “Liệu có điều gì mà anh/chị đang băn khoăn và cần trao đổi không? Anh/chị biết đấy, chúng ta làm việc cùng nhau, nên có ảnh hưởng nhiều đến nhau. Tôi sẵn sàng lắng nghe nếu anh/chị cần một người bạn”.
Đề nghị trở thành một người bạn với đồng nghiệp lười là cách hiệu quả để tránh những lời buộc tội, đồng thời để thăm dò xem anh/cô ấy có cởi mở về lý do không chịu làm việc tích cực. Cuộc trao đổi này cũng sẽ giúp đồng nghiệp lười nhận ra rằng anh/cô ấy đang… lười trong trường hợp anh/cô ấy không nhận thức được việc bản thân là một người lười nhác.
2. Chia sẻ thực tế và miêu tả khoảng cách
Nếu đồng nghiệp lười của bạn không muốn trở thành một người bạn như đề nghị của bạn, đã đến lúc bạn đưa ra luật lệ một cách rõ ràng. Hãy nói với anh/cô ấy về những gì mà anh/cô ấy đang thiếu sót, nhưng đừng quá gay gắt.
Theo ông Joseph Grenny, đồng tác giả cuốn sách bán chạy “Crucial Confontations” của New York Times, để làm được việc này mà không tạo không khí đe dọa hay cáo buộc, thì bạn “đừng bắt đầu bằng cách đi sâu vào vấn đề”. Hãy giữ thái độ thoải mái và nói về những mục tiêu chung.
“Hãy bắt đầu bằng những sự thật về vấn đề. Tuyệt đối không dùng những ngôn từ mang tính buộc tội, đánh giá gay gắt. Sau đó, mô tả khoảng cách giữa những gì kỳ vọng và những gì đã đạt được”, ông Grenny đưa ra lời khuyên.
3. Cho đồng nghiệp lười một cơ hội để chia sẻ cách nhìn
“Hãy hỏi xem đồng nghiệp lười của bạn có cách nhìn nhận khác về vấn đề hay không. Nếu bạn cởi mở với quan điểm của người khác, thì họ cũng sẽ cởi mở hơn với bạn”, ông Grenny nói. Trong trường hợp này, không chỉ bạn nói với anh/cô ấy, mà là một cuộc trao đổi hai chiều.
4. Báo cáo với sếp
Nếu ba bước giải quyết “tình cảm” trên không đem lại kết quả gì, thì đây là lúc bạn báo cáo vấn đề lên sếp.
Nhưng theo bà Kelly Walsh, Giám đốc công ty tư vấn 1SmartLife, đừng trình bày vấn đề theo kiểu than vãn “tôi đang làm việc nhiều hơn”. Thay vào đó, bạn hãy nói đại loại như “tôi đang làm việc 60h mỗi tuần. Tôi đã nói với Joe và cậu ấy vẫn chưa hỗ trợ tôi. Tôi lo rằng, mình không thể hoàn thành công việc một cách tốt nhất”.