Giáo sư (GS) Andreas Foeldenyi được mời thỉnh giảng tại nhiều trường đại học (ĐH) ở Thụy Sĩ. Hiện ông là Giám đốc điều hành của Trung tâm Giới thiệu giáo dục Thụy Sĩ (Centre for Swiss Education) tại TP.HCM. Trong chuyến công tác đến TP.HCM mới đây, ông đã chia sẻ với Báo Phụ Nữ về quan điểm hướng nghiệp hiện đại.
* Trường học ở Thụy Sĩ đã làm gì để định hướng nghề nghiệp cho học sinh (HS), thưa GS?
GS Andreas Foeldenyi: Có rất nhiều công việc liên kết với nhau, nhưng rõ nhất là khi còn học phổ thông, HS được giao các dự án để cùng thực hiện. Khi nhận dự án, các em sẽ chia nhau đến các nhà máy, nông trại và những nơi cần phải đến để tìm hiểu, nghiên cứu thực tế rồi viết báo cáo. Công việc này được xem là hoạt động ngoại khóa và thực hiện thường xuyên.
Thứ nữa, ở Thụy Sĩ có chương trình “giáo dục đôi” - vừa học vừa làm. Chương trình này có sức hút rất lớn, không chỉ với HS tại Thụy Sĩ, mà còn cả với HS của nhiều nước. Nói cho dễ hiểu là sau khi học xong chương trình giáo dục bắt buộc (16 tuổi), chỉ có 20% HS xuất sắc chọn con đường học tiếp 3,5 năm nữa để vào ĐH, 80% còn lại sẽ vào học chương trình “giáo dục đôi” kéo dài từ ba - bốn năm tùy ngành nghề. Trong thời gian này, trung bình cứ một ngày học lý thuyết tại trường thì HS có ba ngày thực tập, làm việc tại các nhà xưởng, công ty, xí nghiệp một cách nghiêm túc và được trả lương. Sau khi hoàn tất chương trình này (19 - 20 tuổi), HS đã có tay nghề rất vững, đi làm ở đâu cũng được. Triết lý để Thụy Sĩ lập ra chương trình “giáo dục đôi” là: nếu tất cả đều học cử nhân thì sẽ không có ích gì cho đất nước, không hỗ trợ được gì cho thị trường lao động, nhiều cử nhân sẽ phải quay lại học nghề bởi không có nền kinh tế nào lại cần toàn bộ lao động có trình độ cử nhân!
* Chọn lựa ngành nghề là vấn đề đang được đông đảo phụ huynh và HS Việt Nam quan tâm. Theo ông, những yếu tố nào là quan trọng khi chọn lựa ngành nghề tương lai?
- Câu trả lời của tôi e rằng sẽ không phù hợp với các bạn Việt Nam. Theo tôi, điều quan trọng là phải chọn được đúng trường để theo học. Ở Thụy Sĩ có rất nhiều trường để lựa chọn, còn ở Việt Nam không biết các bạn trẻ có dễ dàng chọn một trường đúng như ý mình không. Con trai út của tôi sức học khá khiêm tốn. Học gần hết chương trình giáo dục bắt buộc, cháu than thở vì không biết chọn trường nào. Sau khi cùng bàn bạc với tôi, cháu quyết định chọn nghề nấu bếp của chương trình “giáo dục đôi”. Trong những trường hợp ấy, nếu ép con vào học ĐH thì liệu có kết quả gì không? Sao lại nghĩ học nghề sẽ chẳng ra gì, dù biết nếu cứ học ĐH thì cũng không đóng góp được gì cho xã hội!
* Theo ông, Việt Nam phải làm gì để thay đổi sự mất cân đối giữa đào tạo ĐH và đào tạo nghề?
- Ở Thụy Sĩ, việc chọn đi học nghề chẳng có gì là xấu hổ mà chỉ là sự lựa chọn phù hợp, các ngành nghề đều được tôn trọng như nhau và đều do nhà nước quảng bá. Nếu ta cứ quảng bá cho ĐH thì mọi người sẽ đổ vào ĐH, dù họ thích làm nghề! Nghĩa là, muốn cho HS quan tâm đến mảng giáo dục nghề nghiệp thì phải có chiến lược quảng bá cho nó, trong đó phải nêu bật được tinh thần: khi ta không đủ năng lực để làm những công việc có tính nghiên cứu học thuật mà cố học lên ĐH thì bằng ĐH ấy sẽ không xứng đáng với tầm vóc lẽ ra phải có. Hãy tìm một hướng đi khác để phục vụ xã hội được tốt hơn. Nếu làm tốt mảng giáo dục nghề nghiệp sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho xã hội. Ví dụ, sau phổ thông, không vào được ĐH các em nữ sinh sẽ đi học nghề để ổn định công việc và tìm kiếm cơ hội thăng tiến thay vì chỉ ở nhà lấy chồng, sinh con, rồi bị chồng xem thường, thậm chí là đánh đập… Sự ảnh hưởng tốt của đào tạo nghề đối với sự ổn định và phát triển xã hội là quá rõ ràng. Tỷ lệ thất nghiệp tại Thụy Sĩ hiện nay là 3%, trong khi ở nhiều nước châu Âu tỷ lệ này là 30%, thậm chí 50%.
* Có một thực tế hiện nay là đông đảo các bạn trẻ tập trung thi vào ngành kinh tế. Sự chọn ngành nghề theo “trào lưu” đó liệu có tốt không?
- Có “trào lưu” đổ xô vào kinh tế vì cả xã hội, cha mẹ, bạn bè và chính bản thân các bạn trẻ ấy đều tin rằng phải học kinh tế mới thành công. Tuy nhiên, thực tiễn xã hội lại luôn cần đến nhiều ngành nghề. Điều này, có thể sẽ dẫn đến nhiều bạn trẻ sẽ thất nghiệp, không đóng góp được gì cho xã hội trong tương lai. Tôi xin nhắc lại cụm từ “đóng góp được gì cho xã hội” bởi ở Thụy Sĩ người ta xem trọng việc phải có việc làm để giúp cho xã hội phát triển. Điều này tốt hơn rất nhiều so với việc có bằng ĐH nhưng phải đi lái tắc xi, đi bán vé sở thú hay đi làm bảo vệ…
* Theo ông, có gì khác biệt giữa định hướng ngành nghề cho nữ sinh và nam sinh?
- “Ngành này là của nam, không phải của nữ giới, nữ giới không nên vào” là một lối suy nghĩ đã cũ. Theo tôi, không có sự phân biệt nào trong việc chọn ngành nghề giữa nam và nữ. Tất nhiên, có những ngành đòi hỏi nhiều sức lực cơ bắp, như nghề xây dựng chẳng hạn, thì phụ nữ không nên vào; còn những ngành nghề khác thì không có điều gì phải phân biệt. Tại nhiều nước trên thế giới chúng ta dễ dàng thấy rất nhiều chuyến bay do phụ nữ điều khiển. Lương của các nữ phi công cũng bằng với các đồng nghiệp nam. Tại sao phụ nữ lại không thể làm thuyền trưởng, lái tàu, lái xe bus hay làm cảnh sát?
* Xin cảm ơn GS.
(Theo Báo Phụ Nữ)