Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Văn phòng chủ tịch nước giám sát giáo dục đạo đức học sinh

Cập nhật 18/04/2013 - 08:56:33 AM (GMT+7)

Có những bài học đạo đức hoặc giáo dục công dân quá khó và xa lạ với học sinh buộc thầy cô phải linh hoạt điều chỉnh. Nhiều vấn đề tiêu cực, sự bất ổn trong môi trường gia đình là những nguyên nhân tác động tới suy nghĩ, lối sống của học sinh hiện nay.

Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo Sở GD- ĐT với học sinh THPT tại TP.HCM ngày 22-3, nhiều học sinh cho rằng thiếu hẳn những giờ học kỹ năng sống trong trường học. Trong ảnh: Một học sinh trao đổi với lãnh đạo sở tại buổi đối thoại


Tại buổi đoàn công tác của Văn phòng Chủ tịch nước làm việc về vấn đề giáo dục đạo đức học sinh tại Sở GD-ĐT và Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hà Nội sáng 17-4, ông Nguyễn Chí Thành, trợ lý của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, cho biết đoàn công tác của Văn phòng Chủ tịch nước đã thực hiện đợt giám sát về giáo dục đạo đức học sinh ở 10 tỉnh, thành.

Ngày 17 và 18-4 tiếp tục làm việc với Sở GD-ĐT Hà Nội và một số trường phổ thông tại đây. Chương trình sẽ được thực hiện ở 4 tỉnh, thành nữa.

Bên cạnh đó Văn phòng Chủ tịch nước cũng đề nghị 30 tỉnh, thành khác gửi báo cáo về vấn đề giáo dục đạo đức học sinh.

Ông Thành cho biết thêm trong nhiều vấn đề cần bàn ở giáo dục phổ thông, theo chỉ đạo của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, giáo dục đạo đức học sinh trong bối cảnh hiện nay cần phải được quan tâm trước.

Thiếu chương trình giáo dục kỹ năng sống

Một số thầy cô cũng có chung quan điểm với các chuyên viên phụ trách giáo dục đạo đức của Sở GD-ĐT Hà Nội trong nhận xét: Chương trình -  sách giáo khoa phổ thông còn ôm đồm, không cập nhật thực tế, không hấp dẫn học sinh.

Có những bài học đạo đức hoặc giáo dục công dân quá khó và xa lạ với học sinh buộc thầy cô phải linh hoạt điều chỉnh. Nhiều vấn đề tiêu cực, sự bất ổn trong môi trường gia đình là những nguyên nhân tác động tới suy nghĩ, lối sống của học sinh hiện nay.

“Chúng tôi đã nghĩ nhiều về việc học sinh trong các nhà trường hiện nay phải học nhiều thứ quá nhưng lại thiếu một chương trình giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống do Bộ GD-ĐT thẩm định. Trên thực tế có nhiều phụ huynh phàn nàn về lạm thu trong nhà trường nhưng vẫn sẵn sàng bỏ 5-7 triệu đồng cho con đi học một học kỳ quân đội hay một khóa học kỹ năng sống, điều đó cho thấy nhiều người nhìn thấy những thiếu hụt mà con trẻ đang gặp phải. Trong khi nhà trường lại chưa thể lấp đầy khoảng trống này” - ông Nguyễn Hiệp Thống, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, chia sẻ. Ông Thống cũng bày tỏ mong muốn có cơ chế để bổ sung đội ngũ cán bộ tư vấn tâm lý trong trường.

“Đã có một học sinh tìm tới chúng tôi. Em kể rằng bố mẹ ly dị, mẹ coi bố như kẻ thù và luôn kể về bố như một người độc ác, tàn nhẫn… Mẹ khắt khe với em từ cách ăn mặc tới những thứ khác nhưng mẹ lại sống phóng túng, cặp bồ với người khác. Em rất buồn và muốn tự tử".

TS Phạm Mạnh Hà, khoa tâm lý Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn - ĐH Quốc gia Hà Nội, đã kể về một tình huống mà văn phòng tư vấn tâm lý do ông phụ trách gặp phải.

Mô hình phòng tư vấn tâm lý ở Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hà Nội) đã được đoàn công tác của Văn phòng Chủ tịch nước quan tâm khi các cán bộ tâm lý phụ trách cho biết đã giúp nhiều “ca khó”.

Có rất nhiều điều các em học sinh không dám nói với thầy cô, cha mẹ nhưng lại chia sẻ ở phòng tư vấn tâm lý.

Tuy nhiên TS Hà cũng cho biết: “Phòng tâm lý có mở được hay không còn lệ thuộc vào quan điểm của người quản lý giáo dục. Đến nay Hà Nội mới có duy nhất 1 trường công lập mở được văn phòng này với sự giúp đỡ của khoa tâm lý ĐH Khoa học xã hội & nhân văn.

Ông Nguyễn Chí Thành đã đề nghị gửi toàn bộ thông tin báo cáo về mô hình trên về Văn phòng Chủ tịch nước để nghiên cứu và có thể chỉ đạo nhân rộng. Ông Thành cũng cho biết cuối tháng 5 tới sẽ mở một hội nghị chuyên đề và những vấn đề thu thập trong đợt giám sát cùng nội dung báo cáo ở 45 tỉnh, thành sẽ được đưa ra bàn bạc.

(Theo Báo Tuổi Trẻ)


Tin Nổi Bật