Mã Trường

Mã Trường

Nhu Cầu Nguồn Nhân Lực

Dịch vụ việc làm - nhu cầu ngày càng tăng

Cập nhật 12/04/2013 - 01:00:00 AM (GMT+7)

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu về LĐ cũng ngày càng cao và đa dạng hơn. Ngành dịch vụ việc làm, mặc dù còn khá non trẻ ở VN, đang góp phần không nhỏ trong việc kết nối cung - cầu của thị trường LĐ.

Bên cạnh dịch vụ truyền thống là giới thiệu việc làm, nhiều dịch vụ mới cũng được các DN dịch vụ việc làm đưa ra để hỗ trợ khách hàng, trong đó đáng chú ý nhất là dịch vụ cung ứng nhân lực theo hợp đồng khoán việc.

Kết nối cung cầu Lao Động

Mặc dù đã phát triển khá mạnh ở các quốc gia phát triển, dịch vụ nhận khoán việc trong ngành dịch vụ việc làm tại VN còn khá mới. Khác với khái niệm khoán trong các giao kết hợp đồng kinh tế khác, khoán việc (task-based outsourcing) là một loại hình hợp đồng dịch vụ, theo đó một DN giao cho một đơn vị cung ứng nhân sự đảm nhận một hoặc một số vị trí công việc không thường xuyên trong DN trong một khoảng thời gian ngắn. Như vậy, đơn vị cung ứng nhân sự trong trường hợp này đóng vai trò là cầu nối giữa cung và cầu LĐ.

Đối với các dự án hoặc các giai đoạn khởi động công việc kinh doanh, dịch vụ này là lựa chọn lý tưởng cho DN, cho phép DN sử dụng LĐ có kỹ năng phù hợp trong một giai đoạn cố định, mà không phải tuyển dụng LĐ toàn thời gian và bố trí công việc mới cho lực lượng LĐ này khi dự án kết thúc.

Về phía NLĐ, dịch vụ này giúp họ có cơ hội được làm công việc phù hợp với năng lực chuyên môn, nâng cao trình độ khi bản thân chưa có được các kỹ năng cần thiết để tìm kiếm một vị trí công việc cố định.

Ví dụ, DN X cần có một nhân viên lễ tân trong thời gian 4 tháng thay cho một nhân viên nghỉ sinh con. Thay vì tuyển một nhân viên lễ tân, DN X có thể ký hợp đồng với một Cty dịch vụ việc làm Y.

Cty Y sẽ cử một nhân viên lễ tân có đầy đủ các kỹ năng theo yêu cầu đến làm việc trong DN X trong khoảng thời gian hợp đồng. Hết thời gian đó, nhân viên lễ tân này có thể được bố trí một công việc tương tự ở DN Z là một khách hàng khác của Cty Y, thay vì rơi vào tình trạng thất nghiệp.

Về phía cầu LĐ, người sử dụng LĐ, thay vì phải tiêu tốn thời gian và chi phí cho quá trình trực tiếp tìm kiếm, tuyển dụng, quản lý nhân viên trong ngắn hạn hoặc cho các vị trí bán thời gian, mà không chắc chắn sẽ thành công, DN có thể yêu cầu một Cty dịch vụ việc làm cung cấp nhân viên đảm nhận các vị trí này.

Đây là cách tiếp cận mang tính chiến lược cho phép các DN tiết kiệm được chi phí giao dịch, thời gian cho hoạt động tuyển dụng, thời gian thử việc, và có được lực lượng LĐ có thể điều chỉnh linh hoạt theo nhu cầu, thời vụ.

Nhu cầu khá lớn

Mặc dù còn khá mới mẻ, nhưng nhu cầu về dịch vụ này ở VN khá lớn. Trở ngại lớn nhất là nhận thức của NLĐ về vai trò của Cty dịch vụ việc làm đối với cơ hội nghề nghiệp của họ. Do đặc thù của loại hình dịch vụ, NLĐ ký hợp đồng với một Cty nhưng lại làm việc dưới sự giám sát của một Cty khác.

Trong mối quan hệ đó, không tránh được tình trạng NLĐ đôi khi cảm thấy không thực sự gắn bó với Cty mà họ ký hợp đồng. Trong một số trường hợp, NLĐ tìm đến Cty khách hàng hoặc bên thứ ba để phản ánh những vấn đề cá nhân hoặc công việc mà mình quan tâm, thay vì trao đổi thông tin trực tiếp với đơn vị trực tiếp ký hợp đồng lao động.

Điều này dẫn đến tình trạng sai lệch thông tin và làm chậm quá trình xử lý thông tin và giải quyết vấn đề. Khi thông tin được phản ánh trực tiếp tới Cty dịch vụ việc làm, các vấn đề quan tâm của NLĐ có thể được giải quyết triệt để, nhanh chóng, đảm bảo lợi ích cho tất cả các bên.

Theo Manpower Việt Nam -  Cty 100% vốn nước ngoài đầu tiên hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ việc làm - quy mô cung cấp dịch vụ của Cty mới ở mức thí điểm. Bà Nguyễn Kiều Linh - TGĐ Manpower Việt Nam - cho biết, để thực hiện tốt loại hình dịch vụ này, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, cần tăng cường trao đổi thông tin và nâng cao hiểu biết pháp luật cho NLĐ, đồng thời hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chức năng để được cập nhật các văn bản chính sách mới ban hành.

“Ngoài ra, cần thường xuyên báo cáo để được hỗ trợ tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách. Về khía cạnh này, Manpower Việt Nam đang phối hợp rất chặt chẽ với Bộ LĐTBXH để  thực hiện” - bà Linh nói.

Cũng theo bà Linh, được đánh giá là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài, trước mắt VN đang đối diện với tình trạng thiếu LĐ có kỹ năng. Tuy nhiên, ngành dịch vụ việc làm ngày càng trở nên quan trọng trong việc cải thiện hoạt động của thị trường LĐ bằng cách tạo thuận lợi cho việc kết nối giữa cung và cầu LĐ, đảm bảo sự chuyển tiếp của LĐ tạm thời lên các cấp độ cao hơn, mang lại thêm cơ hội đào tạo và việc làm cho nhiều người hơn. Đây là một điều kiện thuận lợi cho VN trong dài hạn.

(Theo Báo Lao Động)


Tin Nổi Bật