Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Nên hạ điểm sàn chứ không để 2 sàn!

Cập nhật 10/04/2013 - 09:00:06 AM (GMT+7)

Không nên có 2 mức điểm sàn, chỉ nên có một mức sàn và có thể hạ điểm sàn xuống để có trường tuyển sinh được. Nhiều lãnh đạo trường ĐH “tốp trên” đã chia sẻ như vậy với dự thảo 2 mức điểm sàn mà Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến.

Điểm sàn của Bộ GD-ĐT hàng năm đưa ra không ảnh hưởng gì tới nhiều trường đại học “tốp trên” bởi mức điểm chuẩn hàng năm của họ cách xa điểm sàn tới 4 - 5 điểm. Đó là các trường ĐH Ngoại thương, Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế quốc dân… Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm về tuyển sinh, lãnh đạo một số trường “tốp trên” đã chia sẻ góp ý về dự kiến 2 mức điểm sàn mà Bộ GD-ĐT đưa ra lấy ý kiến góp ý.
 
Nhiều trường đại học không đồng tình với phương án 2 mức điểm sàn mà Bộ GD-ĐT dự kiến đưa ra
Nhiều trường đại học không đồng tình với phương án 2 mức điểm sàn mà Bộ GD-ĐT dự kiến đưa ra.

Không đồng tình với phương án 2 điểm sàn này, ông Trần Mạnh Dũng - trưởng Phòng Đào tạo Học viện Ngân hàng cho biết: “Đang thi 3 chung mà để 2 mức điểm sàn này không hợp lý, sẽ rất phức tạp và không giải quyết được vấn đề cơ bản. Cụ thể, nếu để 2 mức sàn sẽ có nhiều hình thức tuyển sinh khác nhau, có nhóm trường lấy trên sàn, nhóm trường lấy bằng sàn và dưới sàn kết hợp với xét tuyển”.

Ông Dũng cho hay, thực tế theo Quy chế tuyển sinh mới năm nay đã có 2 mức điểm sàn. Đó là, Bộ GD-ĐT bổ sung quy định trong điều 33, các trường ĐH, CĐ đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ, được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại các tỉnh thuộc khu vực này với kết quả thi thấp hơn điểm sàn 1,0 điểm và phải học bổ sung kiến thức 1 học kỳ trước khi vào học chính thức.

Do vậy, theo ông Dũng, chỉ nên có một mức điểm sàn để lấy chất lượng. Theo đó, Bộ muốn tạo cơ hội cho một số trường ngoài công lập tuyển sinh được thì nên hạ sàn một chút nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, Bộ cần đưa ra đề thi hợp lý để đảm bảo nguồn tuyển cho các trường.

Đồng quan điểm, ông Lê Hữu Lập - phó Giám đốc Học viện Ccông nghệ Bưu chính Viễn thông băn khoăn đặt câu hỏi: “Để 2 mức sàn này sẽ giải quyết được gì? Nếu có 2 điểm sàn như vậy thì in giấy báo điểm cho thí sinh kiểu gì? Trong khi đó, cuối cùng vẫn chỉ dùng một mức điểm sàn”.

Ông Lập cho hay, nếu dùng điểm sàn dưới cộng với xét thêm điểm tốt nghiệp THPT để quyết định điều kiện trúng tuyển cho thí sinh, điều này chẳng để làm gì. Theo ông Lập, điểm sàn nên căn cứ theo cách ra đề thi hàng năm. Chỉ nên có một mức điểm sàn. Không nên nghĩ điểm sàn sẽ là 13 - 14 mà có thể là 11 - 12 điểm hoặc Bộ có thể mạnh dạn hạ điểm sàn để giúp những trường khó tuyển sinh.

Ông Lập dự báo, năm nay các trường đại học ngoài công lập cũng sẽ tuyển sinh được bởi vì Bộ GD-ĐT siết chặt hệ đào tạo liên thông.

Còn ông Hoàng Minh Sơn - trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, phương án 2 mức điểm sàn có thể khiến một số trường khó tuyển mừng vì nguồn tuyển nới rộng ra, nhưng các trường chưa lường hết được tác dụng phụ của 2 mức sàn này. Bởi vì, lấy điểm sàn thấp sẽ gây sự nghi ngại về thương hiệu, chất lượng đào tạo.

Theo ông Sơn, Bộ GD-ĐT nên cân nhắc xem điểm sàn 13 điểm cho ba môn với khối A như mấy năm vừa qua áp dụng có phải là mức điểm cao. Bên cạnh đó, việc hạ sàn xuống thấp hơn 2 điểm có bảo đảm thí sinh theo học được ĐH hay không?

(Theo Dân Trí)


Tin Nổi Bật