Mã Trường

Mã Trường

Nhu Cầu Nguồn Nhân Lực

Tuyển sinh 2013: Dự báo những ngành khó tìm việc

Cập nhật 08/04/2013 - 03:27:09 PM (GMT+7)

Trước thềm tuyển sinh 2013, nhiều ngành đào tạo đã chính thức được Bộ GD-ĐT xếp vào nhóm đào tạo bão hòa. Một số ngành khác cũng được cảnh báo SV sau 3 -5 năm nữa ra trường sẽ rất khó kiếm việc làm đúng chuyên môn.

Bộ trưởng bộ giáo dục Phạm Vũ Luận cho rằng những khu vực có nguy cơ bão hòa cần thiết phải có thông báo đến xã hội để thí sinh cân nhắc lựa chọn ngành dự thi chuẩn xác, phù hợp với khả năng bản thân và nhu cầu xã hội.

      Nhóm ngành kinh tế

      Tháng 12 -2012, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã phát thông điệp chính thức năm 2013 sẽ tạm dừng mở mới các ngành kinh tế - tài chính – ngân hàng – quản lý… do quy mô đào tạo hiện đã vượt xa nhu cầu nhân lực thực tế. Bộ GD-ĐT cũng kiến nghị thủ tướng không xét duyệt, cấp phép cho bất kỳ đề án mở trường nào mà định hướng của trường đó chuyên về đào tạo nhóm ngành quản lý – kinh tế.

      Theo thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, ngay từ bây giờ, một số hồ sơ sinh mở mới trường ĐH đề tên là trường kinh tế - kỹ thuật, trường quản lý kinh tế…, khi thẩm định, Bộ GD-ĐT cũng đã yêu cầu điều chỉnh. Để mở trường mới, các trường phải có định hướng đào tạo sang các ngành nghề khác không tập trung vào khối ngành quản lý, kinh tế. Với các trường hợp xin mở mới trường này, về mặt chủ trương Bộ không thể chấp nhận, nhất là đề xuất được đưa ra từ các trường đa ngành, trường không chuyên về kinh tế. Bộ GD-ĐT cũng cho biết ngoài yếu tố của thị trường nhân lực, thì việc thí sinh giảm đến 10% lượng lựa chọn ngành đào tạo này trong mùa tuyển sinh 2012 cũng là chỉ số cảnh báo tin cậy đối với các trường.

      Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy có đến hơn 133/hơn 220 trường ĐH đào tạo trình độ ĐH nhóm ngành kinh doanh và quản lý

      Ông Nguyễn Trường Giang – phó vụ trưởng Vụ hành chính sự nghiệp Bộ tài chính - còn dẫn một nghiên cứu dự báo năm 2013 sẽ có khoảng 32.000 SV tài chính – ngân hàng ra trường nhưng chỉ có 20.000 người được các cơ quan tài chính – ngân hàng tuyển dụng và trong bốn năm nữa thì số SV tài chính – ngân hàng không được tuyển dụng lên đến 13.000 người.

      Không chỉ ở trình độ đào tạo ĐH, ngành kế toán ở trình độ trung cấp cũng được Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ GD-ĐT cảnh báo đã đến mức bão hòa, thí sinh cần cân nhắc trước khi đăng ký.

      Ngành điều dưỡng

      Tại hội nghị giáo dục ĐH 2013, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết đã nhiều lần bộ trưởng Bộ Y tế trao đổi về việc đào tạo dư thừa ngành điều dưỡng, đặc biệt ở trình độ trung cấp. Việc đào tạo dư thừa thậm chí gây quá tải trong quá trình học tập. Nhiều SV, học viên không có đủ chỗ để thực tập nên đến khi ra trường, kỹ năng thiếu, không đáp ứng được công việc, gây tốn kém thời gian và chi phí theo học.

      Trong hai năm trở lại đây, rất nhiều học viên tốt nghiệp trung cấp điều dưỡng, trung cấp dược ra trường không có việc làm, đành ngậm ngùi xin đi làm… những nhà máy gần nhà.

      Hiện tại quy mô đào tạo của hệ thống giáo dục trung cấp là 685.000 học sinh. Mỗi năm các trường tuyển mới 300.000 học sinh, trong đó năm 2011 riêng chỉ tiêu tuyển sinh cho ngành dược, điều dưỡng trình độ trung cấp đã lên đến 85.000 người. Theo đó, Bộ đã yêu cầu trường rà soát lại, giảm chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành này, nhất là ở thành phố lớn.

      Ngành sư phạm

      Trong những năm gần đây, thí sinh không còn mặn mà với ngành sư phạm, nhưng thực tế chỉ tiêu ngành này vẫn chiếm đến trên 14% so với tổng chỉ tiêu các trường trực thuộc bộ. Do tình trạng thừa giáo viên diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương, nên việc cắt giảm chỉ tiêu sẽ được thực hiện liên tục từ năm 2013 đến những năm tiếp theo trên cơ sở đánh giá lại thực trạng đội ngũ nhà giáo hiện nay so với nhu cầu. Một biện pháp mạnh tay sẽ được thực hiện ngay trong năm 2013 là cắt giảm đến 1/5 chỉ tiêu của ngành sư phạm trong các trường thuộc Bộ GD-ĐT. Từ 20.000 tân SV của năm 2012, năm 2013 bộ đã áp sẵn con số chỉ tuyển mới 16.000 tân SV ĐH ngành sư phạm. Ở hệ CĐ, ngành này cũng bị giảm 10% với định mức tuyển mới là 2.900.

      Theo lãnh đạo các sở GD-ĐT, do nhiều SV sư phạm ra trường không có việc làm, nên ngành này không thể hút được SV giỏi. Hệ lụy nguy hiểm là vài năm sau nữa, giáo dục phổ thông sẽ rất hiếm giáo viên giỏi, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nói chung.

      Ngành kỹ sư công trình

Tại hội nghi giáo dục ĐH 2013, lãnh đạo trường ĐH Xây dựng tha thiết đề nghị Bộ GD-ĐT cần có biện pháp can thiệp cơ cấu lại ngành đào tạo kỹ sư công trình, tránh nguy cơ thất nghiệp cho SV sau khi ra trường. Theo nhận định của lãnh đạo, trường ĐH xây dựng , niếu không có chính sách điều tiết cụ thể, năm năm nữa, ngành kỹ sư công trình sẽ rơi vào bão hòa.

      Thống kê của trường ĐH Xây dựng thấy hiện nay cả nước có hơn 30 cơ sở đào tạo trình độ kỹ sư xây dựng, chưa kể nhiều Trường CĐ cũng đào tạo ngành này. Việc đào tạo tràn lan khiến bức tranh ra trường không mấy sáng sủa. “đào tạo kỹ sư xây dựng phải chuẩn, không thể rởm khi công việc này liên quan đến tài sản, chi phí và cả tính mạng con người, không thể đào tạo tràn lan” – lãnh đạo trường ĐH Xây dựng nhấn mạnh.

      Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đây là một thông tin tham khảo quan trọng cho cả thí sinh và cơ quan quản lý giáo dục trong quy hoạch đào tạo trong thời gian tới.

 


Tin Nổi Bật