Mã Trường

Mã Trường

Nhu Cầu Nguồn Nhân Lực

Thị trường lao động đầu năm 2013 ít biến động

Cập nhật 27/03/2013 - 08:58:24 AM (GMT+7)

Năm 2012 là một năm vô cùng khó khăn đối với các khu công nghiệp – khu chế xuất (KCN – KCX) trong cả nước nói chung và tại TP.Hồ Chí Minh nói riêng. Không chỉ người lao động (NLĐ) bị trả lương thấp, luôn sống trong tâm lý lo thất nghiệp mà các doanh nghiệp (DN) cũng vô cùng lao đao do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Và nỗi lo ấy vẫn đeo bám NLĐ, DN sang năm 2013. Việc tuyển lao động ồ ạt, lao động nhảy việc sau nghỉ tết không còn diễn ra nhiều như những năm trước nữa.

Không còn tuyển lao động ồ ạt

Nếu như mọi năm, cứ qua dịp tết Nguyên đán cũng là lúc các DN treo băng rôn tuyển lao động với mức lương và chế độ hấp dẫn thì năm nay số lượng băng rôn đã giảm rất nhiều. Hơn nữa, dù gặp khó khăn về vấn đề tài chính nhưng các DN đã chú trọng vào công tác chăm lo cho NLĐ dịp trước tết như: Thanh toán lương đầy đủ, thưởng tết, quà cho công nhân, tổ chức xe đưa rước công nhân về quê ăn tết… rất tốt. Điều này đã khiến cho NLĐ rất hài lòng và muốn gắn bó với DN lâu dài thay vì tìm một công việc mới

 Tính đến ngày 19/2, qua khảo sát nhanh của công đoàn các KCN – KCX tp.Hồ Chí Minh, công nhân trở lại DN làm việc sau kỳ nghỉ tết đạt tỷ lệ rất cao, bình quân đạt 95%, đặc biệt một số DN đạt tới 98% lao động trở lại làm việc đúng thời gian quy định. Việc NLĐ trở lại làm việc sau kỳ nghỉ tết đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trong quý I năm 2013. Bên cạnh đó, các DN cũng không mất nhiều thời gian, công sức và tiền của cho công tác tuyển dụng. Đồng thời, NLĐ trở lại làm việc đúng thời gian và đầy đủ cho thấy tình hình thị trường lao động nước ta đã có nhiều thay đổi tích cực. Một trong những thay đổi đáng ghi nghận là việc các DN đã có chính sách quan tâm, chăm sóc đến NLĐ nhiều hơn. Điều này đã giúp cũng cố niềm tin của NLĐ vào DN, tạo điều kiện thuận lợi không chỉ cho DN mà cả NLĐ cũng yên tâm làm việc.

 Theo ông Trần Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm TP.HCM cho biết: Nhu cầu tuyển dụng lao động trong những tháng đầu năm 2013 đang “chìm” hẳn. Trong đó, lao động phổ thông chỉ cần vài trăm (các năm trước là hàng ngàn) chủ yếu để thay thế lao động nghỉ việc. Bên cạnh đó, phần lớn nhu cầu tuyển dụng đầu năm 2013 chủ yếu tập trung vào lao động đã có tay nghề, kinh nghiệm hoặc yêu cầu NLĐ phải làm được nhiều việc khác nhau trong DN. Chính vì vậy, người tìm việc không có nhiều cơ hội lựa chọn nên họ cố gắng bám việc, thay vì nhảy việc tìm chỗ làm có lương, ưu đãi cạnh tranh hơn. Lao động có trình độ CĐ-ĐH nhu cầu tuyển dụng lại càng nhỏ giọt hơn, chủ yếu là công ty mới thành lập, các dự án mới triển khai. Vì thế ổn định nơi làm việc và mức lương là tâm lý chủ yếu của NLĐ trong giai đoạn hiện nay.

 Như vậy có thể thấy rằng nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN trong đầu năm 2013 rất hạn chế. Các DN không bị rơi vào tình trạng khát nhân lực do lao động nghỉ việc, nhảy việc như những năm trước. Hơn nữa, hiện nay các DN cũng đã quan tâm nhiều hơn đến chất lượng nguồn nhân lực hơn là số lượng. Do vậy, việc tuyển lao động ồ ạt không cần kinh nghiệm để bổ sung lao động bị thiếu đã phần nào được hạn chế tại các KCN – KCX. Điều này vừa giúp DN tiết kiệm được một khoản chi phí lớn, đồng thời NLĐ cũng yên tâm làm việc không lo bị sa thải trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện nay.

 Người lao động ít nhảy việc

Mặc dù các DN đã làm rất tốt việc giữ chân NLĐ sau dịp tết, tuy nhiên tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn, nhiều DN bị sụt giảm đơn hàng, thu hẹp phạm vi sản xuất phải cắt giảm bớt lao động để vượt qua giai đoạn khủng hoảng. Chính vì lý do này nên cơ hội “nhảy việc” của NLĐ sẽ không có nhiều.

 Trước tình hình kinh tế khó khăn, lao động thất nghiệp nhiều, nên rất ít người dám nhảy việc khi chưa chắc chắn có công việc khác. Bởi tâm lý chung của NLĐ hiện nay là giữ việc mặc dù lương thấp. Theo các Hiệp hội ngành nghề, thị trường lao động đầu năm 2013 ít biến động hơn trước đó. Trong đó ngành giày da là một trong những ngành luôn có lượng lao động biến động rất lớn sau tết, nhưng năm nay chỉ còn khoảng 10% công nhân “nhảy việc” sau tết. Trong khi đó, năm 2012 tỷ lệ dịch chuyển lao động trên 20%, năm 2011 trên 30%.

 Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường Lao động TP Hồ Chí Minh cho biết: Do tình hình kinh tế khó khăn, một số DN giải thể hoặc vẫn trong tình trạng tạm ngưng hoạt đông, khiến nhiều lao động mất việc hoặc khó kiếm việc làm. Chính vì vậy, NLĐ có tâm lý “giữ chỗ” khác hẳn với mọi năm là tìm công việc mới với mức thu nhập cao hơn. Cũng theo Trung tâm, trong tháng 3, thị trường TP.Hồ Chí Minh cần khoảng 30.000 lao động, tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành: Công nghệ thông tin, kế toán – kiểm toán, nhân viên kinh doanh – bán hàng, kiến trúc – kỹ sư xây dựng, giày da, dệt may, hành chính văn phòng.Trong đó nhóm ngành sử dụng lao động trung cấp, sơ cấp nghề, lao động phổ thông như ngành dệt may, chế biến lương thực – thực phẩm… vẫn lâm vào tình trạng thiếu hụt lao động.

 Nếu mọi năm vào thời gian trước và sau tết DN rất khó khăn trong việc tuyển lao động, kể cả lao động thời vụ do thị trường lao động khan hiến thì năm nay mọi mọi thứ đều bị đảo ngược lại. DN không còn vất vả tìm kiếm lao động, thay vào đó NLĐ sẽ phải đỏ mắt để có được việc làm chứ đừng nói gì tới việc lựa chọn một công việc như ý. Chính vì lý do này, từ đầu năm 2013 NLĐ không có xu hướng nhảy việc như mọi năm. Bởi nhảy việc trong lúc này là điều vô cùng mạo hiểm, sẽ không dễ dàng để NLĐ tìm được một công việc mới trong tình hình kinh tế khó khăn, DN thu hẹp sản xuất, hạn chế tuyển dụng lao động, nhất là với những lao động không có tay nghề.


Tin Nổi Bật