Mã Trường

Mã Trường
photo-202

Tin Tức

Số điện thoại bị giả mạo: Phát hiện thế nào?

Cập nhật 13/04/2010 - 08:51:24 AM (GMT+7)
Trước việc xuất hiện phần mềm có thể sử dụng bất kỳ số điện nào để thực hiện cuộc gọi, các mạng di động đang nghiên cứu tìm cách ngăn chặn. Chuyên gia Trung tâm An ninh mạng ĐHBK Hà Nội (BKIS) đưa ra lời khuyên giúp nhận biết số điện thoại giả mạo.

Gần như máy ĐTDĐ nào cũng làm được

Theo các chuyên gia bộ phận BKIS Security thuộc BKIS, phần mềm tạo ra các cuộc gọi giả mạo được phát tán ở Việt Nam trong mấy ngày qua là phần mềm được viết riêng cho điện thoại iPhone. Phần mềm cho phép thực hiện các cuộc gọi trên nền internet với giá rẻ, nhất là khi gọi quốc tế. Do đó hầu hết mọi người đều hiểu nhầm rằng điện thoại iPhone tạo ra các cuộc gọi giả mạo. Nó có thể được tải về từ máy điện thoại iPhone hoặc iPad và chạy trên nền hệ điều hành Android.

Thực tế, các cuộc gọi giả mạo có thể được thực hiện từ bất kỳ loại điện thoại hoặc máy tính nào, chỉ cần nó có thể chạy được phần mềm và có kết nối internet. Cũng với cách thức tương tự, các tin nhắn SMS cũng có thể dễ dàng bị giả mạo.

Về kỹ thuật, vẫn theo BKIS Security, khi tiến hành một cuộc gọi từ điện thoại di động, điện thoại sẽ kết nối trực tiếp vào mạng viễn thông thông qua các trạm thu phát sóng (BTS). Thông qua các trạm BTS này, số điện thoại của người gọi được hệ thống tự động lấy ra từ SIM của điện thoại, do đó nó được ghi nhận chính xác. Việc giả mạo trong trường hợp này là không dễ dàng.

Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các nhà mạng đều cho phép các cuộc gọi được thực hiện từ internet vào mạng di động. Cuộc gọi được thực hiện bởi một phần mềm, phần mềm này kết nối với máy chủ cung cấp dịch vụ trên internet (trong các sự việc xảy ra thời gian vừa qua, máy chủ này đặt ở nước ngoài).

Tiếp theo, cuộc gọi được chuyển từ máy chủ đặt ở nước ngoài quay trở về kết nối với các nhà mạng ở Việt Nam. Cuối cùng, cuộc gọi được chuyển tới máy điện thoại đích thông qua hệ thống mạng viễn thông theo cách thông thường (trung chuyển bởi các trạm BTS).

Khi gọi điện bằng phần mềm như cách nêu trên, người gọi không cần sử dụng SIM điện thoại. Do đó, số điện thoại của người gọi không được lấy từ SIM như cách gọi truyền thống, mà được người gọi tùy ý nhập vào phần mềm.

Các chuyên gia cho rằng bất kỳ ai biết sử dụng phần mềm nói trên cũng có thể tạo ra các số điện thoại giả mạo. Phần mềm gọi điện thoại có thể chạy trên máy tính hoặc trên các dòng điện thoại smartphone, với điều kiện nó có kết nối internet.

Phân biệt giả mạo thế nào?

Hiện tại các mạng di động tại Việt Nam đã thực hiện một số biện pháp khắc phục bằng cách lọc các cuộc gọi phát sinh từ internet. Số điện thoại giả mạo được chuyển thành các số điện thoại khác không trùng định dạng với các số điện thoại ở Việt Nam hoặc chuyển sang chế độ giấu số gọi đến. Tuy nhiên, biện pháp này hiện nay chưa có kết quả ổn định. Hiện tượng giả mạo các cuộc gọi vẫn có thể xảy ra, đặc biệt chưa khắc phục được việc giả mạo tin nhắn SMS.

Theo các chuyên gia BKIS Security, với một cuộc gọi điện thoại di động thông thường trong nước, số điện thoại của người gọi hiện lên trên máy của người nhận bằng đúng số điện thoại của người gọi. Trong trường hợp bị giả mạo bởi cuộc gọi từ internet, thông thường, số gọi đến hiển thị trên máy của người nhận sẽ kèm theo mã điện thoại quốc gia.

Vì vậy, chuyên gia BKIS khuyến cáo khi nhận được cuộc gọi của một người mà bạn biết chắc rằng người đó đang ở Việt Nam, nhưng số điện thoại hiện lên trên máy của bạn lại có thêm phần mã quốc gia, gần như có thể khẳng định đó là cuộc gọi giả mạo.

Với hiện tượng giả mạo tin nhắn SMS, hiện tại chưa có biện pháp khắc phục, do đó bạn phải làm quen với việc không nên tuyệt đối tin tưởng vào các tin nhắn, không nên sử dụng tin nhắn như một công cụ giao dịch công việc chính thức.

THPT (Theo Tiền Phong Online)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật