Mã Trường

Mã Trường
photo-202

Tin Tức

Nâng cao chất lượng đào tạo ĐH: Cần thay đổi quan điểm quản lý

Cập nhật 09/04/2010 - 10:16:31 AM (GMT+7)
"Làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả nghiên cứu khoa học trong trường ĐH". Đó chính là một trăn trở và khát khao lớn nhất của ngành giáo dục. Với mục đích là ghi nhận những đóng góp, ý kiến từ những nhà lãnh đạo, nhà nghiên cứu, những người làm công tác quản lý giáo dục, sinh viên để hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện xung quanh vấn đề trên với GS. TS Đào Văn Lượng, hiệu trưởng trường ĐH Công Nghệ Sài Gòn. 

 PV: Chất lượng giảng dạy trong giảng đường ĐH của chúng ta lâu nay vẫn bị xem là “chậm” tịnh tiến theo sự thay đổi của xã hội bởi lối dạy và học vẫn quá nặng về lý thuyết và xa rời nhu cầu xã hội. Theo thầy nguyên chính của tình trạng trên là gì?

GS. Đào Văn Lượng: Chất lượng giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng là một vấn đề lớn. Nói như GS. Phạm Phụ thì chúng ta đứng trước 7 vấn đề “nan giải” của nền đại học Việt Nam, mà muốn giải quyết nó thì tiến hành một giải pháp tổng thể có sự tham gia của toàn xã hội. Song theo tôi, trong khi chờ giải pháp tổng thể đó từ Nhà nước, các trường ĐH vẫn có thể tiến hành một số giải pháp trong phạm vi một trường hoặc một hệ thống nhỏ để nâng cao chất lượng giảng dạy như: xây dựng chương trình đào tạo theo hướng cập nhật hiện đại đồng thời đưa các kiến thức mà thực tế đang đòi hỏi; xây dựng đội ngũ giảng viên riêng cho mình và có chiến lượng sử dụng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng; áp dụng học chế tín chỉ, cải tiến phương pháp giảng dạy theo hướng tăng cường tính chủ động cho người học trên cơ sở sử dụng các phương tiện hiện đại (như công nghệ thông tin, internet, multimedia,...); áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiến và các dịch vụ phục vụ người học ...    
PV: Rất nhiều trường ĐH đã lập ra trong khi đó đội ngũ giảng viên – điểm mấu chốt của chất lượng đào tạo lại không được coi trọng. Suốt mấy năm qua đội ngũ giảng viên của chúng ta không tăng, ngược lại phần lớn đang phải căng sức “chạy sô”, dạy thỉnh giảng cho các trường. Thầy nghĩ sao về vấn đề trên?
GS. Đào Văn Lượng: Quả đúng như vậy, tình trạng này là kết quả của việc tiến hành quản lý giáo dục đào tạo thiếu một quy hoạch tổng thể, không có tầm nhìn lâu dài của nhiều năm qua; đáng lẽ việc phát triển các trường đại học phải đồng bộ với việc phát triển đội ngũ giảng viên. Đội ngũ giảng viên là yếu tố quan trọng nhất trong việc hình thành một trường đại học và nâng cao chất lượng đào tạo. Sự kết nối với các doanh nghiệp và sự định hướng chương trình theo nhu cầu của xã hội cũng là yếu tố vô cùng quan trọng vì đó là mục tiêu của các trường ĐH và mục tiêu của người học là có việc làm, phục vụ doanh nghiệp, phục vụ nhu cầu xã hội.
PV: Lối dạy quá nặng về lý thuyết và thiếu thực hành, phương pháp giảng dạy vẫn chưa phải là phương pháp mở, sinh viên chưa thể đối thoại với giảng viên, công tác nghiên cứu khoa học trong sinh viên vẫn nặng tính phong trào... Với những tồn đọng và hạn chế như trên, theo GS chúng ta cần phải làm gì để chất lượng đào tạo trong các trường ĐH thật sự hiệu quả?
GS. Đào Văn Lượng: Đây là một câu hỏi quá rộng, nhiều vấn đề và tôi đã trả lời một phần ờ trên. Bây giờ tôi chỉ nói về vai trò của NCKH trong các trường ĐH. Có thể nói, trường ĐH có hai nhiệm vụ chính không thể thoái thác là đào tạo và NCKH. Nhiều trường ĐH rất xem nhẹ vấn đề này, nhất là các trường nhỏ mới thành lập; không phải họ không biết, mà không đủ điều kiện về đội ngũ,về cơ sở vật chất để tiến hành NCKH. Song theo tôi, tuy chưa đủ điều kiện, các trường ĐH vẫn quan tâm đến vấn đề này vì sức sống của một trường ĐH là kết quả đào tạo và kết quả NCKH; nhưng sâu xa hơn, qua NCKH trình độ của thầy và trò được nâng lên, các nội dung đào tạo sẽ sống động và gần gủi với cuộc sống hơn. Trong các tiêu chí xếp hạng các trường ĐH thì tiêu chí NCKH thông qua số lượng công trình nghiên cứu, số lần sử dụng thông tin về kết quả NCKH là một tiêu chí bắt buộc và có trọng số khá lớn.
PV: Là một người làm công tác giảng dạy, cũng như quản lý đã lâu, GS có thể cho biết trăn trở lớn nhất của GS về vấn đề thuộc giáo dục, đặc biệt là chất lượng giảng dạy hiện nay?
GS. Đào Văn Lượng: Chất lượng giáo dục là mối quan tâm lớn, là trăn trở của toàn xã hội. Có thể nói, chất lượng giáo dục, nhất là chất lượng giáo dục toàn diện của chúng ta hiện nay còn rất thấp so với khu vực và thế giới. Có nhiều yếu tố trong toàn bộ hệ thống cần được tác động để nâng cao chất lượng đào tạo; và theo tôi có 4 yếu tố cơ bản là: Chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và hệ thống quản lý. Tôi đồng ý với kế hoạch 2010 của bộ GD&ĐT đã chọn khâu trọng yếu nhất cần đột phá là khâu “quản lý giáo dục và đào tạo”. Cần phải thay đổi quan điểm quản lý theo hướng “mỗi phần tử trong một hế thống phải làm đúng chức trách của nó”; Bộ là quản lý Nhà nước đúng với vai trò và vị trí của một cơ quan quản lý vĩ mô, không làm những việc mà cấp trường có thể làm; cần mạnh dạn phân cấp để các trường chủ động, tự chủ và tự chịu trách nhiệm, bởi vì không ai có thể lo cho “chất lượng sản phẩm” của mình tốt hơn chính các nhà quản lý “doanh nghiệp” chân chính. “Chất lượng đào tạo là một yếu tố sống còn của một trường ĐH”, và trong xu thế cạnh tranh hiện nay, chính các trường phải tự tìm ra cho mình để tồn tại và phát triển.
PV: Rất nhiều đề tài, công trình nghiên cứu của sinh viên được đánh giá cao và đoạt giải, nhưng không mấy công trình được chuyển giao và đưa vào ứng dụng. Theo GS, chúng ta cần phải làm gì để tháo gỡ những tồn đọng trên.  
GS. Đào Văn Lượng: Ở đây phải hiểu vấn đề toàn diện hơn. Có nhiều loại đề tài NCKH: có những đề tài NC cơ bản được hình thành hoàn toàn do sự đam mê của nhà nghiên cứu mà kết quả ứng dụng của nó đòi hỏi phải có thời gian và nhiều khi bản thân nhà nghiên cứu không lường hết được và nhiều khi cũng không còn sống để nhìn thấy kết quả ứng dụng của nó; song hầu hết các đề tài nghiên cứu hiện nay là các đề tài nghiên cứu ứng dụng hoặc nghiên cứu theo hướng cơ bản ứng dụng thì kết quả của chúng phải được triển khai nhanh vào cuộc sống. Nguyên nhân chậm đi vào sản xuất của các đề tài này có thể kể ra là: mục tiêu không rõ ràng, không xuất phát từ đòi hỏi thực tế, không có nơi đặt hàng cụ thể, không có một ê-kíp liên ngành để triển khai tiếp (vì hầu như mọi sản phẩm hiện nay là sản phẩm liên ngành), không có kinh phí triển khai, yếu tố kinh tế trong triển khai bị xem nhẹ, quyền lợi của người nghiên cứu, người sản xuất không được phân định rõ, bản quyền không được bảo vệ sau khi sản xuất... Để giải quyết vấn đề này không đơn giản, nhưng theo tôi, nên học tập việc quản lý KHCN của một số nước gần gũi với điệu kiện của ta nhu Trung Quốc, Hàn Quốc... Nhà nước chỉ nên cấp kinh phí cho các đề tài nghiên cứu cơ bản, các đề tài về chính trị, xã hội hoặc các chương trình mang tính chiến lược theo dạng đặt hàng, ngoài ra cũng nên cấp kinh phí cho các trường ĐH căn cứ vào số cán bộ khoa học để nuôi dưỡng, ươm mầm các ý tưởng nghiên cứu, còn lại các đề tài nghiên cứu ứng dụng thì để cho cơ chế thị trường điều tiết, nghĩa là người cần sản phẩm nghiên cứu phải tìm đến các nhà nghiên cứu để đặt hàng, cấp kinh phí và triển khai ứng dụng; Nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ bằng các quỹ cho vau ưu đãi, hỗ trợ tạo thị trường KHCN, bảo hộ quyền tác giả, bản quyền, kiểm định chất lượng sản phẩm và phổ biến thông tin KHCN...
PV: GS nghĩ sao về vấn đề kiểm định chất lượng?
GS. Đào Văn Lượng: Công tác kiểm định chất lượng là một khâu rất quan trọng trong quá trình đào tạo; công việc này cũng tương tự như khâu kiểm định chất lượng hàng hóa và quản lý sản xuất toàn diện trong sản xuất, nó giúp các trường ĐH đảm bảo chất lượng và từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo của mình, đồng thời đảm bảo cung cấp cho xã hội những sản phẩm đào tạo có chất lượng. Như vậy việc công bố chất lượng sản phẩm đào tạo thông qua việc công bố chuẩn đầu ra là cần thiết. Quản lý khâu này không chỉ là trách nhiệm của mỗi trường đại học, các hiệp hội đại học mà còn là trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo. Song việc tiến hành kiểm định cụ thể các trường không nhất thiết do Bộ tiến hành mà do các tổ chức độc lập tiến hành. Đây cũng là một yếu tố quan trọng để xếp hạng các trường đại học. Còn những công việc còn lại không thuộc phạm vi quản lý Nhà nước thì để các trường làm, Bộ không cần làm thay. 
PV: Xin cảm ơn GS!
THPT (Theo Anh Tú báo GD&TĐ số đặc biệt cuối tháng 3)

Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật