Mã Trường

Mã Trường
photo-202

Tin Tức

Trồng khoai tây, được cả cà chua

Cập nhật 19/03/2010 - 04:39:28 PM (GMT+7)
Nhiều nhà vườn ở Đà Lạt đang ứng dụng thành quả khoa học của một kỹ sư trẻ, đó là cùng một cây nhưng phần rễ cho ra khoai tây, phần thân cho ra quả cà chua.

 

Kỹ sư Nguyễn Thị Trang Nhã (vừa tốt nghiệp thủ khoa Trường ĐH Nông Lâm TPHCM) đã nghiên cứu lai tạo thành công cây “2 trong 1”, đó là cùng một thân cây nhưng phần rễ cho củ (khoai tây), phần thân cho quả (cà chua). Giống cây độc đáo này đang gây sự chú ý cho giới khoa học và nhiều nhà vườn.

Tạo cây “2 trong 1”

Từ năm học thứ 2, Nguyễn Thị Trang Nhã, khoa công nghệ sinh học Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, đã đăng ký nghiên cứu đề tài: “Kỹ thuật ghép ngọn cà chua trên gốc khoai tây tạo cây ghép có khả năng đồng thời cho củ và quả”. Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Linh - chủ nhiệm lớp - đã tận tình hướng dẫn phương pháp nghiên cứu khoa học cho Trang Nhã.

Để thực hiện công trình của mình, liên tục trong 2 năm, cứ mỗi lần về quê Đà Lạt, Trang Nhã lại nhờ bố mua cây cà chua để ghép lên cây khoai tây trong vườn. Và cứ mỗi lần Trang Nhã đưa ra trồng 30 cây ghép thì có 2 cây sống. Trang Nhã phải làm hàng trăm thí nghiệm khác nhau để chọn ra tuổi nào ghép là tối ưu. Bên cạnh đó, Nhã còn phải nghiên cứu ảnh hưởng của các hàm lượng phân bón đến sinh trưởng của cây ghép, năng suất và chất lượng của cây ghép để làm tiền đề cho việc xây dựng một quy trình trồng cây ghép cà chua - khoai tây về sau.

Qua nghiên cứu, Nhã cũng rút ra tại sao các nhà khoa học đi trước ở nước ngoài không thành công trong việc đưa ra quy trình chuẩn cho việc ghép cây “2 trong 1” này. Đó là do cà chua ở châu Âu được canh tác trong nhà kính nên có thời gian sống và thu hoạch đến 6 tháng, khoai tây chỉ tồn tại được 2,5 – 3 tháng nên tạo cây ghép chưa phải là giải pháp khả thi trong điều kiện tại đây.

Vì vậy, Trang Nhã cho biết khâu quan trọng đầu tiên là phải nghiên cứu để hoàn thiện được kỹ thuật ghép cho tỉ lệ sống cao, khả năng liền mắt ghép nhanh, đồng thời kỹ thuật không quá phức tạp có thể dễ dàng thực hiện được.
Để hoàn thành nghiên cứu của mình, Trang Nhã đã tiến hành trồng cây ghép ngoài đồng ruộng theo phương pháp hoàn toàn khác so với ghép cà chua trên gốc cây cà dại và cà chua trên gốc cây khoai tây (do các tác giả trước đã thực hiện). Trồng với mật độ 30.000 cây/ha, trồng hàng đơn với khoảng cách hàng cách hàng 120 cm, cây cách cây 30 cm.
 
Khả năng ứng dụng cao

Sau 2 năm vất vả, đề tài nghiên cứu của Nhã đã cho kết quả khá mỹ mãn, cây khoai tây - cà chua cho năng suất khá cao, bình quân một vụ đạt hơn 19 tấn củ khoai tây và khoảng 38 tấn cà chua/ha. Sự thành công của đề tài khoa học này đang mở ra một triển vọng mới về vấn đề an ninh lương thực: tăng sản lượng nông sản trên cùng một diện tích đất; khai thác tối đa năng suất cây trồng; tăng chất lượng cho người tiêu dùng...

Điều đáng nói là phương pháp ghép của Trang Nhã khá đơn giản, tỉ lệ sống cao, có thể thực hiện được bằng lao động thủ công. Hàm lượng phân giảm đáng kể so với sản lượng quả và củ thu hoạch được. Chất lượng sản phẩm cây ghép khá tốt và bảo đảm, chứng tỏ ưu điểm của cây ghép mang lại nên sẽ được người tiêu dùng ủng hộ và chấp nhận. Việc ứng dụng nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất sau khi đã hoàn thành quy trình tạo thành công cây ghép ở quy mô lớn là khả thi.


Hiện rất nhiều nhà vườn Đà Lạt đang ứng dụng thành quả khoa học này. Tuy nhiên, kỹ sư Nhã cho biết cần nghiên cứu và cải tiến thêm các khâu chuẩn bị vật liệu ban đầu và nghiên cứu lượng phân tối ưu để giảm chi phí, đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao.

THPT (Theo Người Lao Động Online)


Giới Thiệu STU
Tin Nổi Bật