Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Thi tốt nghiệp THPT: những điều cần biết

Cập nhật 17/04/2012 - 09:08:44 AM (GMT+7)
Bộ GD-ĐT vừa ban hành hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Trong đó có nhiều nội dung liên quan đến thời gian, thủ tục đăng ký dự thi, chế độ ưu tiên... mà thí sinh cần phải lưu ý.

Kỳ thi năm nay sẽ diễn ra ngày 2, 3 và 4-6 với thứ tự các môn thi ngữ văn (150 phút), hóa học (60 phút), địa lý (90 phút), lịch sử (90 phút), toán (150 phút), ngoại ngữ (60 phút), vật lý - đối với thí sinh thi môn thay thế và thí sinh hệ giáo dục thường xuyên (60 phút).

Hạn chót ngày 7-5

 

Học sinh hệ bổ túc không thi ở hội đồng riêng

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, Bộ GD-ĐT sẽ giao quyền chủ động cho các sở GD-ĐT trong việc thành lập hội đồng coi thi bao gồm một hoặc nhiều trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT lưu ý không cho phép các địa phương tổ chức hội đồng coi thi riêng cho trung tâm giáo dục thường xuyên mà phải ghép chung trung tâm giáo dục thường xuyên với trường THPT. Trong một hội đồng coi thi bao gồm thí sinh THPT và giáo dục thường xuyên thì có thể bố trí phòng thi riêng cho thí sinh hệ giáo dục thường xuyên.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, từ ngày 25-4 đến hết ngày 7-5, thí sinh sẽ nộp hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT.

Thí sinh là học sinh lớp 12 năm học 2011-2012 sẽ nộp hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT tại trường THPT đang học, không được đăng ký dự thi ở cơ sở giáo dục khác, không được đăng ký dự thi theo chương trình giáo dục thường xuyên.

Thí sinh tự do đăng ký dự thi tại trường phổ thông trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nơi cư trú hoặc trường THPT nơi học lớp 12. Những trường hợp thí sinh tự do đang đi công tác xa, nếu có đủ căn cứ về việc không thể dự thi tại nơi cư trú thì có thể đăng ký dự thi trên địa bàn nơi công tác.

Những thí sinh tự do không đủ điều kiện dự thi những năm trước do bị xếp loại kém về học lực ở lớp 12, phải đăng ký và dự kỳ kiểm tra cuối năm học tại trường phổ thông nơi học lớp 12 hoặc nơi đăng ký dự thi một số môn học có điểm trung bình dưới 5.

Thí sinh tự do không đủ điều kiện dự thi do nghỉ quá 45 buổi học trong các năm trước, nếu vẫn đủ điều kiện về học lực thì không cần có xác nhận kiểm tra học lực. Thí sinh tự do không đủ điều kiện dự thi những năm trước do xếp loại yếu về hạnh kiểm trong năm học lớp 12 thì phải có xác nhận của chính quyền cấp xã về phẩm chất đạo đức và việc chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước, quy định về an ninh, trật tự của địa phương nơi cư trú trong phiếu đăng ký dự thi.

Thí sinh tự do của hệ giáo dục THPT được phép đăng ký dự thi tốt nghiệp giáo dục thường xuyên nhưng không được bảo lưu điểm thi như thí sinh tự do đã dự thi tốt nghiệp giáo dục thường xuyên. Thí sinh tự do đã đăng ký bảo lưu điểm không được dự thi các môn có điểm bảo lưu.

Nộp giấy chứng nhận ưu tiên trước kỳ thi

Những trường hợp được hưởng chế độ ưu tiên gồm học sinh là con thương binh, liệt sĩ, bệnh binh, những người được hưởng chế độ, chính sách như thương binh, con của anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, học sinh có hộ khẩu thường trú ở vùng cao, vùng sâu, khu kinh tế mới, xã đặc biệt khó khăn.

Trường hợp được cộng điểm khuyến khích gồm học sinh có chứng nhận nghề phổ thông, học sinh đoạt giải trong các kỳ thi do ngành GD-ĐT tổ chức hoặc phối hợp với các ngành chuyên môn khác từ cấp tỉnh trở lên tổ chức (thi học sinh giỏi các môn văn hóa, thi thí nghiệm thực hành vật lý, hóa học, sinh học, thi văn nghệ, thể dục thể thao, hội thao giáo dục quốc phòng, thi vẽ, viết thư quốc tế, thi giải toán trên máy tính bỏ túi...).

Để được hưởng các chế độ ưu tiên, khuyến khích thí sinh phải nộp các loại giấy chứng nhận cần thiết khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Nếu nộp các loại giấy chứng nhận sau ngày thi sẽ không có giá trị để xét cộng điểm ưu tiên, khuyến khích. Thí sinh có nhiều giấy chứng nhận nghề theo quy định trong quy chế thi chỉ được cộng điểm ưu đãi đối với một giấy chứng nhận có kết quả xếp loại cao nhất.

Bộ GD-ĐT đề nghị các cơ sở giáo dục hướng dẫn cụ thể và có những biện pháp tích cực giúp thí sinh có đầy đủ các loại chứng nhận cần thiết, nhất là các chứng nhận để được hưởng cộng điểm khuyến khích, chế độ ưu tiên (nếu có), đảm bảo quyền lợi chính đáng cho thí sinh.

 

Vẫn cử thanh tra cắm chốt

Bộ GD-ĐT sẽ thành lập các đoàn thanh tra công tác chuẩn bị thi, coi thi, chấm thi tại một số tỉnh, thành tiến hành theo hình thức thanh tra không báo trước. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT vẫn cử cán bộ thanh tra cắm chốt tại một số tỉnh, thành để giám sát công tác tổ chức thi. Nhưng cán bộ thanh tra, đoàn thanh tra của bộ sẽ hoạt động độc lập, không làm thay công tác chỉ đạo của ban chỉ đạo thi và hoạt động thanh tra của các sở GD-ĐT và Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng. Khi cần thiết, cán bộ thanh tra, đoàn thanh tra có quyền kiến nghị với người có thẩm quyền để giải quyết vấn đề cần khắc phục. Trong trường hợp ý kiến của cán bộ thanh tra, đoàn thanh tra không thống nhất với ý kiến của ban chỉ đạo thi địa phương thì đoàn thanh tra lập biên bản, ghi rõ ý kiến báo cáo về Bộ GD-ĐT.

(Theo Tuổi Trẻ)