Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Từ năm 2016, chỉ còn 2 môn thi ĐH bắt buộc

Cập nhật 17/02/2012 - 09:40:11 AM (GMT+7)
Từ năm 2016 trở đi, chỉ tổ chức thi tuyển sinh một đợt, nhiều môn, trong đó có 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và các môn thi tự chọn. Mặc dù tán thành phương án này nhưng lãnh đạo nhiều trường vẫn lo ngại.
Theo lộ trình dự kiến đổi mới tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy đến năm 2020 của Bộ GD-ĐT từ nay đến năm 2015, tiếp tục giữ ổn định công tác tuyển sinh theo giải pháp 3 chung. Tuy nhiên, sẽ tiếp tục có điều chỉnh, bổ sung khối thi, tổ hợp khối xét tuyển, tạo sự linh hoạt cho các trường và nhiều cơ hội thuận lợi cho thí sinh.

Từ năm 2016 - 2019, chỉ tổ chức thi tuyển sinh 1 đợt, nhiều môn, trong đó có 2 môn công cụ bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và các môn thi tự chọn; các trường quy định tổ hợp các môn thi để xét tuyển cho từng ngành đào tạo (không thi theo khối).

Từ năm 2020 trở đi, khi Luật Giáo dục đại học đã đi vào cuộc sống, sự phân tầng đại học đã được thực hiện và công tác kiểm định chất lượng đi vào nề nếp, việc thi tuyển sinh chỉ còn diễn ra ở các trường đại học tốp đầu, các trường đại học theo định hướng nghiên cứu. Tất cả các trường còn lại sẽ xét tuyển dựa trên kết quả phổ thông.
Cần có nghiên cứu khoa học, khách quan
 
Phát biểu tại hội nghị hiệu trưởng các trường ĐH, CĐ diễn ra mới đây tại Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng: “Những gì Bộ đưa ra liên quan tới thay đổi phương án tuyển sinh chưa đưa ra được sự tiệm cận giữa 2 phương án cũ và mới, chưa nêu lên được tính chính xác của kỳ thi tốt nghiệp THPT, chưa làm rõ được việc thi chung một đợt đỡ căng thẳng hơn hay thi nhiều đợt đỡ áp lực hơn… Cần phải có nghiên cứu khoa học, khách quan dựa trên kết quả thi của những năm trước. Phải làm thế nào để kỳ thi tuyển sinh ĐH nhẹ nhàng hơn chứ không phải là sự kiện xã hội như bây giờ”.
 
“Đổi mới tuyển sinh liên quan tới vài triệu lượt thí sinh và phụ huynh, liên quan tới các chuyển động của xã hội. Vấn đề đặt ra là Bộ không chỉ đưa ra lộ trình mà phải tiến hành đồng bộ từ nhiều cấp độ có liên quan, từ bậc THPT tới đại học, từ kỳ thi tốt nghiệp tới kỳ thi tuyển sinh… Theo đó, Cục Khảo thí cần có đề án thật tổng thể, tránh đưa ra dự kiến rồi lại không làm được gây hoang mang dư luận” - ông Nghĩa đề nghị.
 
Ông Nguyễn Văn Toàn - phó giám đốc ĐH Huế cho biết: “Đến giờ chúng tôi chưa tìm được phương án nào tốt hơn dù chúng tôi là đại học vùng, đại học trọng điểm. Các trường được trao quyền trong xét tuyển là tốt rồi”.
 
Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, cùng với tiếp tục tổ chức thi tuyển sinh theo giải pháp 3 chung, Bộ giao các trường đại học trọng điểm, các trường năng khiếu nghệ thuật, các trường có kinh nghiệm quản lý, đủ điều kiện… xây dựng phương án tuyển sinh, trình Bộ xem xét phê duyệt.
 
... và bước đi thận trọng 
 
Chia sẻ về lộ trình đổi mới tuyển sinh, GS Mai Trọng Nhuận - giám đốc ĐH QGHN cho rằng: “Trước hết phải xác định mục tiêu đổi mới tuyển sinh, chọn được người có năng lực tốt nhất, phù hợp nhất vào học ĐH, CĐ và sau đại học chứ không phải chọn những người hiểu biết nhiều nhất, thuộc bài nhiều nhất. Mục tiêu đổi mới này gắn cách đổi mới chuyển đổi cơ bản từ việc kiểm tra kiến thức sang việc kiểm tra đánh giá năng lực. Đây là công việc đổi mới rất mạnh, tác động rất nhiều tới xã hội nên phải có bước đi thận trọng và ĐH QGHN phải tính toán kỹ. Việc giao quyền tự chủ cho trường đại học, các cơ sở đại học trong việc tuyển sinh nên đi theo hướng tự chủ chính sách tuyển sinh chứ không phải là tự chủ đứng ra làm khâu kiểm tra đánh giá năng lực. Việc kiểm tra đánh giá năng lực giao cho các tổ chức chuyên biệt, độc lập được Bộ GD-ĐT thành lập, cho phép và đánh giá”.

Ông Đặng Văn Uy - hiệu trưởng ĐH Hàng hải nhận định: “Việc tuyển sinh hiện nay được tổ chức rầm rộ, chặt chẽ nhưng chất lượng đào tạo vẫn kém. Do vậy đổi mới chất lượng giáo dục phải là đổi mới toàn diện, liên quan tới tất cả quá trình dạy học, thi cử ở bậc phổ thông, đào tạo ở bậc ĐH”. Đồng tình với lộ trình đổi mới này, TS Nguyễn Văn Đính - hiệu trưởng Trường ĐH Hà Tĩnh cho rằng: “Nếu làm được như vậy thì đỡ tốn kém, đỡ phức tạp nhưng phải thận trọng”.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: “Lộ trình dự kiến tuyển sinh sau năm 2015 được đưa ra là để… lấy ý kiến. Bộ GD-ĐT sẽ đặt vấn đề đổi mới thi tuyển sinh đồng bộ với việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, không tách tuyển sinh ra thành nội dung riêng. Bộ đã có ý kiến đối với 2 đại học quốc gia, 3 đại học 2 cấp và các đại học trọng điểm tiếp tục có nghiên cứu để thảo luận, góp ý trí tuệ vào việc thay đổi này”.

(Dân trí)