Những giờ học nhàm chán
Không hiếm gặp ở các giảng đường tình trạng sinh viên ngủ la liệt trong giờ Triết học hay Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam...
Các sinh viên phàn nàn rằng, những môn này kém ứng dụng, giờ học lại quá khô khan. Nhiều sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng thời đại kinh tế thị trường phát triển rộng rãi như hiện nay, bắt các bạn ngồi trật tự, thảo luận trong các giờ Kinh tế chính trị Mác- Lê nin là một điều không cần thiết.
Qua tìm hiểu được biết, đa số sinh viên đều có một suy nghĩ: “Qua” được môn Triết học coi như trút được gánh nặng. H.N, một sinh viên ĐH Xây dựng cho biết, mỗi lần đến giờ Triết là cả lớp thấy chán nản. Sinh viên tự do làm việc riêng. Giáo viên cũng không nhiệt tình, cầm giáo trình nói cho đủ tiết. Chỉ khi nào đến mùa thi, các sinh viên mới nháo nhào đi tìm tài liệu, đọc sách, làm “phao” và đủ trò khác để làm sao chỉ cần đạt được 5 điểm là thở phào nhẹ nhõm.
Đối với giờ học mang tính thực hành nhiều như Giáo dục Quốc phòng, tại nhiều trường chỉ là những tiết học đọc – chép. Sinh viên coi học kỳ quân sự là một kỳ nghỉ để xả stress. Các cuốn vở có khi được ghi chép rất đẹp đẽ, nhưng kết thúc học kỳ có mấy ai nhớ về vũ khí hủy diệt, chiến dịch Điện Biên Phủ trên không mà thầy giáo nói rất say sưa?
Học chỉ để lấy điểm cao
Một sinh viên tốt nghiệp ĐH không thể giao tiếp đơn giản bằng Tiếng Anh, không biết cách hoàn thành một bảng biểu đơn giản bằng Excel, trình bày một lá đơn trên Word theo mẫu cũng “toát mồ hôi” ... là những thực tế không còn xa lạ ở nhiều trường ĐH của Việt Nam.
Xuất phát từ một nền giáo dục coi trọng điểm số, coi trọng bằng cấp hơn là kiến thức thực tế, từ những cấp học tiểu học, THCS, THPT, nhiều học sinh đã xây dựng tư tưởng học để có điểm cao, để được xếp loại tốt mà quên mất rằng học là để cho mình kiến thức nền tảng. Đó là lý do tại sao khi tốt nghiệp ra trường, không ít sinh viên phải học lại nghề từ đầu. Cơ hội có mức lương thỏa đáng trong các công ty lớn bằng 0.
Thậm chí, ngay từ bậc học phổ thông, có đến 90% học sinh cấp THCS tại Hà Nội cho biết, các em học các môn Công nghệ, Giáo dục công dân, Mỹ thuật… chẳng qua chỉ để đạt điểm cao, đạt học lực loại giỏi.
Học chống đối, học để cho xong là một thói quen xấu đang lan tràn từ cấp học phổ thông cho đến ĐH. Học đối phó, chỉ vì điểm số đã khiến một bộ phận không nhỏ sinh viên đang bỏ qua những tiết kiến thức đại cương quý báu - nền tảng tối quan trọng cho quá trình vào nghề sau này của mỗi người.
(Theo laodong.com)