Tuy nhiên, chất lượng giáo dục vẫn dậm chân tại chỗ và loay hoay với những vấn nạn nhức nhối, kéo dài. Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Hồng Quân đã có những trao đổi với QĐND Online về vấn đề này.
Nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Hồng Quân.
Vượt qua điểm sàn không phải đã hóa “Rồng”
Phóng viên (PV): Là người gắn bó với nền giáo dục nước nhà nhiều năm, ông có thể lý giải vì sao giáo dục hiện nay lại là vấn đề khiến nhiều người bức xúc?
Ông Trần Hồng Quân: Giáo dục liên quan tới mọi nhà, do nhu cầu đòi hỏi của xã hội ngày càng cao mà đáp ứng chưa theo kịp nên tạo ra bức xúc. Các nhà quản lý giáo dục quản lý theo cách gò bó, mang màu sắc tập trung, theo chiều hướng “gọt chân cho vừa giày”, tức là quản lý tới đâu thì “nới” tới đó, không theo nhu cầu xã hội.
PV: Như vậy chúng ta có quá nhiều khẩu hiệu mà ít hành động?
Ông Trần Hồng Quân: Bộ đã có nhiều chủ trương tốt như: dạy ngoại ngữ từ lớp 3, phổ cập giáo dục cho mầm non 5 tuổi, mở rộng tín dụng giáo dục cho học sinh sinh viên, tinh giảm sách giáo khoa…
Tôi không phê phán những khẩu hiệu hiện nay mà chỉ thấy khẩu hiệu nên chọn đúng vấn đề, xác đáng, có tính khả thi và quyết tâm làm cho được.
PV: Tại sao trong giáo dục hiện nay có nhiều tiêu cực? Phải chăng căn bệnh đó không có thuốc chữa?
Ông Trần Hồng Quân: Thời trước không nêu ra khẩu hiệu mà chủ trương hành động là chính. Nhưng mỗi thời mỗi khác, khi đó chúng ta vẫn đang sống bằng lý tưởng, bằng những bản anh hùng ca nên chấp nhận mọi thiếu thốn về vật chất. Sau khi kháng chiến thắng lợi, người ta có những suy nghĩ để mang lại những giá trị lợi ích cho riêng mình. Coi giá trị vật chất là tối thượng, đó là vấn đề của xã hội. Khi thấm đòn trả giá cho sự coi thường các giá trị tinh thần thì giai đoạn này qua đi, giá trị tinh thần lại vươn lên, tiêu cực sẽ giảm đi. Đây thực ra là một chu kỳ mang tính xã hội, do đó không nên bi quan mà hãy tin tưởng, cùng chung tay để giải quyết những vướng mắc một cách có hệ thống.
PV: Sẽ thật khó để giải quyết nếu chúng ta vẫn giữ cách tiếp cận giáo dục như hiện nay. Vấn đề thi cử, nhất là cấp đại học, mà nhiều người cho rằng “không giống ai” đang khiến dư luận xã hội lo lắng về chất lượng của một “thế hệ vàng”. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Trần Hồng Quân: Vấn đề thi đại học “3 chung” (chung đề, chung đợt, chung điểm) như hiện nay, cần nhìn lại lịch sử. Thời Bộ trưởng Tạ Quang Bửu, tất các các trường tự tổ chức thi, chấm thi và tự đưa ra chỉ tiêu cho mình. Khi chiến tranh ở miền Bắc, phải chia ra từng địa phương để thi. Như vậy, “3 chung” hình thành từ tình huống chiến tranh. Sau giải phóng, các trường lại tự tổ chức, tự chấm thi. Chỉ có một chung là đề chung. Cuối những năm 1990 mới trở lại “3 chung”.
Từ năm 2005, “3 chung” lại được áp dụng và đến nay đã thành “4 chung” (chung thêm điểm sàn). Điểm sàn chung là điều tệ nhất. Cách thi ba môn, bốn khối không phản ánh được yêu cầu trình độ của từng ngành. Chẳng hạn thí sinh thi khối A (các môn Toán, Lý, Hóa) vào ngành Công nghệ thông tin (CNTT), một ngành đòi hỏi giỏi toán. Một thí sinh thi được 9 điểm Toán nhưng Hóa và Lý kém, không đủ điểm sàn, rớt CNTT; thí sinh khác được 2 điểm Toán nhưng Hóa và Lý khá, đủ điểm sàn và đỗ CNTT. Như vậy, điểm sàn có ý nghĩa gì khi không giúp ta lựa chọn tốt thí sinh. Cách thi này liệu có đáng được coi như một chỉ số duy nhất và tuyệt đối để quyết định số phận của thí sinh. Do đó, đừng coi điểm sàn là “Vũ môn”, cứ vượt qua là có thể hóa “Rồng”.
Hiện nay, số thí sinh trên điểm sàn so với tổng chỉ tiêu nghe nói dôi dư 200.000 người. Thoạt nghe có thể yên tâm là các trường hoàn toàn có thể tuyển đủ chỉ tiêu. Nhưng theo thống kê, khối B dôi dư nhiều trong khi các khối kia không dư bao nhiêu, giờ có chuyển sang các khối đó được không? Đó là số dôi dư chung chung thiếu khoa học. Hơn nữa, số dôi dư nằm chủ yếu ở đồng bằng Bắc bộ, nơi giáo dục phát triển cao nhất, trong khi các vùng miền Tây Nam và Tây Bắc và Tây Nguyên rất thiếu. Những vùng “trũng”, giáo dục thiếu vẫn hoàn thiếu do số trên sàn luôn ít ỏi. Như vậy, số dôi dư này vừa “thực”, lại vừa “ảo”.
Đến thời điểm này, “3 chung” đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử. Hãy giải phóng năng lượng cho ngành giáo dục, để các trường năng động và sáng tạo.
Đột phá trong cách quản lý nhưng theo kiểu tập trung quản lý là một sai lầm. Thi cử chỉ là một khâu trong quá trình đào tạo, đỗ đại học không có nghĩa sẽ có một “thế hệ vàng” thực sự khi ra trường. Nhà nước chỉ nên quản lý chất lượng đầu ra.
Đừng nghĩ chỉ có Bộ mới có trách nhiệm với xã hội
PV: Ấn tượng chung của xã hội là không hy sinh chất lượng cho số lượng và nếu buông lỏng đầu vào sẽ “loạn”, ông thấy sao?
Ông Trần Hồng Quân: Trường nào cũng mong thu hút được nhiều sinh viên giỏi, một trường không thể tồn tại nếu không có sinh viên. Do đó, để tồn tại, họ phải cố sống, cố chết để có sinh viên. Đó là chuyện dở khóc, dở cười nhưng nhiều đau xót. Trước khi trách các trường, phải xem lại căn nguyên từ đâu đã đẩy họ vào hoàn cảnh đó.
Đương nhiên không nên buông lỏng, nhưng cũng không nên nghĩ rằng chỉ có quản lý tập trung, thậm chí làm thay các trường mới đảm bảo chất lượng. Có những chủ trương đưa ra nhiều quy định, khiến các trường không thể xoay sở được. Giống như giao một số tiền nhỏ mà phải ra chợ mua những thứ đắt tiền.
Bộ nắm trong tay công cụ quản lý nhà nước và chỉ nên làm quản lý. Bộ đang ôm đồm làm thay cho các trường và làm không xuể. Còn suy nghĩ buông sẽ “loạn” là một sai lầm. Đừng nghĩ chỉ có Bộ mới có trách nhiệm với xã hội. Đã có thời kỳ chúng ta cực kỳ lo lắng khi để gạo bán theo thị trường tự do, sợ thị trường có vấn đề thì dân sẽ đói. Và kết quả là thế nào, hiện nay chúng ta đang được ăn những loại gạo rất ngon.
Cách thi hiện nay khiến chúng ta nghĩ đầu vào kém đồng nghĩa với đầu ra kém.
PV: Vậy điều căn bản cần thay đổi nhất hiện nay là gì, thưa ông?
Ông Trần Hồng Quân: Nghị quyết Đại hội 11 đã nêu phải đổi mới căn bản và toàn toàn diện nền giáo dục. Đó là vấn đề lớn, thậm chí người có trách nhiệm trực tiếp cũng chưa thể diễn đạt rõ ràng.
Dù sao cũng phải hoàn thiện triết lý giáo dục, làm rõ mô hình nhân cách, điều chỉnh cơ cấu hệ thống, xây dựng và triển khai một chương trình chiến lược mang tầm quốc gia để cải cách giáo dục, coi đó là con át chủ bài cho sự phát triển đất nước.
Đây không chỉ là vấn đề dân trí, nâng cao giá trị nhân cách con người như thành quả cách mạng đem lại cho người dân mà còn là bảo bối, sức mạnh, phương pháp, vũ khí quan trọng bậc nhất thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Đầu tư giáo dục phải được ưu tiên số một chứ không phải sau tất cả những thứ khác như đường sắt cao tốc. Tác động của giáo dục đối với toàn bộ xã hội còn mạnh mẽ hơn và sức mạnh đó chúng ta khó tưởng tượng hết được. Tiềm lực kinh tế nước ta chưa dồi dào nên hãy chọn những ưu tiên hợp lý, đó là bài học của nhiều nước.
Cây có “gốc” tốt thì mới chống chọi được dịch bệnh và những khắc nghiệt của tự nhiên. Giáo dục phải đi vào hai đầu: tiểu học, mầm non và đại học. Trẻ có căn bản sẽ dần dần tự đi lên. Còn bậc đại học trực tiếp tạo ra sức mạnh của xã hội. Nếu chúng ta có 5% dân cư ưu tú thì số đó sẽ dẫn dắt xã hội.
PV: Xin cảm ơn ông!
(Theo Quân Đội Nhân Dân)