Thuê điểm thi ở Bình Dương
Thống kê từ Văn phòng Tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM cho thấy, năm 2011 cụm thi TPHCM có 653.840 lượt TS dự thi, tăng hơn 70.000 lượt TS so với năm 2010 (583.348 lượt TS dự thi). Trong đó, đợt 1 (khối A thi ngày 4 và 5-7) có 246.522 TS dự thi, đợt 2 (khối B, C, D và các khối năng khiếu thi ngày 9 và 10-7) có 215.947 TS dự thi và đợt 3 (hệ CĐ thi ngày 15 và 16-7) có 191.371 TS dự thi.
Do đó, mùa tuyển sinh năm nay, cụm thi TP phải cần thêm 57 điểm thi để đáp ứng cho hơn 70.000 lượt TS dự thi tăng thêm. Do đó, đối với nhiều trường có lượng TS dự thi tăng, việc thuê mướn thêm địa điểm thi hết sức nan giải.
Nếu như những mùa tuyển sinh trước đây, Trường ĐH Cảnh sát Nhân dân (phường Linh Tây, quận Thủ Đức) không phải vất vả tìm thuê địa điểm thi thì năm nay phải tất bật sang Bình Dương để thuê địa điểm thi. Để giải quyết chỗ thi cho gần 3.000 TS tăng thêm so với năm 2010, trường buộc phải thuê các trường từ tiểu học, THCS cho đến THPT tại huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương.
Ông Nguyễn Văn Công, Trưởng phòng đào tạo nhà trường, chia sẻ: “Thủ Đức và quận 9 không còn lấy một chỗ để thuê nên chúng tôi phải chạy sang Bình Dương thuê”.
Thực tế cho thấy, tại các phường Long Bình, Phước Bình, Tăng Nhơn Phú A – B (quận 9) và các phường Linh Chiểu, Tam Bình, Linh Trung, Linh Tây (quận Thủ Đức) từ trường tiểu học cho đến trường THCS đều được các trường ĐH Nông Lâm, ĐH Giao thông Vận tải – Cơ sở 2, ĐH Sư phạm Kỹ thuật, CĐ Công thương, các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM tranh nhau “đặt hàng” trước.
Trong khi đó, đối với khu vực nội thành, việc khan hiếm địa điểm thi năm nay trở nên căng thẳng. Do năm nay lượt TS dự thi tăng gần 200%, tăng 40.000 lượt TS dự thi so với năm 2010 nên Trường ĐH Công nghiệp TPHCM gần như tập trung thuê địa điểm thi ở quận Tân Phú.
Phòng thi trong trường tiểu học tăng đột biến
Có thể nói, nhiều trường tại cụm thi TPHCM năm nay gần như bị động trước áp lực TS dự thi tăng cao. Cùng với việc chấp nhận giá thuê tăng, các trường phải tận dụng mọi địa điểm thuê mướn, miễn có chỗ để TS ngồi thi là được, còn việc chỗ ngồi làm bài có đúng chuẩn, hợp tư thế hay không dường như… cho qua.
Chính vì thế, kỳ tuyển sinh năm nay cụm thi TPHCM thiết lập kỷ lục khi có đến 81 điểm thi được thuê mướn ở các trường tiểu học, tăng gần gấp đôi so với năm 2010. Trường ĐH Công nghiệp TPHCM dẫn đầu khi có tới 24 điểm thi tại các trường tiểu học, Trường ĐH Y dược TPHCM có 15 điểm thi, Trường ĐH Nông Lâm TPHCM 8 điểm thi, Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM có 6 điểm thi...
Điều đáng nói, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM năm nay có đến 47 điểm thi nhưng không có điểm thi nào được thuê ở các trường THPT. Trong đó, hơn 50% số điểm thi được thuê tại các trường tiểu học.
Lý giải về việc phải thuê mướn các trường tiểu học, ông Nguyễn Anh Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, cho rằng: “Nếu không thuê các trường tiểu học, lấy đâu chỗ cho TS thi. Nhà trường cũng biết TS ngồi làm bài suốt mấy giờ liền trên bàn ghế học sinh lớp 1 - lớp 5 là không hợp lý, nhưng biết làm sao được”.
Tại một số trường tiểu học bàn ghế cũ, quá thấp, hội đồng tuyển sinh nhà trường đã tính phương án “dùng xe vận chuyển bàn ghế của nhà trường đến các điểm thi”.
Với kinh nghiệm lâu năm làm công tác tuyển sinh của một trường luôn có TS dự thi đông, TS Lý Văn Xuân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y dược TPHCM, chia sẻ: Trường nào có trên vài chục ngàn TS dự thi là hội đồng tuyển sinh sẽ chịu áp lực rất lớn từ tổ chức, tập huấn cán bộ coi thi, vận chuyển đề thi, thuê mướn địa điểm. Năm nay áp lực về thuê mướn phòng thi rất lớn. Trường tăng hơn 2.500 TS dự thi nên để có đủ chỗ cho các em dự thi phải tận dụng những trường tiểu học gần nhất có thể.
“TS, phụ huynh và xã hội cũng cần chia sẻ với các trường khi phải tổ chức thi tại các trường tiểu học. Điều quan trọng chính là việc tổ chức và cán bộ coi thi có nghiêm hay không” – TS Xuân nhấn mạnh.
* TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, Ủy viên Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011: Cũng phải thấy nỗ lực của nhiều trường ĐH-CĐ đã tận dụng hết các giảng đường, phòng học của chính cơ sở trường mình dùng làm phòng thi, điểm thi. Nhưng dẫu sao việc sử dụng nhiều trường tiểu học làm điểm thi cũng gây nên một số hạn chế nhất định, nhất là bàn ghế của học sinh tiểu học không phù hợp với vóc dáng của TS dự kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ. Vì vậy, trong trường hợp bất khả kháng phải sử dụng trường tiểu học làm điểm thi cho các đợt thi tuyển sinh ĐH-CĐ, các trường cần tuân thủ giãn cách giữa các TS và số lượng TS được bố trí trong phòng thi nhằm tạo điều kiện thoải mái nhất cho TS khi làm bài.
(Theo SGGP)