Mã Trường

Mã Trường

Tin Tức Các Báo

Sẽ siết chặt quản lý đào tạo tại chức

Cập nhật 27/12/2010 - 09:31:59 AM (GMT+7)
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, đào tạo vừa làm vừa học và đào tạo chính quy tuy khác nhau về phương thức nhưng đều có chung chương trình và chuẩn kiến thức. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ có các biện pháp quản lý chặt chẽ hơn buộc các trường nâng cao chất lượng đào tạo hệ vừa làm vừa học.

Ông Ga cho biết: Việc giao chỉ tiêu tuyển sinh trong năm 2011 sẽ căn cứ trước hết vào năng lực của các cơ sở đào tạo. Đó là năng lực tổng thể của trường. Dù chính quy hay không chính quy, chương trình đào tạo không có gì khác nên khi giao chỉ tiêu, Bộ sẽ không phân biệt theo kiểu anh chỉ đảm bảo năng lực đào tạo chính quy còn những hệ khác thì không.

Hiện nay, Bộ chưa quyết định chỉ tiêu tuyển mới cụ thể của năm nay. Số liệu hiện nay chỉ mới là đề xuất của các trường. Sắp tới, Bộ sẽ xem xét để đưa ra quy định chung mang tính nguyên tắc để phân bổ chỉ tiêu. Chỉ tiêu cụ thể cho từng ngành, từng trường sẽ được xác định dựa vào các nguyên tắc đó.

Từ nhiều năm nay, Bộ GD&ĐT đưa ra chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội. Vừa qua, UBND thành phố Đà Nẵng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc không tiếp nhận mới sinh viên tốt nghiệp hệ vừa làm vừa học (còn gọi là tại chức) vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc bộ máy nhà nước. Bộ có để ý tới phản ứng này và xem đó là tín hiệu cho thấy đã có nhà tuyển dụng không thích nhân lực được đào tạo hệ tại chức?

Hệ vừa làm vừa học đóng vai trò quan trọng trong đào tạo nguồn nhân lực. Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển nhanh như hiện nay thì một người không thể chỉ học một nghề rồi sử dụng suốt đời được. Cứ dăm bảy năm là anh phải đổi một nghề khác hoặc làm việc ở một vị trí khác cần cập nhật thêm kiến thức.

Để thích nghi với môi trường công tác mới, họ buộc phải học thêm. Vì thế, cần khẳng định vừa làm vừa học là phương thức đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển nguồn nhân lực đa dạng của đất nước. Hầu như hệ thống giáo dục đào tạo của nước nào cũng đều có phương thức đào tạo này.

Về nguyên tắc, hệ chính quy và hệ tại chức chỉ khác về phương thức đào tạo, còn chương trình học và chuẩn kiến thức đào tạo là như nhau. Vì thế, giá trị bằng cấp của hai hệ đào tạo là như nhau.

Đầu năm 2010, Quốc hội tổ chức đoàn giám sát các trường ĐH. Theo báo cáo của đoàn giám sát, có những trường ĐH mà quy mô đào tạo hệ tại chức còn lớn hơn cả hệ chính quy. Theo ông, tình trạng này có cần phải chấn chỉnh?

Năm vừa rồi Bộ cũng đã giảm chỉ tiêu hệ tại chức chỉ còn 75-80% so với hệ chính quy. Năm nay, Bộ sẽ xem xét để tiếp tục siết chặt quy mô tuyển sinh mới hệ tại chức để các trường đảm bảo chất lượng đào tạo. Vừa làm vừa học là một phương thức đào tạo giúp người dân có thể học tập suốt đời. Vì vậy, hệ đào tạo này vừa mang tính nhân văn, vừa phù hợp với xu thế phát triển. Vấn đề là tìm ra các giải pháp để đảm bảo chất lượng của hệ tại chức ngang bằng với hệ chính quy.

Bộ sẽ có động thái gì để siết chặt chất lượng hệ tại chức?

Trước hội nghị tuyển sinh vào tháng giêng sắp tới, Bộ xác định nguyên tắc phân bổ chỉ tiêu cũng như các quy định về việc giao chỉ tiêu cho các trường sao cho phù hợp. Chẳng hạn như, giao chỉ tiêu tại chức theo ngành tỉ lệ với chỉ tiêu chính quy của ngành đó. Các ngành kỹ thuật hiện nay rất hiếm sinh viên tại chức. Trong khi đó, một số ngành quản lý lại quá đông sinh viên tại chức, dẫn đến quá tải. Nếu giao chỉ tiêu tại chức theo ngành thì các trường không thể tuyển sinh vượt quá năng lực của họ được. Bộ đang nghiên cứu các giải pháp để đưa hệ tại chức dần đi vào nề nếp và đảm bảo chất lượng yêu cầu.

Hiệu quả đào tạo của hệ tại chức đã đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội?

Nhu cầu đào tạo hệ tại chức là có thật. Lượng thí sinh tham gia thi tuyển sinh hệ tại chức hằng năm khá đông. Phần lớn người theo học hệ này là những người đã đi làm nên kiến thức họ tích lũy được sẽ giúp họ thích nghi tốt hơn với công việc. Nhờ có kinh nghiệm thực tiễn nên họ tiếp thu kiến thức nhanh hơn. Số còn lại là những em mới đi làm hoặc đang trong quá trình tìm việc làm, do chưa có kinh nghiệm thực tiễn nên khó thích nghi với phương thức đào tạo tại chức hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng, dù được đào tạo theo phương thức nào, sinh viên cũng đều phải dự một kỳ thi đánh giá chất lượng đầu ra giống nhau, thực tế ra sao thưa ông?

Đào tạo theo tín chỉ sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện điều này. Ví dụ với môn Toán, sinh viên các hệ đào tạo khác nhau trong một trường có thể đăng ký học cùng nhau nếu điều kiện thời gian của họ cho phép. Vì thế, họ có thể cùng tham gia một kỳ thi với cùng chuẩn đánh giá. Khi các trường chuyển hình thức quản lý đào tạo từ niên chế sang học chế tín chỉ, Bộ khuyến khích các trường tạo mối liên thông giữa hệ tại chức và hệ chính quy, đảm bảo hai hệ có cùng một mặt bằng chất lượng.

Nhiều ý kiến còn cho rằng, dù đào tạo theo phương thức nào thì văn bằng chứng chỉ cũng chỉ là một?

Quả là ở nước ngoài, dù học tại chức hay học chính quy, người học đều được cấp một loại văn bằng. Ở ta có khác là trên văn bằng có ghi hệ đào tạo, dù giá trị văn bằng là như nhau.

Theo ông, mình có nên tiến tới chỉ có một loại văn bằng, xoá chữ chính quy/tại chức để tạo áp lực nâng cao chất lượng đào tạo?

Xin lỗi là tôi chưa thể trả lời câu hỏi này ngay bây giờ được.

Cảm ơn ông.

 

Tại hội nghị bàn về kế hoạch ngân sách các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT được tổ chức cuối tuần qua, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã nhận thấy sự bất thường trong quy mô đào tạo tại chức.

“Năm ngoái, khi Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân còn kiêm Bộ trưởng, chúng tôi đã báo cáo về việc này và Phó Thủ tướng đã cho ý kiến là phải giảm chỉ tiêu vừa học vừa làm. Gần đây, các báo đồng loạt đăng thông tin Đà Nẵng không tuyển mới sinh viên tốt nghiệp ĐH tại chức. Theo tôi, đây là một cú hích tăng thêm quyết tâm cho chúng ta trong việc chấn chỉnh tình trạng đào tạo tại chức như hiện nay. Ngoài ra, nó cũng là áp lực để các trường tự điều chỉnh”, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.

Ông Luận cho biết thêm, Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo các vụ nghiên cứu hiện tượng lạ trong đào tạo tại chức: các trường ở Hà Nội thì vào đào tạo trong TPHCM, các trường TPHCM lại ra Hà Nội, thậm chí các trường miền núi cũng mang chỉ tiêu về Hà Nội để đào tạo. “Chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận thực tế này để có giải pháp chấn chỉnh”, ông nói. 

(Theo NLĐ)